Phục dựng và bảo tồn các điệu múa cổ độc đáo đất Thăng Long

15 năm qua, Hội nghệ sỹ múa Hà Nội đã dày công sưu tầm, nghiên cứu và phục dựng nhiều điệu múa cổ của các hình thái múa như múa dân gian, múa cung đình, múa tín ngưỡng, múa tôn giáo, múa sinh hoạt.
Phục dựng và bảo tồn các điệu múa cổ độc đáo đất Thăng Long ảnh 1Biểu diễn múa Quy Phượng - một trong những điệu múa cổ của Thăng Long, tại lễ hội Đền Kim Liên. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Trong các lễ hội dân gian của Hà Nội, múa cổ là nghi thức thường thấy, nó mang đầy đủ ý nghĩa lịch sử, thể hiện thế giới quan của con người, đặc biệt là những quan niệm trong đời sống tâm linh.

Trải qua những xoay vần cuộc sống, nhiều điệu múa cổ đang dần mai một. Vì vậy, việc sưu tầm để phục hồi và gìn giữ các điệu múa cổ đang là sự quan tâm hàng đầu của các nhà nghiên cứu văn hóa, những nghệ sỹ múa tâm huyết của Hà Nội.

Đặc sắc các điệu múa cổ Thăng Long

Múa cổ Hà Nội gắn với đời sống tinh thần của người dân, là giá trị văn hóa của đất văn hiến nghìn năm. Khi xem các điệu múa cổ, từ cách biểu hiện, kiểu cách, màu sắc trang phục, đạo cụ, đặc biệt là ngôn ngữ, đều mang cảm giác gần gũi, thân thiện. Ngoài yếu tố phục vụ cho tín ngưỡng, múa cổ còn có tính trình diễn, thẩm mỹ cao.

Lễ hội đền Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng) có điệu múa Đèn, được thể hiện bằng việc tay cầm đèn, xếp hàng đôi, nhịp bước lên xuống uyển chuyển. Các nữ giới tham gia múa đan chéo hàng, lúc nhập một hàng, lúc tách đôi hòa theo tiếng trống bập bùng.

Lễ hội làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì, thờ ông Tổ nghề làm quai thao Vũ Uy có điệu múa "Con đĩ đánh bồng" do các chàng trai ăn vận giả gái múa lúc múa trống, khi múa tay rất phóng khoáng.

Nếu như điệu múa "Cởi vú mo" ở lễ hội làng Đường Yên, huyện Đông Anh, độc nhất vô nhị nhưng rất dung dị, đời thường thì múa "Canh nông" ở hội làng Cư An, huyện Mê Linh, lại phản ánh sinh hoạt của nhà nông ở Thăng Long một cách sinh động.

Ngoài ra, còn các điệu múa Chén ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, múa Chèo Tầu ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, múa chèo Cạn ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, múa Giảo Long ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, múa Ải Lao ở Phù Đổng, huyện Gia Lâm…

Phó giáo sư-tiến sỹ Đỗ Thị Hảo, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội chia sẻ: “Thử tưởng tượng, nếu như trong lễ hội truyền thống vắng bóng những lời ca điệu múa thì con người sẽ rơi vào trạng thái lặng lẽ, tẻ nhạt và nhàm chán bởi những nghi thức cứng nhắc, khô khốc như thế nào. Các lời ca điệu múa nhắc nhở chúng ta về truyền thống hào hùng của cha ông, tạo những ký ức đẹp về hội làng, ghi dấu ấn trong tâm trí mỗi người từ tấm bé đến suốt cuộc đời.”

Nghệ sỹ nhân dân Ứng Duy Thịnh khẳng định: “Các điệu múa cổ mang ý nghĩa giáo dục con người vươn tới cái đẹp, cái thiện. Việc bảo tồn và phát huy múa cổ Hà Nội không chỉ là nhằm bảo tồn nghệ thuật múa dân gian, mà còn có ý nghĩa tích cực đối với con người trong đời sống đương đại."

Phục dựng và giữ gìn

Các điệu múa cổ gắn với đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, vì vậy sự phát triển bền vững hay dần mai một đều phụ thuộc vào cộng đồng. Trong khi đó, những nghệ sỹ múa trong cộng đồng dân cư ngày càng cao tuổi, những năm qua, nhiều bậc cao niên tâm huyết với những điệu múa cổ đã qua đời. Do đó, để bảo tồn các điệu múa cổ Thăng Long, 15 năm qua, Hội nghệ sỹ múa Hà Nội đã dày công sưu tầm, nghiên cứu và phục dựng.

Trong quá trình sưu tầm, Hội đã tiến hành các đợt khảo sát và sau mỗi đợt đều đưa các điệu múa cổ về biểu diễn tại khu vực Quảng trường tượng đài Lý Thái Tổ.

Cũng từ đó đến nay, Hội nghệ sỹ múa Hà Nội đã cùng với các địa phương phục dựng được nhiều điệu múa cổ của các hình thái múa như múa dân gian, múa cung đình, múa tín ngưỡng, múa tôn giáo, múa sinh hoạt…

Các điệu múa này thể hiện các nội dung khác nhau, với các hình thức biểu hiện phong phú mang đậm dấu ấn đất Kinh kỳ. Có thể kể đến các điệu múa như Múa Cờ, Chạy đàn, Lục cúng, Hoa đăng, Sênh tiền, Trống bồng, múa Quạt, múa Chén…

Nghệ sỹ ưu tú Hoàng Hà, người có đóng góp trong sưu tầm, phục dựng các điệu múa cổ, cho rằng: “Ngoài tính chất nghi lễ thờ cúng thần, Phật và các đấng nhân thần có công với dân với nước, múa cổ còn kết tụ mối giao lưu tình cảm con người trong tình làng nghĩa xóm, trong lao động, trong đấu tranh sinh tồn, hòa hợp với thiên nhiên; trong đó các đường nét múa giàu chất biểu cảm, khơi dậy tình yêu quê hương, giáo dục tính nhân văn cho con người.”

Ngoài việc phục dựng, tổ chức các kỳ liên hoan múa cổ, Hội Nghệ sỹ múa Hà Nội còn hoàn thiện bộ đĩa ghi hình lại các điệu múa cổ truyền và chuẩn bị xuất bản cuốn sách Nghệ thuật múa cổ Thăng Long-Hà Nội với khoảng 50 điệu múa./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục