Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nhà nước vì dân là một nhà nước lấy lợi ích chính đáng của nhân dân làm mục tiêu. Tất cả đều vì lợi ích của dân, ngoài ra không có bất cứ một lợi ích nào khác,” “Mọi đường lối, chính sách đều chỉ nhằm đưa lại quyền lợi cho dân. Việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng cố gắng làm, việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng cố gắng tránh.”
“Dân là gốc của đất nước,” “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân” - Lời dạy của Người còn vẹn nguyên giá trị trong mọi thời đại và mỗi khi đất nước gặp khó khăn, di huấn của Người luôn là ngọn đuốc soi đường để toàn dân tộc bước theo.
Nhiều ngày qua, cả đất nước đang nỗ lực để ngăn chặn dịch COVID-19, bên cạnh mục tiêu khẩn cấp bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, hàng loạt các chính sách được ban hành nhằm đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân.
Gần đây nhất, việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội dành cho người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 một lần nữa khẳng định mạnh mẽ tinh thần “vì lợi ích của nhân dân” - sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong cuộc chiến cam go này.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Trong suốt gần 4 tháng qua, song song với nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả hệ thống chính trị luôn quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, ổn định đời sống của gần 100 triệu người dân Việt Nam.
Tại cuộc họp về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tới việc xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp nhằm “bảo đảm đời sống sinh hoạt bình thường của nhân dân, nhất là vùng có dịch;” “bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội” trước dự báo diễn biến dịch bệnh phức tạp, khó lường.
Tiếp tục làm rõ quan điểm “vì lợi ích của nhân dân,” trong Lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tinh thần đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động của toàn dân, toàn quân ta, đặc biệt nhấn mạnh sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị nhằm hướng tới mục tiêu chiến thắng đại dịch COVID-19.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng và kêu gọi: “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19.”
Nhận thấy những thiệt hại nhãn tiền do dịch COVID-19 gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã liên tiếp ban hành các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Ngay từ những ngày đầu bước vào cuộc chiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là quan điểm nhất quán của Chính phủ,” đồng thời Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành duy trì “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch bệnh và giữ ổn định xã hội, chăm lo phát triển.
Thủ tướng nêu rõ: “Chính phủ Việt Nam nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là lo cho người dân, nhất là người nghèo, những người thất nghiệp.”
Dù vẫn trong tầm kiểm soát ở Việt Nam, song đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của tất cả các nước, trong đó có nước ta.
Theo dự báo, Việt Nam sẽ có từ 2 đến 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm do tác động của COVID-19.
Đại dịch cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như người được bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo... Do vậy, thực hiện chủ trương vừa quyết liệt phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội, Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị quyết về gói hỗ trợ an sinh xã hội nhằm khắc phục hậu quả COVID-19 với quy mô dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng.
Trên tinh thần “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu,” ngay sau đề xuất, ngày 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp bất thường xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, việc xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp, kịp thời cho thấy nỗ lực cao của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống của nhân dân, đem lại sự yên tâm cho người dân, góp phần giải quyết một số khó khăn, vất vả trong bối cảnh dịch bệnh, tăng thêm sự tin tưởng của người dân đối với Đảng, Nhà nước, để cùng đồng lòng, kiên trì, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh cũng như tiếp tục tham gia công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.”
Nhất trí cao với sự cần thiết của các giải pháp hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo đề nghị của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sau khi các chính sách được ban hành, các ngành, các cấp cần chủ động, tổ chức thực hiện ngay, bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến với người dân, hạn chế đến mức thấp nhất “độ trễ” của chính sách khi đi vào cuộc sống.
Ngày 9/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Để phát huy giá trị và lan tỏa tinh thần “tương thân tương ái” từ gói hỗ trợ có quy mô gần 62.000 tỷ đồng, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương để sự hỗ trợ ý nghĩa này đến với người dân sớm và đúng đối tượng.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là cấp bách và “chưa có tiền lệ.”
Quyết sách thể hiện trọn vẹn ý nghĩa “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong chủ trương chung của Chính phủ trong trận chiến chống lại dịch COVID-19.
Gói hỗ trợ có quy mô khoảng 62.000 tỷ đồng, tương đương 2,6 tỷ USD với ước tính khoảng 20 triệu người được thụ hưởng là đối tượng chính sách và người lao động thuộc 7 nhóm.
[Thủ tướng: Không để người dân nào đói cơm, lạt muối vì COVID-19]
Theo đó, từ tháng Tư đến tháng Sáu năm 2020, người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng; đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng.
Cũng trong thời gian này, người bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng; đối tượng là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng.
Người sử dụng lao động được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
Đặc biệt, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất hỗ trợ tập trung đối với người lao động không có giao kết hợp đồng thuộc những nhóm nghề: bán hàng rong, quà vặt, bốc vác, xe đẩy, xe ba gác, xe ôm, xe xíchlô, bán vé lưu động, làm việc tại các cơ sở ăn uống dịch vụ, du lịch...
“Đây là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp lớn nhất của dịch, cần được quan tâm,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trên tinh thần không để việc lạm dụng, trục lợi xảy ra trong quá trình triển khai, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, ngành, tỉnh, thành phố quan tâm, phối hợp thực hiện, chỉ đạo để thực hiện các chính sách hỗ trợ.
Đặc biệt, trong quá trình triển khai cần kiểm tra, xử lý ở mức nghiêm minh nhất các vi phạm trong triển khai hỗ trợ. Ủy ban giám sát sẽ được thành lập ở các địa phương, trong đó đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc địa phương cùng với sự tham gia của Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, đại diện đại biểu Quốc hội các địa phương...
Với tính chất cấp bách và tốc độ triển khai nhanh chóng, biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 phần nào giải đáp nỗi lo lắng của người dân khi phải đối mặt với “khó khăn kép:” vừa lo chống dịch, vừa lo cho cuộc sống “cơm áo gạo tiền” hàng ngày.
Điều đó cũng minh chứng rõ ràng rằng mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” có nghĩa không chỉ người mắc COVID-19 được cứu chữa tận tâm, tận lực mà người khó khăn do đại dịch gây ra cũng được đùm bọc.
Trong trận chiến với đại dịch Việt Nam nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của truyền thông quốc tế không chỉ do kích hoạt sớm các biện pháp phòng, chống dịch mà còn bởi niềm tin vững chắc và đồng lòng ủng hộ đối với Chính phủ từ phía người dân, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị.
Gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ dành cho người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà còn là sự động viên, hỗ trợ kịp thời về mặt tinh thần; tiếp sức cho mọi người dân có thêm nghị lực, đồng lòng vượt qua khó khăn, vững tâm vào niềm tin chiến thắng “giặc COVID-19.”/.