Trang mạng newsweek.com đưa tin một nhà ngoại giao cấp cao của Nga đã đưa ra lời cảnh báo phủ đầu cho các nhà lập pháp Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, ám chỉ rằng các cáo buộc liên tiếp về sự can thiệp của Điện Kremlin có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ hai nước.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Serge Ryabkov cho rằng các cáo buộc về việc Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử trước đây của Mỹ là vô căn cứ, mặc dù có nhiều bằng chứng của các nhà điều tra tiết lộ điều ngược lại.
Hãng thông tấn quốc gia Nga Tass cho biết ông Ryabkov đã đưa ra những bình luận trên trong khi phát biểu tại Câu lạc bộ quốc tế Valdai - tổ chức được thành lập để "thúc đẩy đối thoại giữa giới tinh hoa trí thức của Nga và quốc tế."
Ryabkov tuyên bố rằng "toàn cảnh tình hình xung quanh Nga - mối quan hệ Nga-Mỹ - không được cải thiện."
Nga là một vấn đề lớn đối với các chính trị gia và các cử tri đang hướng về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
[Tổng thống Nga: Mỹ bắt đầu muốn khôi phục đối thoại chiến lược]
Dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, việc nước Nga hồi sinh đặt ra mối nguy cơ lớn đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Theo xu hướng truyền thống, Nga đã hành động mạnh mẽ chống lại các nước láng giềng và các đồng minh của Mỹ trong khi mở rộng lực lượng vũ trang của mình, bất chấp các hiệp ước về hạn chế vũ khí.
Nga cũng đã tham gia các vụ tấn công mạng quan trọng và chiến dịch đưa tin giả, tìm cách phá vỡ các tiến trình dân chủ ở các quốc gia phương Tây và trên thế giới. Điều này đặc biệt gây lo ngại, căn cứ vào sự mâu thuẫn quan điểm có thể thấy rõ của đảng Cộng hòa và Tổng thống Donald Trump đối với hành vi như vậy.
"Hiện nay Mỹ đã bước vào giai đoạn chiến dịch bầu cử, đã sẵn sàng và đang hoạt động", Thứ trưởng Ngoại giao Nga lưu ý.
"Xem xét tình cảm chống Nga thống trị trong giới tinh hoa, và đặc biệt là ở Đồi Capitol (Quốc hội Mỹ), chúng ta không thể hy vọng rằng một nền tảng thuận lợi hơn có thể được hình thành để thực hiện các nhiệm vụ do các tổng thống đề ra," ông nói.
Điện Kremlin đã bác bỏ các cáo buộc về việc họ đã đứng đằng sau các chiến dịch đưa tin giả và tấn công mạng để phá hoại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và đã cố gắng làm điều tương tự trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2018.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã dẫn đầu một cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp bầu cử, và kết luận rằng Điện Kremlin đã chỉ đạo các nỗ lực "chung và có hệ thống" để tác động đến kết quả của cuộc bầu cử năm 2016.
Mueller và nhóm của ông cuối cùng đã chính thức buộc tội 34 người, trong đó có các cựu nhân viên cấp cao trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, và 3 doanh nghiệp Nga vì các tội danh từ tấn công mạng, đến âm mưu và hành vi gian lận tài chính.
Bất chấp cả núi bằng chứng, ông Ryabkov vẫn kiên quyết tiếp tục bảo vệ Điện Kremlin - và cả Nhà Trắng - mặc dù khó khăn.
Ông cho biết ông hy vọng mối quan hệ giữa hai quốc gia cuối cùng sẽ không bị ảnh hưởng bởi "những bằng chứng được nhào nặn và hoàn toàn bịa đặt."
Quan hệ giữa Trump và Putin dường như có tiến triển tốt tại Hội nghị thượng đỉnh G20 mới đây ở Osaka, Nhật Bản.
Trong một cuộc họp báo, khi một phóng viên hỏi ông Trump rằng liệu ông có yêu cầu người đồng cấp Nga không can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020 hay không, Tổng thống Mỹ đã trả lời: "Tất nhiên tôi sẽ làm điều đó."
Sau đó, ông quay sang Putin và nói: "Ngài làm ơn đừng can thiệp vào cuộc bầu cử. Đừng can thiệp vào cuộc bầu cử," trong khi Tổng thống Nga cười lớn.
Hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ cũng có điểm tương đồng khi họ cùng không thích báo chí tự do. Khi thảo luận về truyền thông, ông Trump tuyên bố: "Hãy loại bỏ chúng... Tin giả là một thuật ngữ tuyệt vời phải không? Bạn không gặp vấn đề này ở Nga, nhưng chúng ta thì có." Người đồng cấp Nga của ông Trump nhếch mép và trả lời bằng tiếng Anh, "Chúng tôi cũng có... Giống nhau cả thôi"./.