Quán quân Sao Mai xuất sắc tốt nghiệp cao học với điểm tuyệt đối

Nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên đánh giá cao bài thi tốt nghiệp cao học của quán quân Sao Mai 2011 Lương Nguyệt Anh. Ông cho hay “lâu lắm mới có bài biểu diễn tốt nghiệp cao học hấp dẫn như vậy."
Ca sỹ Lương Nguyệt Anh biểu diễn tại chương trình tốt nghiệp cao học ngày 30/10. (Ảnh: Hòa Nguyễn/Vietnam+)
Ca sỹ Lương Nguyệt Anh biểu diễn tại chương trình tốt nghiệp cao học ngày 30/10. (Ảnh: Hòa Nguyễn/Vietnam+)

Với 14 bài hát đa dạng thể loại, ca sỹ Lương Nguyệt Anh đã gây ngỡ ngàng ở buổi diễn tốt nghiệp cao học. Các nghệ sỹ gạo cội trong hội đồng chấm thi đã đánh giá phần thi của cô hấp dẫn như một chương trình nghệ thuật thực thụ.

Nữ ca sỹ đã vỡ oà cảm xúc khi được hội đồng chấm thi tốt nghiệp cao học chuyên ngành biểu diễn thanh nhạc tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam chấm điểm tuyệt đối và dành rất nhiều lời khen tặng cho phần thi tốt nghiệp.

Lương Nguyệt Anh chia sẻ, cô thực sự tự hào khi nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên nói rằng đã lâu lắm ông mới xem bài biểu diễn thi tốt nghiệp cao học chuyên ngành biểu diễn thanh nhạc hấp dẫn như xem một chương trình nghệ thuật thực thụ. Đây cũng là thành quả của quá trình học tập, rèn luyện những năm của Lương Nguyệt Anh dưới sự hướng dẫn của phó giáo sư, tiến sỹ, nghệ sỹ ưu tú Trần Thị Ngọc Lan.

Lương Nguyệt Anh đã trình diễn 14 bài, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như “Mùa xuân” (F. Schubert), “Bài hát mẹ hát năm xưa” (A. Dvorak) và “Cô gái chăn cừu” (G. Rossini). Ở phần này, Lương Nguyệt Anh đã khoe được giọng opera đầy nội lực, cực kỳ ấn tượng, khác biệt hẳn với một giọng hát ngọt ngào, tha thiết mà mọi người thường thấy ở Quán quân Sao Mai 2011 dòng nhạc dân gian.

[Lương Nguyệt Anh: Giọng hát nặng tình, nặng... nợ với khúc hát về Mẹ]

Đặc biệt, khán giả đã dành những tràng vỗ tay dài khen ngợi phần biểu diễn những ca khúc Việt Nam của Lương Nguyệt Anh. Ba ca khúc với ba dòng nhạc khác nhau: “Chảy đi sông ơi” của nhạc sỹ Phó Đức Phương mang âm hưởng dân gian, “Thương lắm tóc dài ơi” của nhạc sỹ Phú Quang ở thể loại nhạc trữ tình và “Cô Sáu Sơn Trang” là bài chầu văn thuộc thể loại âm nhạc dân gian truyền thống đã đưa người nghe đi qua những cung bậc cảm xúc vô cùng thú vị.

Dù đây là lần đầu tiên Lương Nguyệt Anh trình diễn một bài chầu văn trên sân khấu, cô đã lôi cuốn khán giả không chỉ bằng giọng hát mà còn bằng cách trình diễn duyên dáng của mình. Khán giả đã hòa nhịp bài hát, vỗ tay tưng bừng không giống các chương trình biểu diễn tốt nghiệp thông thường.

Không chỉ nỗ lực trong phần trình diễn, Lương Nguyệt Anh còn cho thấy sự chỉn chu của mình trong chương trình tốt nghiệp khi cô biểu diễn một số ca khúc cùng piano, dàn dây và dàn nhạc dân tộc.

Với Lương Nguyệt Anh, hoàn thành chương trình cao học biểu diễn thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là một nỗ lực lớn của cô trong quá trình phấn đấu, rèn luyện vươn lên trong nghề.

“Hôm nay tôi thực sự cảm thấy mình đã trưởng thành hơn rất nhiều trong nghề nghiệp. Tôi đã lo lắng, mất ngủ còn hơn cả khi thi Sao Mai. Bởi sự đánh giá của Hội đồng chuyên môn trong buổi thi tốt nghiệp cao học là sự đánh giá quan trọng về nghề nghiệp, điều mà bất cứ nghệ sỹ nào cũng cố gắng để được ghi nhận. Tôi tin đây sẽ là một động lực để tôi nỗ lực tiếp tục phấn đấu không ngừng trong nghề nghiệp,” Lương Nguyệt Anh xúc động chia sẻ./.

Lương Nguyệt Anh "lên đồng" trên sân khấu với "Cô Sáu Sơn Trang."
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.