Triển khai hiệu quả phòng, chống dịch ngay tại xã, phường, thị trấn

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại xã, phường, thị trấn; khi thực hiện xã, phường, thị trấn phải thật sự là “pháo đài”...
Nhân viên y tế lấy mẫu cho người dân phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Nhân viên y tế lấy mẫu cho người dân phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Bộ Y tế cho biết, từ 17 giờ ngày 10/9 đến 17 giờ ngày 11/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.932 ca nhiễm mới, trong đó 5 ca nhập cảnh và 11.927 ca ghi nhận trong nước.

Số ca nhiễm giảm trên toàn quốc

Số ca mắc tại Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 11/9 giảm so với số ca mắc trong ngày 10/9, chỉ còn 5.629 ca, Bình Dương có 3.971 ca, Đồng Nai có 960 ca...; trong đó có 5.169 ca trong cộng đồng.

So với số ca nhiễm trong ngày 10/9, số ca nhiễm ghi nhận trong nước của ngày hôm nay giảm 1.379 ca. Tại Thành phố Hồ Chí Minh giảm 1.910 ca, Bình Dương tăng 408 ca, Đồng Nai tăng 137 ca, Long An tăng 16 ca, Kiên Giang tăng 79 ca...

Trong 7 ngày qua, trung bình mỗi ngày cả nước ghi nhận 12.867 ca nhiễm mới.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 601.349 ca nhiễm, đứng thứ 49/222 quốc gia và vùng lãnh thổ; ở tỷ lệ ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 157/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.113 ca nhiễm).

Trong ngày 11/9, có 12.541 trường hợp được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 363.462 ca; có 217 ca tử vong.

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 596.980, trong số này có 360.688 người đã được công bố khỏi bệnh.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 15.018 trường hợp, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Nâng cao vai trò nêu gương, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu

Ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo để kiểm điểm công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tuần qua, đồng thời đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với tình hình trong thời gian tới.

Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua; đồng thời đề ra mục tiêu nhanh chóng kiểm soát tình hình, khống chế dịch bệnh, tổ chức sản xuất an toàn, đặc biệt là phải giảm tối đa ca tử vong do dịch COVID-19.

Triển khai hiệu quả phòng, chống dịch ngay tại xã, phường, thị trấn ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với các địa phương. (Ảnh: Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở; nâng cao vai trò nêu gương, dám nghĩ, dám làm của người  đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, phải tránh 2 khuynh hướng: lơ là, mất cảnh giác khi phòng, chống dịch mới đạt được kết quả ban đầu và khi đã giãn cách trong thời gian dài; chủ quan, nóng vội muốn mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại xã, phường, thị trấn; khi thực hiện xã, phường, thị trấn phải thật sự là “pháo đài”; người dân phải thật sự là “chiến sỹ”; người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.

Cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội; rà soát và đánh giá việc triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP; tiếp tục vận động, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đóng góp cho công tác chăm lo an sinh xã hội. Đồng thời, triển khai tốt nhiệm vụ năm học mới, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương. Tăng cường hợp tác công tư trong phòng, chống dịch.

[TPHCM: Số ca tử vong do COVID-19 giảm, chưa thể nói đỉnh dịch đã qua]

Thủ tướng Chính phủ cũng nhắc nhở các địa phương đảm bảo an dân, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và các địa bàn khu công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của nhân dân.

Cần tiếp tục truyền thông để “Dân biết-Dân hiểu-Dân tin-Dân theo-Dân làm.” “Phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; chống dịch phải quyết liệt, dứt điểm. Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch. Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng cho chống dịch, nhất là sự mất mát về tinh thần và tính mạng của người dân”, Thủ tướng khẳng định.

Số ca tử vong liên tục giảm ở Thành phố Hồ Chí Minh

Chiều 11/9, tại cuộc họp báo do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), cho biết, số ca tử vong liên tục giảm, xuống dưới 200 người/ngày chỉ là biểu hiện về hiệu quả điều trị của ngành y tế chứ chưa thể nói rằng đỉnh dịch COVID-19 đã qua.

