Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Italy: Chú trọng hợp tác kinh tế

Việt Nam và Italy nhất trí đưa quan hệ hợp tác kinh tế thành một trụ cột chính trong quan hệ Đối tác chiến lược, trao đổi và thống nhất tạo điều kiện kết nối doanh nghiệp 2 nước.
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Italy: Chú trọng hợp tác kinh tế ảnh 1Quang cảnh buổi đối thoại chiến lược Việt Nam-Italy tại Rome ngày 11/9. (Ảnh: Anh Ngọc/Vietnam+)

Nhận lời mời của Thứ trưởng Ngoại giao Italy Benedetto Della Vedova, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã thăm làm việc và đồng chủ trì Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Italy lần thứ hai từ ngày 10-12/9.

Tại Đối thoại chiến lược, hai bên đã thông báo cho nhau tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đường lối đối ngoại của mỗi nước trong thời gian gần đây.

Phía Italy đánh giá cao những thành tựu quan trọng mà Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, vị thế của Việt Nam tại khu vực và quốc tế không ngừng được nâng cao.

Trao đổi về quan hệ song phương, hai bên khẳng định coi trọng và bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực trong một năm qua, nổi bật là chuyến thăm chính thức Italy của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (3/2014) và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Italy (6/2014).

Hai bên đánh giá cao các cơ chế trao đổi và việc triển khai các chương trình hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư, văn hóa, giáo dục-đào tạo, quốc phòng-an ninh.

Hai bên nhất trí cùng nhau cố gắng để đưa quan hệ hợp tác kinh tế thành một trụ cột chính trong quan hệ Đối tác chiến lược, trao đổi và thống nhất các biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm và kết nối đối tác, tập trung cho các lĩnh vực mà Italy có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như cơ khí chế tạo, cơ sở hạ tầng, năng lượng, dệt may, da giày, chế biến gỗ, công nghiệp phụ trợ.

Hai bên cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại hai nước nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2013 và nhất trí tiếp tục tăng cường giao lưu, hợp tác quảng bá văn hóa, du lịch giữa hai nước.

Hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực. Italy ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), nhất là trong bối cảnh Italy đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên EU sáu tháng cuối năm 2014.

Phía Italy nhắc lại lời mời của Thủ tướng Italy Matteo Renzi mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Cấp cao ASEM 10 tổ chức tại Milan, Italy, vào tháng 10 tới và coi việc Thủ tướng Việt Nam tham dự là một đóng góp quan trọng cho thành công của hội nghị.

Hai bên đã trao đổi về nhiều vấn đề quốc tề và khu vực cùng quan tâm.

Trong chuyến thăm, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đã có các cuộc gặp và trao đổi với Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Italy Pier Ferdinando Casini, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Domenico Rossi và Giáo sư Romeno Prod, nguyên Thủ tướng Italy, nguyên Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC).

Nhân dịp này, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đã tham dự Hội thảo bàn tròn về châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm nghiên cứu cao cấp về quốc phòng của Italy và dự một số hoạt động trong khuôn khổ “Tuần Văn hóa Việt Nam” tại Rome./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.