Tín dụng chính sách ưu đãi: Người dân đã ý thức được có vay có trả

Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giảm từ 13,75% tại thời điểm nhận bàn giao (năm 2002) xuống còn 0,81% tại thời điểm 30/9.
Tín dụng chính sách ưu đãi: Người dân đã ý thức được có vay có trả ảnh 1Nhiều hộ ở các vùng dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo từ đồng vốn tín dụng chính sách ưu đãi. (Nguồn: TTXVN)

Sau 15 năm “cấp” vốn cho người nghèo, có thể nói các kênh tín dụng chính sách xã hội đang phủ kín các nhu cầu giải quyết các vấn đề xã hội, hướng đến nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bộ phận dân cư có mức sống thấp hơn, điều kiện sinh hoạt khó khăn hơn so với mặt bằng chung của nền kinh tế.

Cũng trong 15 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới…

Tuy nhiên, để đồng vốn tín dụng ưu đãi hiệu quả hơn, nhiều đại biểu tại tọa đàm “Hiệu quả của tín dụng chính sách với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức cho rằng, cần có cơ chế tập trung nguồn vốn để thực hiện tốt hơn chương trình tín dụng góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Tỷ lệ nợ quá hạn cho vay người nghèo chỉ 0,81%

Đây là con số được ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội đưa ra tại toạ đàm. Ông Hải cho biết, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giảm từ 13,75% tại thời điểm nhận bàn giao (năm 2002) xuống còn 0,81% tại thời điểm 30/9 (trong đó, nợ quá hạn 0,42%, nợ khoanh 0,39%).

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế chia sẻ tại tọa đàm, trước khi Ngân hàng Chính sách được thành lập, ông đã không tin là ngân hàng sẽ thành công như hiện nay, bởi nhìn vào nợ xấu thời điểm đó rất cao, nếu phát triển thành một ngân hàng không biết sẽ như thế nào.

“Tuy nhiên, nhờ vào những chỉ đạo của Chính phủ và những nỗ lực của cán bộ Ngân hàng Chính sách thì thời điểm hiện nay, nhìn vào con số nợ xấu thấp so với thời điểm kinh hoàng trước đây có thể nói quá tuyệt vời,” ông Nghĩa nhận xét.

Chia sẻ về thực tế sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, chị Nguyễn Thị Lực dân tộc Mường, cư trú tại xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội cho biết, chị lập gia đình cùng anh Trần Hồng Tiến, với hai bàn tay trắng và một căn nhà tạm. Cuộc sống trở nên khó khăn khi sinh thêm 2 con nhỏ, vợ chồng sức khỏe yếu, không có nghề phụ, chủ yếu sống bằng nghề nông. Mặc dù gia đình chị Lực có diện tích đất đồi rộng hơn 1ha nhưng không có vốn, lại thiếu kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi nên thu nhập của gia đình rất bấp bênh. Gia đình nhiều năm liền là hộ nghèo trong thôn.

Năm 2009, gia đình chị Lực được giới thiệu vào Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn và được phổ biến chính sách vay vốn từ Ngân hàng Chính sách huyện Ba Vì. Vợ chồng chị đã làm đơn xin vay 20 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để chăn nuôi lợn sinh sản và được Tổ bình xét cho vay.

[Trên 3,5 triệu lượt học sinh sinh viên được vay vốn học tập]

Khi nhận được tiền vay từ ngân hàng, gia đình chị đã mua được 3 con lợn nái sinh sản và 18 con lợn bột để nuôi, số tiền còn lại cùng với một ít vốn của gia đình tôi đã tu sửa 30m2 chuồng trại.

Sau đó, nhờ vào việc trả nợ đúng hạn, gia đình chị Lực tiếp tục được Ngân hàng Chính sách cho vay thêm hai lần nữa với số tiền 54 triệu đồng và đến nay qua 8 năm vay vốn từ Ngân hàng Chính sách huyện Ba Vì, gia đình chị Lực có thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng mỗi năm từ chế biến tinh bột đót và 30 triệu đồng từ mô hình vườn - ao - chuồng (bò, lợn, cá). Hiện tại, gia đình chị cũng đã xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang, con cái ngoan ngoãn học giỏi, cuộc sống ngày càng ổn định hơn.

"Từ chỗ không biết làm ăn, không dám vay nợ, sống trong đói nghèo, đến nay vợ chồng tôi đã có mô hình sản xuất hiệu quả, tự hào với thôn bản vì đã tạo dựng được cuộc sống đàng hoàng. Từ bản thân mình, tôi nhận thấy để thoát khỏi đói nghèo không phải là dễ, nó cần có sự quyết tâm, kiên trì của từng hộ gia đình và hơn nữa là chính sách hỗ trợ, giúp đỡ đúng hướng của Đảng và Nhà nước thì thoát nghèo mới thực sự bền vững," chị Lực chia sẻ.

