Phòng, chống dịch COVID-19: Càng trong gian khó, càng thêm vững vàng

Gần 2 năm chống chọi với đại dịch, không thể kể hết những tấm gương xung phong, tình nguyện, những nghĩa cử cao đẹp với tâm nguyện góp sức cùng cả hệ thống chính trị và người dân đẩy lùi dịch bệnh.
Phòng, chống dịch COVID-19: Càng trong gian khó, càng thêm vững vàng ảnh 1Hình ảnh em bé khóc khi thấy mẹ trên tivi.

Trước thách thức từ đại dịch COVID-19, cùng với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, đúng hướng của Trung ương, sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, việc phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu, đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực, niềm tin trong nhân dân để cùng đoàn kết, chung sức đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh.

Gương mẫu đi đầu là trách nhiệm, là danh dự của người cán bộ, đảng viên. Gần 2 năm chống chọi với đại dịch, không thể kể hết những tấm gương xung phong, tình nguyện, những nghĩa cử cao đẹp với tâm nguyện góp sức cùng cả hệ thống chính trị và người dân sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình an cho nhân dân.

Chắc hẳn hình ảnh một bé gái bất chợt khóc gọi mẹ, đòi bế, xuất hiện trên tivi và được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, đã để lại ấn tượng đậm sâu trong ký ức của nhiều người dân.

Mẹ em bé công tác ở Bệnh viện Quân y 103, đã phải tạm rời xa em, đi tăng cường chống dịch ở Bắc Giang khi em vẫn đang còn bú sữa. Đó là những câu chuyện rưng rưng xúc động khi không ít đôi lứa đã tạm gác lại hạnh phúc riêng để lên đường vào tâm dịch. Hay đôi lúc thấy cay nơi sống mũi khi chứng kiến hình ảnh người chiến sỹ công an, quân đội chỉ dám vội vã ngắm nhìn con từ xa để rồi hối hả quay lại đơn vị, tiếp tục nhiệm vụ chống giặc dịch.

Những hình ảnh ấy đã lay động tâm can hàng triệu người dân. Họ ra đi, họ dấn thân vào nơi hiểm nguy theo tiếng gọi của trái tim, lương tâm và trách nhiệm. Nhân dân trân trọng, biết ơn vì sự hy sinh, dấn thân ấy.

Theo thống kê, chỉ tính riêng trong đợt dịch thứ 4 từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 8/2021, đã có hơn 16.000 chuyên gia, y, bác sỹ cùng hàng tấn trang thiết bị hiện đại, đồng bộ đã được Bộ Y tế huy động vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19.

[Đổi mới tác phong làm việc, nắm rõ tình hình cơ sở để chống dịch]

Không chỉ lực lượng y tế, trong đợt dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta đặc biệt nguy hiểm này, đã có hơn 220.000 lượt cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an và dân quân tự vệ được tăng cường hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Rất nhiều người trong số họ, hơn 3 tháng qua đã làm việc không ngơi nghỉ.

Thực tiễn cho thấy trong bối cảnh đại dịch COVID-19 với diễn biến rất phức tạp, khó lường, bên cạnh những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Trung ương, thì việc lãnh đạo địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sâu sát cùng cơ sở sẽ quyết định hiệu quả chống dịch ở nơi đó.

Cách đây gần một tháng, tại hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai với các địa phương trong tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các cấp chính quyền không được để dân đói trong thời gian giãn cách xã hội. Nếu địa phương nào để người dân đói thì người đứng đầu của địa phương đó sẽ bị cách chức và bản thân Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng sẽ từ chức.

Phòng, chống dịch COVID-19: Càng trong gian khó, càng thêm vững vàng ảnh 2Các y, bác sỹ lên đường chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Cam kết chính trị của người đứng đầu tỉnh Đồng Nai trong lúc địa phương đang nóng bỏng vì dịch bệnh đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của cán bộ và nhân dân, thể hiện nhận thức sâu sắc về vai trò của người lãnh đạo trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc” và ý thức trách nhiệm trước nhân dân. Càng trong gian khó càng phải vững vàng ý chí, quyết tâm hành động.

Bên cạnh những tấm gương “dám nói, dám làm," năng nổ, xông pha của người đảng viên, người lãnh đạo để chống dịch, thì đâu đó vẫn còn những khoảng lặng, gây băn khoăn trong quần chúng nhân dân. Đó là câu chuyện trong lúc "dầu sôi lửa bỏng", dịch bệnh hoành hành phức tạp, để lại những thiệt hại không nhỏ về người và tài sản cho nhân dân các tỉnh phía Nam, thì lại có cán bộ, đảng viên đệ đơn xin nghỉ việc, từ chối trách nhiệm, lùi bước trước khó khăn.

Lý do nghỉ việc được vị lãnh đạo đứng đầu một huyện nêu ra là: “Vẫn còn những thiếu sót trong chỉ đạo, điều hành, cụ thể một số địa phương trên địa bàn huyện còn thực hiện chưa nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ, dẫn đến hiện nay vẫn còn phát sinh một số ca dương tính trong cộng đồng...”

Phòng, chống dịch COVID-19: Càng trong gian khó, càng thêm vững vàng ảnh 3Tuy đã 80 tuổi nhưng một cựu chiến binh tích cực tham gia trực tại điểm chốt phòng chống dịch COVID-19 tại thôn. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp tại địa bàn, lý do này không thuyết phục, khó nhận được sự đồng tình của cán bộ, người dân địa phương. Bởi lẽ, dẫu có những thiếu sót trong chỉ đạo, điều hành khiến công tác phòng, chống dịch chưa đạt được yêu cầu thì với tư cách người đứng đầu chính quyền địa phương, vị lãnh đạo này cần cầu thị lắng nghe, tìm cách khắc phục những điểm chưa làm tốt, gương mẫu đi đầu, cùng tập thể chèo lái, sớm đưa tình hình dịch bệnh vào tầm kiểm soát, chứ không phải lựa chọn sự rút lui vào lúc trận chiến với dịch bệnh đang cam go, khốc liệt.

Sự chân thành, thẳng thắn lắng nghe để khắc phục, chắc chắn sẽ được cảm thông, ủng hộ, bởi việc chống dịch COVID-19 chưa hề có tiền lệ, vừa làm vừa phải rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp trong từng giai đoạn và đặc điểm, hoàn cảnh của từng địa phương.

Trong gian khó càng cần tới sự bản lĩnh, can trường của người lãnh đạo. Sự vững vàng, tiên phong, không quản ngại, không lùi bước trước khó khăn, thử thách của người đứng đầu sẽ tạo niềm tin và động lực để tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân cùng chiến thắng dịch bệnh.

Hơn lúc nào hết, trong nguy nan càng cần phát huy cao độ phẩm chất nêu gương của người cán bộ lãnh đạo, người đảng viên. Sự dấn thân, tinh thần trách nhiệm, không nao núng, không lùi bước trước khó khăn của người cán bộ chính là minh chứng sống động để người dân thêm tin tưởng, đồng lòng ủng hộ cùng với chính quyền đẩy lùi dịch bệnh.

Việc nêu gương của người cán bộ, đảng viên chính là phương thức lãnh đạo của Đảng. Nhân dân tin yêu và đi theo con đường của Đảng bắt đầu từ những tấm gương cán bộ, đảng viên cụ thể, dám nói, dám làm. Đây là điều đã được chứng minh qua thực tiễn và trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, bài học này vẫn luôn phát huy giá trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục