Giữa năm 2015, tỉnh Phú Thọ cấp phép cho Công ty Công ty cổ phần khoáng sản Tân Ngọc Minh khai thác đá đolomit làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ đá gò Đầm, khu 2, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn.
Sau khi được cấp phép, Công ty này đi vào hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Công ty đã triển khai khai thác rầm rộ, khiến môi trường bị ô nhiễm, hệ thống tuyến đường huyết mạch của người dân bị xuống cấp trầm trọng.
Điều đáng nói, Công ty này chỉ được cấp phép khai thác đá đolomit làm vật liệu xây dựng thông thường, thế nhưng tại khai trường khai thác mỏ, người dân đã phát hiện nhiều khoáng sản Talc (quặng tan), thậm chí có cả cao lanh, nhưng chưa được kiểm tra, xử lý, gây bức xúc trong dư luận.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân
Theo phản ánh của người dân gò Đầm, khoảng 10 ngày trở lại đây, công trường khai thác đá đolomit, quặng tan, cao lanh hoạt động rầm rộ cả ngày, gây bất bình trong nhân dân. Máy xúc, máy cẩu, xe ô tô trọng tải lớn hoạt động liên tục từ sáng sớm đến tối muộn.
Việc khai thác khoáng sản gây bụi bẩn mù mịt; tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân. Điều đáng nói, con đường giao thông huyết mạch trong khu bị xuống cấp; xe chạy xâm lấn cả con đường khiến người dân khó khăn trong lưu thông, nguy cơ mất an toàn giao thông hiện hữu…
Đỉnh điểm là ngày 1/7, người dân đã làm rào chắn phản đối việc khai thác, vận chuyển khoáng sản vì cho rằng Công ty này đã gây ra bụi bẩn, ô nhiễm môi trường và gây mất an toàn giao thông.
[Công bố kết luận thanh tra hoạt động khoáng sản trên địa bàn Lào Cai]
Ngày 2/7, trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Liêm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thu Ngạc xác nhận tại khu gò Đầm hiện có Công ty Tân Ngọc Minh được tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác đá đolomit từ năm 2015. Gần đây, công ty rầm rộ đưa máy móc, phương tiện hoạt động liên tục với cường độ lớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
“Xuất phát từ việc chặn đường, cản trở giao thông của người dân, sáng 2/7, chính quyền xã cùng Công an huyện Tân Sơn, công an xã đã có buổi làm việc với đại diện Công ty Tân Ngọc Minh, yêu cầu Công ty cam kết thực hiện biện pháp tưới nước chống bụi bẩn, cường độ xe tải chở khoáng sản giảm xuống cho hợp lý. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm túc quy định về tưới nước và các quy định về bảo vệ môi trường theo đúng Luật Bảo vệ môi trường. Việc giám sát hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty cần thiết có sự tham gia của người dân bản địa và chính quyền địa phương... tránh gây bức xúc trong nhân dân,” ông Liêm cho biết thêm.
Có hay không việc cấp phép một đằng khai thác một nẻo?
Theo giấy phép số 18/GP-UBND ngày 19/6/2015 của tỉnh Phú Thọ, Công ty Tân Ngọc Minh được khai thác đá đolomit làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ đá gò Đầm, khu 2, xã Thu Ngạc với diện tích 4,68ha; trữ lượng hơn 527.847m3; công suất khai thác 40.000 m3/năm; thời hạn 14 năm.
Trên thực tế, theo phản ánh người người dân xã Thu Ngạc cũng như thông tin phóng viên có được, Công ty Tân Ngọc Minh đang dùng giấy phép khai thác đá đolomit làm “lá bùa” để khai thác quặng tan và cao lanh mà không báo cáo chính quyền các cấp.
Câu hỏi đặt ra là liệu Công ty Tân Ngọc Minh có “lợi dụng” giấy phép khai thác đá đolomit để ồ ạt khai thác, vận chuyển, tiêu thụ tài nguyên khoáng sản khác là quặng tan, cao lanh và chính quyền địa phương, cơ quan chức năng chưa vào cuộc kiểm tra, làm rõ để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời nhằm tránh thất thoát tài nguyên quốc gia, thất thoát ngân sách?
Lý giải về việc này, ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tân Sơn khẳng định Công ty Tân Ngọc Minh được phép khai thác đá đolomit và tan trắng làm vật liệu xây dựng thông thường.
Tuy nhiên, trái ngược với lời của ông Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường, giấy phép của tỉnh Phú Thọ cấp cho Công ty Tân Ngọc Minh được khai thác khoáng sản đá đolomit làm vật liệu xây dựng thông thường chứ hoàn toàn không được phép khai thác quặng tan và cao lanh. Như vậy, việc Công ty Tân Ngọc Minh khai thác đolomit, xen lẫn khai thác quặng tan và cao lanh là trái với giấy phép, cần được các cơ quan điều tra làm rõ.
Việc Công ty Tân Ngọc Minh được cấp phép khai thác đá đolomit nhưng thực tế khai thác khoáng sản (tan, cao lanh) chúng tôi chưa thể khẳng định được, vì cần có giám định của cơ quan chức năng, căn cứ trên giấy phép của tỉnh, huyện thực hiện công tác quản lý chấp hành các quy định về hoạt động khai thác, ông Nguyễn Thành Trung nói.
Theo báo cáo của Tân Ngọc Minh thì Công ty này thực hiện đúng quy định việc khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản; bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đảm bảo an toàn kỹ thuật, an toàn công trình... Tuy nhiên, tại khai trường mỏ khai thác đá đolomit cho thấy, cả một quả đồi đã và đang bị đào bới nham nhở, tạo thành vũng trũng sâu hoắm lên tới hàng chục mét. Nguy hiểm hơn, vị trí khai thác này lại sát tuyến đường huyết mạch của người dân gò Đầm mà không có bất kỳ một biển báo, chỉ dẫn hay hàng lang bảo vệ nào, khiến người dân lo lắng.
Vị trí khai thác này cũng nằm sát mép trường mầm non của khu 2, đặt ra mối lo ngại về đảm bảo an toàn cho hoạt động của nhà trường khi năm học mới bắt đầu.Trao đổi với phóng viên, ông Trung cho biết, trước khi Công ty Tân Ngọc Minh đi vào khai thác, huyện đã có kế hoạch phối hợp với Công ty di chuyển điểm trường mầm non này đến nơi học mới bắt đầu từ khóa học 2018-2019.
Các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ cần vào cuộc, tăng cường quản lý, thanh kiểm tra việc khai thác đá đolomit sau cấp phép đối với Công ty Tân Ngọc Minh. Nếu phát hiện sai phạm, cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm, tránh trường hợp “cấp phép một đằng, khai thác một nẻo,” làm thất thoát tài nguyên quốc gia, ảnh hưởng xấu đến dư luận./.