Quan hệ đối tác chiến lược Đức-Việt bước sang giai đoạn mới

Hai cuộc Hội thảo về thúc đẩy hợp tác kinh tế Đức-Việt, tổ chức ngày 22/6, tại Berlin đã góp phần đưa mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam và Đức đi vào chiều sâu thiết thực hơn.
Quan hệ đối tác chiến lược Đức-Việt bước sang giai đoạn mới ảnh 1Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: TTXVN)

Quan hệ Đối tác chiến lược Đức-Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, đó là nhận định của ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao sau khi dự hai cuộc Hội thảo về thúc đẩy hợp tác kinh tế Đức-Việt Nam ngày 22/6, tại Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Đức, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh hiện kim ngạch thương mại giữa Đức và Việt Nam đạt khoảng 9 tỷ USD và Đức là nhà đầu tư lớn thứ ba trong Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam, với khoảng 1,5 tỷ USD, mức thấp so với tiềm năng hai nước.

Theo ông, các đại biểu tham dự hội thảo thấy rõ những tiềm năng hợp tác song phương, trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành một trong những điểm sáng phát triển kinh tế khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mới, từ nước có mức thu nhập thấp, sang mức trung bình và Việt Nam đã tham gia vào mạng lưới hội nhập quốc tế, đặc biệt là kinh tế quốc tế, với hàng lọat Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã hoặc chuẩn bị được ký kết, mở ra nhiều cơ hội không những về thị trường, thu hút khoa học công nghệ, đầu tư…

Ông cho rằng, việc có hàng trăm doanh nghiệp Đức và Việt Nam tới dự hội thảo đã cho thấy các doanh nghiệp đang rất quan tâm tới thị trường Việt Nam.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng cho biết, tại hai hội thảo, các đại biểu đã trao đổi các lĩnh vực có thể tăng cường hợp tác về đầu tư, thương mại, khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo… giúp mở ra triển vọng hợp tác về chiều sâu giữa hai bên.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng đã ghi nhận nhiều đề xuất, khuyến nghị để có thể nghiên cứu thực hiện trong thời gian tới, trong đó có nâng cao vai trò Ban Công tác kinh tế thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Đức - đầu mối thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp Đức với doanh nghiệp Việt Nam; nâng cao vai trò cộng đồng doanh nghiệp người Việt tại Đức, đóng vai trò cầu nối nhằm quảng bá, khuyến khích các doanh nghiệp Đức tới Việt Nam.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đánh giá cao ý tưởng tổ chức hai cuộc hội thảo rất có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam vừa tiến hành thành công Đại hội Đảng toàn quốc, và Chính phủ mới đang triển khai mạnh mẽ đường lối Đại hội XII về tiếp tục công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công cuộc hội nhập quốc tế nhằm đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Sau khi Hội thảo thứ nhất bàn về tiềm năng, cơ hội, triển vọng và những biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam-Đức, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức tiếp tục tổ chức Hội thảo thứ hai với chủ đề “Triển vọng to lớn của quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam-Đức và vai trò của các doanh nghiệp của người Việt Nam tại Đức,” thu hút khoảng 150 doanh nghiệp tham dự.

Tại hội thảo, các ý kiến phát biểu, phân tích của các Thứ trưởng Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao Việt Nam, của Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, tiến sỹ Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Việt Nam và ông Phạm Ngọc Kỳ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức đã cho thấy, cộng đồng doanh nhân Việt Nam tại Đức có thể làm cầu nối hiệu quả cho quan hệ Việt Nam-Đức nói chung và quan hệ kinh tế hai nước nói riêng.

Cụ thể, các doanh nghiệp người Việt tại Đức có thể đầu tư trực tiếp về Việt Nam, tham gia kinh doanh, môi giới, hỗ trợ các công ty Đức đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, liên doanh với các công ty Đức đầu tư vào Việt Nam, tư vấn pháp lý…

Hội thảo cũng đã dành nhiều thời gian để các doanh nghiệp người Việt tại Đức nêu lên các tâm tư, nguyện vọng và đề xuất đối với các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng và vai trò cầu nối của cộng đồng người Việt tại Đức.

Phát biểu kết thúc các Hội thảo, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Đức sẽ nghiên cứu kỹ và phân loại các ý kiến đề xuất, những vướng mắc cần tháo gỡ và sẽ tìm cách hỗ trợ các doanh nghiệp trong khả năng cho phép.

Đại sứ quán cũng sẽ tổng hợp kết quả hội thảo, báo cáo Thủ tướng chính phủ để chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có các biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế hai nước cũng như hỗ trợ các doanh nhân người Việt trong việc đóng vai trò cầu nối quan hệ hai bên.

Hai cuộc hội thảo quy mô lớn được Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đứng ra tổ chức liên tục trong ngày 22/6 đã nhận được sự ủng hộ và tham dự nhiệt tình của Chính phủ và giới doanh nghiệp hai nước, mở ra những hy vọng mới cho sự hợp tác cùng có lợi giữa các bên, góp phần đưa mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức đi vào chiều sâu thiết thực hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.