Kiểm soát và quản lý thuốc lá thế hệ mới thế nào để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với quy phạm pháp luật và cân bằng lợi ích giữa các chủ thể hiện là một vấn đề đang nhận được sự quan tâm của những ngành liên quan và người dân.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng từng thể hiện sự lưu tâm đối với vấn đề này trước tình trạng buôn lậu các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới ngày càng gia tăng, tác động tiêu cực đến xã hội.
Kiểm soát chặt để bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Thuốc lá thế hệ mới là tên gọi chung của các sản phẩm thuốc lá “công nghệ” bằng cách cung cấp nicotin cho người hút thuốc nhưng không diễn ra quá trình đốt cháy như thuốc lá điếu. Một số sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá ngậm snus, thuốc lá làm nóng (thuốc lá nung nóng), thuốc lá điện tử...
Phổ biến tại thị trường chợ đen Việt Nam hiện nay là hai dòng sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng. Do chưa có văn bản hướng dẫn quy định quản lý đối với các sản phẩm này, công tác kiểm soát buôn lậu gặp rất nhiều khó khăn đồng thời gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước cũng như sức khoẻ của người dùng.
Hiện, chính sách quản lý sản phẩm thuốc lá thế hệ mới tại các nước được ban hành dựa trên kết quả của các nghiên cứu, những bằng chứng khoa học cho rằng các sản phẩm này tạo ra hàm lượng các chất gây hại ít hơn so với thuốc lá điếu.
Việc quản lý tại các quốc gia còn dựa trên những hướng dẫn của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hoặc cách phân loại sản phẩm của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO). Theo đó, trong các kỳ họp về Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC), WHO kêu gọi các nước quản lý thuốc lá làm nóng theo luật kiểm soát thuốc lá hiện hành. Đồng thời WHO cũng đã ban hành hướng dẫn văn bản chi tiết để các nước có cơ sở quản lý thuốc lá điện tử.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn hình thức quản lý nào còn được cân nhắc dựa trên cơ sở pháp lý của nước sở tại, nguồn lực và quy trình giám sát vấn đề thương mại sản phẩm. Điều quan trọng nhất là góc độ quản lý cũng phải bao gồm vấn đề ngăn chặn giới trẻ tiếp cận và trở thành người tiêu dùng mới của những sản phẩm thuốc lá mới này.
Song song đó, các nước cũng liên tục cập nhật những sở cứ khoa học liên quan đến các sản phẩm này để đưa ra báo cáo sức khỏe phù hợp với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Cụ thể, sản phẩm phải bao gồm các nội dung cảnh báo như: sản phẩm không hoàn toàn vô hại và có tính gây nghiện, chỉ dành cho người đang hút thuốc lá có nhu cầu chuyển đổi.
Tại Việt Nam, vấn đề xem xét để đưa ra chính sách quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới nhằm ứng phó với tình trạng thuốc lá lậu tấn công vào học đường, cộng đồng cũng đã và đang được đặt ra.
Thống kê sơ bộ cho thấy, hàng năm ngân sách thất thu do buôn lậu những sản phẩm thuốc lá ước tính đến 8.500 tỷ đồng.
Trước vấn nạn buôn lậu, ý kiến từ các bộ ngành liên quan nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc chưa biết phải ứng xử với nhóm sản phẩm này như thế nào vì chưa có văn bản hướng dẫn chính thức. Điều này đã gây khó khăn trong công tác kiểm soát.
[Sự ảnh hưởng của thuốc lá điếu và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới]
Chính phủ cũng đã có công văn yêu cầu các Bộ ban ngành đề xuất chính sách quản lý, nhưng đồng thời cũng phải làm sao giải quyết được những quan ngại mà cơ quan y tế cũng như các chủ thể khác đặt ra.
Trong cuộc họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các bộ ngành liên quan vào cuối tháng 9/2021, Bộ Công Thương đã báo cáo về việc đề xuất thí điểm có thời hạn đối với thuốc lá làm nóng và đang chờ quyết định của Chính phủ.
Quản lý thuốc lá thế hệ mới để bảo vệ mọi chủ thể, trong đó có người hút thuốc
Trong suốt nhiều năm qua, thị trường chợ đen thuốc lá thế hệ mới chưa bao giờ hạ nhiệt. Hệ lụy kéo theo không chỉ là các cơ quan ban ngành liên quan như Bộ Công An, cơ quan Quản lý thị trường phải gia tăng áp lực phòng chống buôn lậu, mà còn ảnh hưởng đến các bộ ngành khác. Như đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng nêu khó khăn khi không có biện pháp chế tài, răn đe đối với sự hiện diện của những sản phẩm bất hợp pháp này trong học đường.
Mặt khác, đã có không ít trường hợp người hút thuốc sử dụng hàng lậu, trôi nổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà chưa có một cơ quan chức năng hay đơn vị nào chịu trách nhiệm. Do đó, trong mỗi cuộc họp, hội thảo liên quan về quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, đại diện các bộ ngành đều nêu lại thực tế bất cập khi chưa có quyết định quản lý đối với sản phẩm này.
Vì vậy, đề xuất thí điểm của Bộ Công Thương, đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận. Các chuyên gia cũng cho rằng, việc thí điểm sẽ giúp hướng tới xây dựng chính sách quản lý các sản phẩm thuốc lá mới này được đầy đủ, toàn diện. Việc triển khai giai đoạn thí điểm trước mắt sẽ giúp đạt mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng, tháo gỡ những khó khăn trong công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá, cũng như trong chiến lược của quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá nói chung.
Thí điểm cũng góp phần có thêm cơ sở thực tiễn để ra quyết định về việc quản lý mọi loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Việc thí điểm sẽ cần được triển khai dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan bộ ngành liên quan để mọi sản phẩm thuốc lá nằm trong tầm kiểm soát, ngăn chặn mọi sự tiếp cận bất hợp pháp đến giới trẻ và những người không hút thuốc.
Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp), trong một cuộc tiếp xúc với báo chí, đã cho rằng: “Chúng ta cần có cơ chế quản lý không chỉ với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, mà sẽ còn là những sản phẩm thuốc lá công nghệ mới trong tương lai gần.
Tôi cho rằng để có khung quản lý toàn diện đầy đủ, thí điểm là giai đoạn cẩn trọng cần thiết. Đây là giai đoạn để kiểm chứng toàn diện những vấn đề quan ngại mà các bộ, ngành đề ra, trong đó nhằm cân bằng giữa nhu cầu quản lý hàng hóa và lợi ích sức khỏe cộng đồng. Hay nói cách khác, thí điểm sẽ giúp cho Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền có đầy đủ thông tin và sở cứ xác đáng để đánh giá tác động kinh tế và xã hội, và kể cả đánh giá mức độ rủi ro của sản phẩm”./.