Phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số Việt Nam đang hàng ngày phải đối mặt với nguy cơ nghèo đói, bệnh tật, bạo lực... Những người phụ nữ này phải chịu đựng sự bất bình đẳng kép đến từ góc độ giới và dân tộc. Vì vậy,các chính sách hỗ trợ cần tập trung nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số.
[Người nghèo vùng dân tộc thiểu số được giảm một nửa lãi suất vay]
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Chia sẻ kết quả điều tra thực trạng kinh tế xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015 từ góc độ giới” do Ủy ban Dân tộc và Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức ngày 21/11 tại Hà Nội.
Hứng chịu bất bình đẳng kép
Kết quả phân tích số liệu từ cuộc kết quả khảo sát quốc gia năm 2015 về tình hình kinh tế xã hội của 53 dân tộc tại Việt Nam cho thấy bất bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực như: kinh tế, lao động, giáo dục, y tế, xã hội…
Theo kết quả nghiên cứu, phân công lao động trong đồng bào dân tộc thiểu số có xu hướng gắn với những đặc điểm giới và quan niệm về giới bất lợi cho phụ nữ. Trong kinh tế và phân công lao động phụ nữ bất lợi hơn, nên thường yếu thế hơn trong vai trò ra quyết định. Trong khi 74% hộ gia đình dân tộc thiểu số có nam giới đứng tên độc lập về quyền sở hữu đất đai và tín dụng thì tỷ lệ này ở người Kinh chỉ là 41%.
Tại vùng dân tộc thiểu số tình trạng bỏ học của học sinh diễn ra phổ biến, đặc biệt là việc duy trì việc học lên cấp trung học phổ thông. Nam dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết là 86,3%, trong khi đó tỷ lệ nữ chỉ 73,4% biết đọc biết viết.
Thông thường, những trường hợp bỏ học thường tảo hôn hoặc có nguy cơ tảo hôn. Điều đáng lo ngại là ở độ tuổi dưới 16, trẻ em nữ dân tộc thiểu số kết hôn cao gấp 3,4 lần trẻ em nam (685 em trai và 2.306 em gái).
Bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) cho biết trong khi nhiều trẻ em nam dân tộc thiểu số sau khi kết hôn vẫn tiếp tục đi học thì hầu hết trẻ em nữ phải nghỉ học ở nhà để thực hiện các “thiên chức” của phụ nữ. Với quan niệm truyền thống coi trọng con trai hơn con gái, nên tại nhiều dân tộc thiểu số ưu tiên học hành của các gia đình thường dành cho con trai.
Phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số không chỉ chịu thiệt thòi trong gia đình, xã hội, các điều kiện cơ bản của cuộc sống trên cơ sở những quan niệm lạc hậu mang tính định kiến giới mà còn phải cam chịu bạo lực trên cơ sở giới. Bạo lực trong gia đình dân tộc thiểu số xảy ra khá phổ biến, đặc biệt ở gia đình những dân tộc phụ hệ.
Theo nghiên cứu, có tới 58,6% phụ nữ dân tộc thiểu số từ 15-49 tuổi tin rằng chồng có quyền đánh vợ vì bất kỳ lý do nào trong 5 lý do: Vợ ra ngoài mà không xin phép, vợ bỏ bê con cái, vợ cãi lại chồng, vợ từ chối quan hệ tình dục với chồng, vợ làm cháy thức ăn. Trong khi tỷ lệ này ở phụ nữ Kinh và Hoa chỉ khoảng 28%.
Bà Nguyễn Thị Tư nhận định, rõ ràng phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số là đối tượng bị yếu thế hơn trong gia đình, cộng đồng, xã hội, họ đang phải đối mặt với rất nhiều sự phân biệt đối xử và chịu bất bình đẳng “kép” cả về dân tộc và về giới. Sự bất bình đẳng xuất phát từ chính điều kiện, hoàn cảnh, môi trường sống và cả những quan niệm lạc hậu đã ăn sâu vào nếp nghĩ của cả cộng đồng xã hội dân tộc thiểu số bao đời nay.
Phụ nữ dân tộc thiểu số ít nắm giữ vai trò lãnh đạo
Kết quả phân tích số liệu từ cuộc kết quả khảo sát quốc gia năm 2015 về tình hình kinh tế xã hội của 53 dân tộc tại Việt Nam cũng chỉ ra một thực tế rằng phụ nữ dân tộc thiểu số ít nắm giữ các vị trí lãnh đạo. Nữ cán bộ công chức là người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 23,79% tổng số cán bộ công chức các xã vùng dân tộc thiểu số.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thúy Chuyên gia tư vấn của UN Women, kết quả nghiên cứu cho thấy khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội càng thấp và càng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì tỷ lệ nữ trong tổng số cán bộ công chức là người dân tộc thiểu số càng thấp.
Ở các xã vùng dân tộc thiểu số trong cả nước hiện có gần 426.000 đảng viên là người dân tộc thiểu số, trong đó nữ Đảng viên người dân tộc thiểu số chỉ chiếm khoảng 30%.
Bà Nguyễn Thị Tư cho biết, dựa trên cũng kết quả nghiên cứu, khảo sát Ủy ban Dân tộc đang xây dựng dự thảo đề án Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”. Mục tiêu của đề án là tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới.
[Lai Châu nỗ lực đưa học sinh dân tộc thiểu số đến trường]
Để thực hiện được các mục tiêu của đề án, các chuyên gia cho rằng cần phân tích một cách hệ thống các vấn đề giới trong vùng dân tộc thiểu số. Điều này sẽ giúp việc xây dựng, thực hiện, giám sát các chính sách, chương trình phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi một cách bền vững, đáp ứng được như cầu phát triển thực sự của phụ nữ và nam giới các dân tộc Việt Nam.
Bà Elisa Fernandez, Trưởng văn phòng UN Women Việt Nam nhấn mạnh: “Việc lồng ghép phát triển dân tộc thiểu số trong hoạch định chiến lược quốc gia không thể thực hiện nếu không có sự hiểu biết rõ ràng về các vấn đề giới ở các vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Đáp ứng được các nhu cầu giới phải được xem là một phần quan trọng của chính sách dân tộc.”/.