Theo bác sỹ Tâm, đỉnh dịch căn cứ vào số ca F0 mới trong ngày chứ không dựa trên số người tử vong trong ngày. Số người tử vong trong ngày giảm những ngày qua là một tín hiệu tốt.

Trong ngày 10/9 có 188 trường hợp tử vong, giảm 7 ca so với ngày 9/9, giảm 15 ca so với ngày 8/9 và giảm 80 ca so với ngày 7/9. Cũng trong ngày 10/9, đã có 3.392 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ ngày 1/1 đến ngày 10/9 là 147.416).

Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh đang điều trị cho 39.433 bệnh nhân, trong đó có 2.805 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.790 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân phải can thiệp ECMO (dùng phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể). Thành phố đã tiêm được 7.535.598 mũi vaccine phòng COVID-19.

Cũng tại cuộc họp báo, bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, cho biết, tính đến ngày 10/9 có 908 ca F0 khỏi bệnh được ngành y tế phân bổ về các đơn vị, bệnh viện để tham gia công tác hỗ trợ phòng, chống dịch trên tổng số 1.700 người đã đăng ký.

Những người này được trang bị đầy đủ các trang bị phòng hộ và hưởng đầy đủ các chế độ đối với tình nguyện viên. Các sở liên quan đang tham mưu cho UBND thành phố để tiếp tục có các hỗ trợ cụ thể.

51,33% số người dân Hà Nội được tiêm vaccin

Tin từ Sở Y tế Hà Nội, thực hiện theo kế hoạch 206/KH-UBND thành phố ngày 8/9, đến 12 giờ trưa ngày 11/9, toàn thành phố đã lấy được 876.427 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân trên địa bàn, trong đó có 674.700 mẫu xét nghiệm PCR mẫu gộp và 201.727 mẫu test nhanh kháng nguyên.

Triển khai hiệu quả phòng, chống dịch ngay tại xã, phường, thị trấn ảnh 2Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Kết quả, trong số 674.700 mẫu xét nghiệm PCR mẫu gộp, đã có 52.028 mẫu âm tính, 2 mẫu dương tính, số còn lại đang chờ kết quả. Còn trong số 201.727 mẫu test nhanh kháng nguyên, có 201.714 mẫu âm tính, 13 mẫu dương tính. 13 mẫu dương tính qua test nhanh được lấy lại để xét nghiệm PCR, kết quả có 7 mẫu dương tính với SARS-CoV-2.

Song song với xét nghiệm, ngày 10/9, toàn thành phố Hà Nội đã tiêm được 360.690 mũi vaccine phòng COVID-19 cho người dân, nâng tổng số mũi tiêm của thành phố lên 3.495.145 mũi (3.131.257 mũi 1; 430.778 mũi 2), chiếm 38,72% dân số và bằng 51,33% người dân trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vaccine.

Từ ngày 29/4 đến nay thành phố Hà Nội ghi nhận 3.760 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.591, số ca mắc là đối tượng đã được cách ly là 2.169.

Đà Nẵng tạm dừng tiêm vaccine phòng COVID-19 để tránh bão

Sáng 11/9, Ban Chỉ đạo tiêm chủng thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố sẽ tạm dừng tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 vào 2 ngày 11-12/9 để tránh bão số 5 (tên quốc tế là Conson) nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, trước thời tiết diễn biến phức tạp. Lịch tiêm trở lại sẽ được ngành y tế thông báo cho người dân qua tin nhắn và cuộc gọi.

Hiện Đà Nẵng đang triển khai kế hoạch tiêm vaccine AstraZeneca cho hơn 92.000 người dân. Dự kiến, trong thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục nhận lượng vaccine lớn, khoảng 400.000 liều để triển khai tiêm cho người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục