Phú Yên: Nhiều bất cập hậu dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1

Hiện, chưa đầy một nửa số hộ dân đến ở khu định cư sau giải tỏa; nhiều nhà dân khác bị ảnh hưởng lún nứt, thấp hơn mặt đường cũng vẫn chưa được đền bù thỏa đáng.
Một căn nhà của người dân thấp hơn 3m so với mặt Quốc lộ 1A. (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)

Trong quá trình thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên có 4.622 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 901 hộ phải di dời đến 16 khu tái định cư tập trung.


Một nửa các hộ dân chưa vào khu tái định cư

Mặc dù Quốc lộ 1 được thông xe từ tháng 10/2015, các khu tái định cư cũng đã hoàn thành 98,7% khối lượng, nhưng đến nay mới chỉ có 423 hộ dân đến ở.

Để phục vụ Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, riêng huyện Tuy An đã xây dựng 8 khu tái định cư cho gần 690 hộ dân.

Theo quan sát của phóng viên, hầu hết hạ tầng các khu tái định cư mặc dù chưa hoàn tất 100% nhưng khá khang trang, đến thời điểm này rất ít người dân đến xây dựng nhà mới.

Tết Nguyên đán Bính Thân sắp đến, song không khí ở hầu hết các khu tái định cư vẫn tẻ nhạt, ít bóng người ra vào.

Theo thiết kế, khu tái định cư thôn Phong Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An bố trí chỗ ở cho ít nhất 50 hộ, được xây dựng khá hoàn thiện với hệ thống điện chiếu sáng, đường giao thông, nhà văn hóa, nhưng đến nay mới chỉ có 4 trong tổng số 11 hộ có nhà bị giải tỏa hoàn toàn đến xây dựng nhà mới. Còn lại những hộ có nhà bị giải tỏa một phần chưa chịu đến ở.

Chị Nguyễn Thị Út, đang xây nhà ở khu tái định cư này cho biết: “Tôi được Nhà nước đền bù, hỗ trợ 140 triệu đồng, đến đây xây nhà từ tháng 6/2015 hết khoảng 500 triệu đồng. Các hộ khác chưa đến xây nhà là do họ còn ở tạm tại phần nhà còn lại sau khi giải tỏa hoặc ở nhờ nhà anh em, dòng họ.”

Trong khi đó, khu tái định cư thôn Phú Điềm, xã An Hòa, huyện Tuy An, cũng chỉ có 4 hộ dân đến xây nhà mới. Phần diện tích đất còn lại, người dân trồng cỏ nuôi bò, còn nhà văn hóa dùng làm sân phơi lúa.

Gia đình chị Nguyễn Thị Loan về ở tại khu tái định cư này từ năm 2014, than phiền: “Có điện thắp sáng, nhưng đến nay nước sinh hoạt vẫn chưa có. Hàng ngày tôi phải đi hơn 300 mét lấy nước về sử dụng từ cánh đồng làm rau sạch; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến nay cũng chưa được cấp.”

Theo chị Loan, những hộ khác chưa muốn về khu tái định cư mới phần lớn là do không có nước sinh hoạt.

Cần sớm khắc phục những vướng mắc

Theo Sở Giao thông Vận tải Phú Yên, đến nay đơn vị bảo hiểm đã chi trả tiền bồi thường dự án Mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1 cho 675 hộ dân có nhà bị ảnh hưởng với tổng số tiền hơn 3,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, trong quá trình thi công đã phát sinh thêm hàng trăm đơn của người dân liên quan đến nhà bị nứt nhưng chưa được thẩm định, chi trả tiền bồi thường.

“Nhà tôi bị nứt vách nhiều, phải tự bỏ tiền sửa lại để ở, chứ chưa được hỗ trợ. Nhiều nhà ở khu vực này cũng bị tương tự,” bà Trương Thị Nhị, ở thôn Phú Thạnh, xã An Chấn, huyện Tuy An, than phiền.

Còn theo chị Bùi Thị Kim Anh ở thôn Phong Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An, do xe lu lèn quá mạnh nên nhiều nhà ở khu vực này bị nứt. Người dân đã làm đơn gửi lên Ủy ban Nhân dân huyện nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.

Tương tự, nhà ông Huỳnh Sơn ở thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, cũng bị nứt phần dưới đà ngang tầng 1. Ông Sơn, nói: “Tôi xây lại nhà trong lúc đơn vị thi công đổ đất lu lèn làm nứt tường, đến nay chưa thấy cơ quan nào đến kiểm tra, thẩm định mức độ ảnh hưởng.”

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phú Yên cho biết: “Trong phương án giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư chỉ tính đến cọc mốc để thực hiện dự án, chứ chưa tính đến phạm vi bên ngoài với khoản kinh phí phát sinh khoảng 5 tỷ đồng, vượt quá phần bảo hiểm dân sự ảnh hưởng đến người thứ ba (ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng).

Vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, xin sử dụng nguồn kinh phí còn thừa của giải phóng mặt bằng tiếp tục hỗ trợ nhà nứt để đảm bảo an dân.”

Bên cạnh đó, tại một số khu vực có nền đường đất đắp cao nhưng không được gia cố mái taluy, gây sạt lở đất đá bồi lấp nhà và đất sản xuất của người dân.

Trong quá trình thi công, nhiều đoạn đường không bố trí rãnh thoát nước dọc để gom nước như hiện trạng ban đầu, nên khi có mưa lớn làm nước chảy vào những nhà thấp hơn mặt đường từ 1-3 mét.

Ông Nguyễn Thành Trí cho biết thêm, sau khi Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 hoàn thành, nhiều nhà dân ở tỉnh Phú Yên nằm sát với lề đường (đường không còn lề). Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp tổ chức rà soát lại để thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về lập lại hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

“Tất cả những vấn đề tồn tại trên Quốc lộ 1, Sở Giao thông Vận tải là cơ quan chuyên môn tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh làm việc với Bộ Giao thông Vận tải để sớm được khắc phục,” ông Trí nói./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục