[Photo] Phạm Anh Đạo: 'Gã điên ngược đời' của làng gốm Bát Tràng
Giờ đây, chỉ còn Phạm Anh Đạo là nghệ nhân duy nhất của làng Bát Tràng làm thủ công với phương pháp cổ truyền. Đạo như thể được sinh ra để đi con đường ấy, giữ tinh hoa còn sót lại và duy trì vốn cổ.
Xuân Mai
Tôi muốn kể câu chuyện về Phạm Anh Đạo, người con thuộc thế hệ thứ 19 của dòng họ Phạm Ngũ Chi, Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), cháu cụ Liệu, một lão thợ giỏi của làng (vì thời của cụ chưa có chính sách phong nghệ nhân). Anh Đạo thừa hưởng tố chất khéo léo và đam mê kỹ thuật làm gốm thủ công truyền thống của dòng tộc từ nhỏ. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Sinh ra và lớn lên trong không gian của gốm, Anh Đạo đã luôn dành một tình yêu bền bỉ và đam mê trọn vẹn cho dòng gốm Bát Tràng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Chỉ cần đôi ba hòn đất, chiếc bàn xoay và đôi bàn tay khéo léo, là Anh Đạo có thể thỏa sức sáng tạo ra những tác phẩm gốm độc đáo. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Điểm khác biệt của nghệ nhân Anh Đạo là anh hoàn toàn sử dụng phương thức truyền thống: làm gốm trên bàn xoay theo kiểu vuốt-nặn-vẽ. Và đây là công đoạn vò đất. Đất được vò để đẩy khí, đất vò càng kỹ càng tốt. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Giờ đây, chỉ còn Anh Đạo là nghệ nhân duy nhất ở Bát Tràng làm thủ công với phương pháp cổ truyền. Đạo như thể được sinh ra để giữ những tinh hoa còn sót lại và duy trì vốn cổ Bát Tràng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Trong khi thị trường chạy theo những cái mới và những sản phẩm hàng loạt thì Anh Đạo lại luôn đi ngược với số đông, cứ mình một đường, tỉ mẩn với từng sản phẩm vuốt tay… (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Và con đường ấy đã tạo nên cho anh sự khác biệt bằng những sản phẩm độc bản được trau truốt tỉ mỉ từ đôi bàn tay điệu nghệ, đôi mắt giàu tính thẩm mỹ. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Một trận ốm từ năm đầu đời đã khiến Anh Đạo mất đi khả năng thính giác. Thế nhưng ngay từ nhỏ, Anh Đạo đã bộc lộ niềm yêu thích với gốm trong những lần xem bố vuốt, nặn... (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Không thể lắng nghe những âm thanh của cuộc sống, lớn lên, thế giới của Đạo là gốm. Ông Trời đúng là không lấy hết cái gì của ai bao giờ, khi phú cho anh đôi bàn tay tài hoa, óc thẩm mỹ và một niềm đam mê với phương pháp làm gốm thủ công truyền thống. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Những sản phẩm gốm vuốt tay của Anh Đạo luôn tạo được dấu ấn riêng, bởi ngoài đôi tay tài hoa anh còn có tâm hồn của một nghệ sỹ. Vì thế mỗi sản phẩm của anh giống như một tác phẩm nghệ thuật. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Những mẻ gốm đầu tiên của Anh Đạo ra lò xù xì, vẹo vọ. Ngày ấy, khi bày mẻ hàng đầu tiên trước cửa, dân làng đi qua đã chẳng kiệm lời chê. Họ gọi anh là ‘Đạo điên,’ bảo rằng làm gốm kiểu đó thì ‘bán cho ma...’ (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Nhưng Đạo kệ tất cả, anh cứ làm công việc mà mình đam mê và chú tâm vào những hình khối, đường nét, bài men... để rồi cho ra đời những sản phẩm ngày càng đẹp, tinh tế và được nhiều người yêu gốm đón nhận. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Mỗi sản phẩm sau khi nặn, vuốt, phơi sẽ được vẽ, nặn rồi vào men... (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Lò gốm của Phạm Anh Đạo ở ngay trung tâm chợ Bát Tràng và giờ đây là điểm đến được nhiều người yêu gốm thường xuyên ghé qua. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Trong khi các nghệ nhân khác sau một thời gian trụ vững ở Bát Tràng thường tìm cách mở rộng quy mô sản xuất thì Anh Đạo vẫn 'bảo thủ' với diện tích xưởng khiêm tốn của gia đình, và hàng ngày tỉ mẩn nặn, vuốt từng sản phẩm. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Những sản phẩm này được phơi vài ngày trước khi vào lò nung ở mức nhiệt khoảng 1.250 độ. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Công đoạn chồng lò. Cứ vài ngày Anh Đạo lại làm đủ để nung một mẻ gốm mới. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Một tác phẩm gốm đang trong công đoạn vào men. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Gian trưng bày sản phẩm khiêm tốn của nghệ nhân Phạm Anh Đạo ở trung tâm chợ Bát Tràng, ngay phía trước lò gốm. (Ảnh: Tố Trinh/Vietnam+)
Ngắm một số sản phẩm lọ hoa gốm của nghệ nhân Phạm Anh Đạo. (Ảnh: Tố Trinh/Vietnam+)
Chiếc bát thả hoa. (Ảnh: Tố Trinh/Vietnam+)
Những bài men của nghệ nhân Anh Đạo cũng vô cùng độc đáo và khác biệt. (Ảnh: Tố Trinh/Vietnam+)
Giờ đây, sau một hành trình bền bỉ với con đường đã chọn, Anh Đạo đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng người yêu gốm, hiểu gốm và quý trọng người giữ được phương pháp làm gốm thủ công truyền thống của làng cổ Bát Tràng. (Ảnh: Tố Trinh/Vietnam+)
Những kết quả giám định ban đầu cho thấy một trong những đồng tiền này là đồng dinar vàng được lưu hành dưới triều đại Quốc vương Hồi giáo Harun al-Rashid.
Việc phát hiện 4 di tích khảo cổ ở Vườn Quốc gia Ba Bể, đặc biệt di tích hang Thẳm Kít, đã làm phong phú thêm nhận thức về văn hóa tiền sử Bắc Kạn nói riêng và Việt Nam nói chung.
Một người đàn ông Việt Nam đặc biệt đam mê những món đồ sứ và đồ cổ truyền thống đã dành 25 năm cuối đời để trang trí ngôi nhà của mình, với gần 10.000 bát sứ, đĩa và bình cổ
Thời gian qua, với sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, các làng nghề đã có những thay đổi đáng kể, góp phần giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn.
Tinh hoa của dòng gốm dân gian Luy Lâu tưởng chừng đã bị quên lãng cùng những lò nung nguội lạnh cả ngàn năm nay lại hồi sinh mạnh mẽ dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân vùng Dâu Thuận Thành, Bắc Ninh.