Quản lý di sản: Vẫn kiểu "có nhà nhưng không thể tự quyết"!

Việc quản lý và phát huy giá trị của các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới ở Việt Nam hiện nay bộc lộ nhiều bất cập.
Quản lý di sản: Vẫn kiểu "có nhà nhưng không thể tự quyết"! ảnh 1Bắc Môn-một trong những cổng thành còn lại của Hoàng thành Thăng Long (Ảnh: TXVN)

Bộ máy quản lý các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới ở Việt Nam chưa thống nhất; các quy định, quy chế quản lý chưa hoàn thiện, thiếu sự điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn phát sinh…

Đó là những bất cập trong việc quản lý và phát huy giá trị các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới tại Việt Nam đã được các nhà quản lý, chuyên gia chỉ ra tại Hội nghị “Quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.” Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội vào sáng 23/5.

Thiếu kế hoạch quản lý

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cơ chế chính sách quản lý, khai thác di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở nước ta hiện vẫn chưa hoàn thiện.

Một số di sản văn hóa thế giới như Quần thể di tích cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Khu di tích Chăm Mỹ Sơn chưa xây dựng được kế hoạch quản lý tổng hợp theo quy định tại “Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới năm 1972.”

Bên cạnh đó, một số di sản văn thế giới khác (di tích Thành nhà Hồ, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội) và di sản thiên nhiên vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng chưa có quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di sản theo quy định tại Nghị định số 70/2012/NĐ-CP (ngày 18/9/2012) của Thủ tướng Chính phủ.

Không chỉ có vậy, theo đại diện Cục Di sản Văn hóa, bộ máy quản lý các di sản văn hóa thế giới và di sản thiên nhiên thế giới ở Việt Nam hiện nay thiếu đồng bộ; việc phân công, phân cấp, giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị quản lý ở địa phương còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tầm vóc quản lý di sản thế giới.

Cụ thể, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế là đơn vị cấp sở, trực thuộc sự quản lý của ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong khi đó, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ lại là một đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa; Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An và Ban quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn lại là các cơ quan chức năng trực thuộc huyện/thành phố của tỉnh…

Quản lý di sản: Vẫn kiểu "có nhà nhưng không thể tự quyết"! ảnh 2Vịnh Hạ Long (Ảnh: TTXVN)

“Nhà mình nhưng không thể tự xử lý”

Theo các nhà quản lý, điều này đã dẫn tới nhiều trở ngại trong quá trình vận hành công việc; sự phối hợp giữa các ban (trung tâm) quản lý di sản thế giới với các ngành hữu quan khác trong quá trình xử lý những vấn đề nảy sinh từ hoạt động thực tiễn còn thiếu chặt chẽ.

Bà Phạm Thùy Dương, Trưởng ban quản lý di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long bày tỏ: “Điều này giống như việc, chủ nhà lại không có cơ chế, chức năng xử lý những vi phạm xảy ra trong chính ngôi nhà của mình.”

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, bà Dương cho hay, trong trường hợp xảy ra các vi phạm về giao thông hay an ninh trật tự thì ban quản lý lại phải chờ phía cơ quan chức năng ngành giao thông, lực lượng công an giải quyết.

“Nếu đó là các vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, du lịch thì thanh tra ngành lại là cán bộ thuộc sự quản lý của sở văn hóa. Việc phân quyền quản lý cho ban quản lý khu di sản thiên nhiên rất hạn chế. Việc xử lý các vi phạm xảy ra rất mất thời gian và khó triệt để,” bà Phạm Thùy dương nói.

Xuất phát từ thực tế đó, bà Dương cho rằng, nên có một quy chế riêng (ở góc độ quản lý) đối với ban quản lý các khu di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới ở Việt Nam hiện nay.

“Ở đó, tính đa ngành trong quản lý và phát huy giá trị di sản cần được nhấn mạnh; các cấp độ phân quyền để xử lý công việc và đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp khi có vi phạm xảy ra cần được thể hiện rõ ràng,” Trưởng ban quản lý di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long kiến nghị.

Có cùng quan điểm trên, tiến sỹ Phan Thanh Hải-Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho rằng, ban quản lý các di sản thế giới cần đa năng, hoạt động đa lĩnh vực: vừa nghiên cứu vừa ứng dụng các phương pháp bảo tồn di sản; trực tiếp xây dựng và quảng bá thương hiệu, phát huy giá trị di sản; xử lý những vi phạm, sai sót phát sinh từ thực tế…

Ở một góc độ khác, phó giáo sư-tiến sỹ Đặng Văn Bài (Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia) cho rằng: “Hiệu quả hoạt động thực tiễn của các ban quản lý này mới thực sự là điều quan trọng. Mô hình ban quản lý phải được xây dựng dựa trên điều kiện thực tế của địa phương.”

Theo vị chuyên gia này, mỗi địa phương có những điều kiện cụ thể riêng nên mô hình ban quản lý di sản cũng sẽ có những điểm khác nhau. Ví dụ, Hội An là di sản đô thị sinh thái, cố đô Huế là di sản kiến trúc đô thị. “Bởi vậy, chúng ta không thể cứng nhắc trong việc tìm ra một mô hình ban quản lý chung rồi áp dụng máy móc cho tất cả các địa phương,” ông Bài nhấn mạnh./.

Các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam: Di tích Thành nhà Hồ, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội, Phố cổ Hội An, Di tích Chăm Mỹ Sơn, Quần thể Di tích cố đô Huế.

Các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam: Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục