Việt Nam-Đức chia sẻ kỹ năng thẩm vấn và tranh tụng án hình sự

Ngày 9/6, tại Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp cùng Quỹ hợp tác quốc tế Đức về pháp luật (IRZ) tổ chức hội thảo "Kỹ năng thẩm vấn và tranh tụng của luật sư trong các vụ án hình sự."
Việt Nam-Đức chia sẻ kỹ năng thẩm vấn và tranh tụng án hình sự ảnh 1Luật sư Otmar Kury, chủ tịch Đoàn Luật sư Hanseatic Hamburg Đức phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngày 9/6, tại Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp cùng Quỹ hợp tác quốc tế Đức về pháp luật (IRZ) tổ chức hội thảo "Kỹ năng thẩm vấn và tranh tụng của luật sư trong các vụ án hình sự."

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Đối thoại Nhà nước pháp quyền giai đoạn 2015-2018 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Cộng hòa Liên bang Đức.

Đến trao đổi kinh nghiệm cùng các luật sư Việt Nam có luật sư Otmar Kury, Chủ tịch Đoàn luật sư Hanseatic tại Hamburg, một chuyên gia trong lĩnh vực hình sự của Cộng hòa Liên bang Đức. 

Hội thảo là cơ hội để luật sư Việt Nam và Đức cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tham gia các vụ án hình sự, tìm hiểu và học hỏi kỹ năng hành nghề của luật sư Cộng hòa Liên bang Đức.

Tiến sỹ-luật sư Phan Trung Hoài, phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, thông qua việc trao đổi kỹ năng tham gia trong các giai đoạn tố tụng hình sự từ luật sư Cộng hòa Liên bang Đức giúp cho các luật sư Việt Nam học tập kinh nghiệm trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể, đặc biệt những người trong vòng buộc tội. 

Đánh giá Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã có những quy định tạo ra sự bình đẳng hơn trong việc thực hiện quyền thu thập chứng cứ giữa bên buộc tội và bên gỡ tội, luật sư Nguyễn Văn Chiến, phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nêu một thực tế khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của luật sư tham gia trong tố tụng hình sự, luật sư vẫn bị hạn chế về vai trò, trách nhiệm trong việc thu thập chứng cứ.

Cụ thể, khi tham gia vào việc lấy lời khai của người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, luật sư chỉ được hỏi người bị tạm giữ, bị can nếu được điều tra viên đồng ý.

Nhiều hoạt động điều tra khác như đối chất, nhận dạng, khám xét, thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng vật chứng... không có sự hiện diện của luật sư.

Nhiều trường hợp chứng cứ mới, có giá trị chứng minh sự vôi tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự do luật sư xuất trình lại không được Hội đồng xét xử chấp nhận, dẫn đến phán quyết của Tòa án không xuất phát từ kết quả tranh tụng tại phiên tòa...

Lấy dẫn chứng từ vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Luật sư Chiến đánh giá hoạt động thu thập và đánh giá chứng cứ của luật sư trong các giai đoạn tố tụng của vụ án này chưa được chú trọng, vì thế hiệu quả minh oan cho ông Chấn không đạt được tại thời điểm đó.

Xuất phát từ thực tế, nhiều ý kiến của luật sư Việt Nam tham gia hội thảo khẳng định chỉ có thể bằng những chứng cứ mới có thể thuyết phục Hội đồng xét xử.

Để có được chứng cứ do luật sư thu thập và sử dụng có hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng cần phải bình đẳng hơn nữa trong việc thu thập, cung cấp và sử dụng chứng cứ của luật sư, đồng thời phải có cơ chế bảo đảm trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận và xem xét đánh giá chứng cứ của luật sư cung cấp. 

Chuyên gia trong lĩnh vực hình sự của Cộng hòa Liên bang Đức, ​luật sư Otmar Kury​, chủ tịch đoàn luật sư Hanseatic tại Hamburg đã cung cấp những thông tin bổ ích liên quan tới những kỹ năng của luật sư khi thu thập, kiểm tra, sử dụng và đánh giá chứng cứ của Đức.

Các kinh nghiệm về kỹ năng tranh tụng của luật sư tại phiên tòa, tham gia tố tụng của luật sư trong giai đoạn điều tra, những ứng xử tại phiên tòa của luật sư cũng như những tình huống thực tiễn đã được các luật sư trao đổi, qua đó góp phần trang bị thêm những kiến thức giúp luật sư Việt Nam nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, bảo vệ tốt nhất quyền lợi ích hợp pháp cho khách hàng./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục