Quan chức LHQ đề xuất giải pháp thúc đẩy kinh tế phi phát thải

Theo Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, Việt Nam có thể chứng tỏ mình là một điểm đến đầu tư hấp dẫn bằng cách thúc đẩy tăng trưởng xanh và bao trùm.
Quan chức LHQ đề xuất giải pháp thúc đẩy kinh tế phi phát thải ảnh 1Bà Kanni Wignaraja. (Nguồn: TTXVN)

Bà Kanni Wignaraja, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhấn mạnh Việt Nam cần phát triển một nền tài chính nội địa đủ mạnh để đảm bảo nguồn cung vốn cho quá trình phi phát thải nền kinh tế vốn vẫn phụ thuộc vào dầu mỏ.

Trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 27-31/7, bà Wignaraja cho rằng Việt Nam có thể tận dụng trái phiếu xanh làm đòn bẩy cho năng lượng tái tạo phát triển.

Khía cạnh tài chính là một trong nhóm những vấn đề được Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề cập đến khi đề xuất các giải pháp nhằm giúp Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi năng lượng.

Chuyến thăm Việt Nam của bà Kanni Wignaraja nhằm tiếp nối kết quả cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner tại New York vào tháng 5/2021, trong đó hai nhà lãnh đạo đã trao đổi những ưu tiên của UNDP nhằm hỗ trợ Việt Nam phục hồi sau đại dịch và tiếp cận vốn cho chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng bền vững.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) cuối năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Hiện Việt Nam nằm trong số hơn 70 quốc gia trên thế giới gia nhập cam kết này. Mục tiêu trên đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thay thế.

[Nỗ lực thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26]

Theo bà Wignaraja, vấn đề thứ hai Việt Nam cần quan tâm là tăng cường khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực này, bởi nguồn vốn đầu tư sẽ không tìm đến, trừ khi Việt Nam xây dựng được những quy định pháp lý đủ mạnh, minh bạch và hấp dẫn để quản lý ngành năng lượng nước nhà.

Thứ ba, bà Wignaraja gợi ý Việt Nam xem xét mô hình ngân hàng năng lượng quốc gia, vốn đã được thử nghiệm tại một số nước.

Bằng cách thành lập một ngân hàng theo mô hình trên, Việt Nam sẽ có nguồn tài trợ vốn ngay trong nước hoặc đó cũng là cách để đảm bảo các ngân hàng thương mại có thể yên tâm cấp vốn cho các dự án năng lượng. Ngân hàng năng lượng cũng có thể mua cổ phần tại các dự án năng lượng dài hạn, đồng thời cung cấp không gian và cách thức an toàn để đầu tư vào những dự án này.

Cuối cùng, bà đề xuất cần có sự tham gia của người dân vào quá trình này.

Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNDP kỳ vọng Việt Nam có thể cho thế giới thấy mình đang theo đuổi một con đường phát triển mới. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, Việt Nam có thể chứng tỏ mình là một điểm đến đầu tư hấp dẫn bằng cách thúc đẩy tăng trưởng xanh và bao trùm.

Theo bà Wignaraja, để phục hồi kinh tế sau đại dịch thành công theo hướng xanh và bao trùm, Việt Nam cần tập trung vào an ninh năng lượng và đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng cho tất cả mọi người.

Bà Wignaraja đồng thời kêu gọi Việt Nam xây dựng một hệ thống bảo trợ xã hội bền vững và thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao khả năng phục hồi và chống chọi với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Bà nói: “Chúng ta không nên đợi đến khi có khủng hoảng mới nghĩ cách làm thế nào để bảo vệ những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chúng ta cần có một hệ thống hỗ trợ hiệu quả nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương ngay từ đầu.”

Bà cũng lưu ý công nghệ không chỉ tạo thêm việc làm mới mà còn cho phép các dịch vụ công, dịch vụ khu vực tư nhân vận hành hiệu quả hơn, cũng như nâng cao sự minh bạch và có trách nhiệm của hệ thống quản lý nhà nước.

Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao sự thay đổi của Việt Nam sau khi chính thức gia nhập Liên hợp quốc 45 năm trước. Bà cho rằng sự thay đổi này thật “đáng kinh ngạc.” Từ một quốc gia vừa thoát khỏi chiến tranh và phụ thuộc vào viện trợ quốc tế, Việt Nam hiện giờ đang đóng vai trò là “một trung tâm quyền lực ổn định và an toàn."

Đánh giá Việt Nam đang là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, bà nói: “Không chỉ châu Á-Thái Bình Dương sẽ cần Việt Nam, tôi nghĩ thế giới cũng sẽ cần phụ thuộc nhiều hơn vào Việt Nam.”

Nhớ lại khoảng thời gian 20 năm trước từng sinh sống và làm việc tại Việt Nam, bà chia sẻ: “Trở lại đây một lần nữa, tôi tin rằng Việt Nam sẽ mang lại lợi ích cho thế giới và đất nước này sẽ cho thế giới thấy cách của riêng mình để đảm bảo sự tiến bộ không chỉ cho một vài, mà là tất cả mọi người”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.