Còn ông Bùi Văn Quý cư trú tại thôn Hưng Giáo, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội cũng cho biết, gia đình ông có 5 khẩu, nghề nghiệp chính là làm ruộng nên thu nhập hàng tháng rất thấp, thuộc diện hộ nghèo của xã nên gặp rất nhiều khó khăn trong trang trải cuộc sống hàng ngày.

Năm 2009, con gái lớn của ông nhận được thông báo đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội với số điểm cao nhưng gia đình lại không có tiền lo cho cháu nhập học. Nhờ người quen giới thiệu, ông Quý đã được Hội Nông dân xã hướng dẫn về thủ tục và quy trình cho vay đối với học sinh sinh viên tại điểm giao dịch xã Tam Hưng.

Hai người con tiếp theo của ông sinh năm 1993 và 1996 đều đỗ đại học và cũng đều được Ngân hàng Chính sách huyện Thanh Oai xét duyệt cho vay, tổng cộng số tiền ông vay cho 3 người con là 183,1 triệu đồng.

Hiện nay 2 cháu lớn mới ra trường và đi làm, có thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày và học lên cao học. Đến nay, gia đình ông Quý cũng đã trả nợ được cho Ngân hàng chính sách xã hội gần hết, hiện chỉ còn dư nợ 16,5 triệu đồng.

"Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với học sinh sinh viên như một chiếc phao cứu sinh đối với gia đình tôi. Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi dành cho sinh viên thì nhiều học sinh nghèo trong đó có con tôi không thực hiện được ước mơ vào đại học. Những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã giúp các em sinh viên nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống đồng thời giúp cho những hộ nghèo như gia đình tôi đỡ tủi phận," ông Quý cảm động nói.

Phó Tổng giám đốc Ngân hành Chính sách Nguyễn Đức Hải chia sẻ về hiệu quả của nguồn tín dụng chính sách ưu đãi

Ông Hải cũng nhấn mạnh, hiện nay không còn tình trạng bà con dân tộc thiểu số vay tiền chính sách tín dụng ưu đãi để về để ống nứa gác bếp đến kỳ thu nợ lại mang xuống trả nữa mà nhiều người đã biết cách làm ăn, tăng gia sản xuất từ đồng vốn này.

Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện các chương trình thúc đẩy chính sách đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, hạn chế được mặt trái của thị trường, góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, giảm thiểu các bất ổn xã hội, nhất là ở vùng sâu vùng xa; khắc phục các hạn chế về một chính sách tín dụng cho không tạo chuyển biến cơ bản nhận thức của người nghèo từ mặc cảm, tự ti, thậm chí là chông chờ ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước, đến ý thức làm quen với quan hệ tín dụng có vay có trả và ý thức làm ăn vươn lên thoát nghèo, tiết kiệm giành dụm nguồn vốn để tích lũy cho tương lai.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách

Mặc dù đánh giá cao nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội ủy thác qua các tổ chức đã phần nào giúp các hộ nghèo, thanh niên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đời sống của nhiều người dân được cải thiện. Tuy nhiên, các đại biểu vẫn cũng cho rằng, nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn cao, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo của cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước; chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, phân tán, thiếu tính hệ thống, nhiều chính sách chưa khuyến khích người nghèo tích cực vươn lên thoát nghèo; cơ chế phối hợp, chỉ đạo, điều hành ở các cấp còn nhiều hạn chế...

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Ngân hàng Chính sách Xã hội cần chủ động xây dựng phương án huy động vốn theo cơ chế hiện hành và trình cơ quan có thẩm quyền bổ sung các nguồn khác để đảm bảo có thêm vốn vay cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Ông Lợi cũng kiến nghị, cần tạo điều kiện hỗ trợ Ngân hàng Chính sách trong việc huy động vốn, vay tái cấp vốn và chỉ đạo các tổ chức tín dụng Nhà nước (bao gồm các tổ chức tín dụng Nhà nước đã thực hiện cổ phần hoá và Nhà nước giữ cổ phần chi phối) thực hiện duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách theo quy định.

Còn bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tín dụng chính sách, với vai trò của mình, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động vốn, vay tái cấp vốn, đảm bảo nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác…

Bà Giang cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cân đối, phân bổ nguồn vốn kịp thời để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng theo các chương trình tín dụng chính sách./.

Tính đến 30/9, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 169.000 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập (năm 2002), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,2%, với trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại các huyện nghèo là 13.900 tỷ đồng, với gần 457.000 đối tượng đang dư nợ.

Tổng nguồn vốn đạt 179.120 tỷ đồng, tăng 172.098 tỷ đồng, gấp hơn 25 lần so với khi thành lập. Trong đó, ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ và cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng đạt 27.762 tỷ đồng, chiếm 15,6% tổng nguồn vốn.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục