Quảng Nam nghiên cứu công nghệ cao để bảo tồn di tích Chăm

Một giải pháp bảo tồn các di tích Chăm được đề xuất là “cứng hóa” gạch bằng hóa chất đặc biệt, hoặc “tôi cứng” bề mặt gạch để bảo vệ những lớp gạch phía trong khỏi sự tàn phá của thiên nhiên.
Quảng Nam nghiên cứu công nghệ cao để bảo tồn di tích Chăm ảnh 1 Khu di tích Đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Ngày 29/6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học Nga tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ cao trong bảo tồn di tích Chăm” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Các nhà khoa học trong và ngoài nước đã đóng góp nhiều tham luận, đưa ra các nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao trong quá trình bảo vệ các di tích chăm như phân tích cấu trúc và khoáng chất vật liệu xây dựng quần thể Mỹ Sơn; nghiên cứu cấu trúc vật liệu xây dựng quần thể Mỹ Sơn và các giải pháp phục chế, bảo vệ; công nghệ tôi bề mặt gạch và khả năng bảo vệ quần thể Mỹ Sơn; công nghệ chế tạo gạch và vữa trong xây dựng các ngôi đền cổ đại của Nga (thế kỷ 10-13)…

Qua các nghiên cứu, xét nghiệm mẫu vật từ khu đền tháp Mỹ Sơn, các nhà khoa học Nga đã có những kết luận quan trọng như vật liệu xây dựng đền có thể khác nhau về nguồn gốc, đặc tính của vật nung; sự nung gạch không đồng đều; trong việc sản xuất gạch có trộn lẫn cát và các mẫu thực vật; đất sét dùng như là nguồn nguyên liệu ban đầu cho sản xuất gạch, nhưng không được sử dụng để sản xuất các yếu tố xây dựng trong nghiên cứu; sự cần thiết phải bảo vệ các bề mặt gạch từ sự thâm nhập của các sinh vật sống bên trong và sự phá hủy bên ngoài.

Giáo sư-tiến sỹ khoa học Sergey Nefedkin cho biết Mỹ Sơn không chỉ là di sản của Việt Nam mà còn là di sản của toàn nhân loại, vì vậy, việc nghiên cứu để bảo tồn, phục dựng quần thể này là rất quan trọng.

Mục tiêu chính của nhóm nghiên cứu là ngăn chặn sự tàn phá của ngoại lực vào quần thể; tìm hiểu, đề ra vật liệu để khôi phục hiện trạng ban đầu; bảo vệ di tích khỏi sự tàn phá. Từ đó đã nghiên cứu và đề xuất giải pháp là “cứng hóa” thông qua những loại hóa chất đặc biệt, hoặc “tôi cứng” bề mặt gạch để bảo vệ những lớp gạch phía trong khỏi sự tàn phá của thiên nhiên.

Là người tâm huyết với việc bảo vệ và phục dựng di tích Chăm tại Quảng Nam, ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Nga là rất đáng khích lệ và trân trọng.

Việc bảo tồn văn hóa Chămpa (vật thể và phi vật thể) là vấn đề cực kỳ quan trọng, trong đó, việc nghiên cứu nguyên vật liệu, chất kết dính… trong quá trình xây dựng đền tháp Mỹ Sơn có ý nghĩa tiên quyết trong bảo vệ và phục dựng di tích Chămpa. Trong quá trình bảo tồn di tích, tránh không được làm “trẻ hóa” di tích.

Trong thời gian tới, Quảng Nam cần tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu, lập dự án để bảo tồn di tích Chămpa trên địa bàn; đồng thời tận dụng các nguồn vốn để từng bước phục dựng, tái tạo lại những ngọn tháp, công trình kiến trúc của người xưa theo đúng nguyên mẫu.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết tỉnh đang phối hợp với các ngành chức năng và các nhà khoa học tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu nhằm khám phá những bí ẩn cổ xưa, từ đó bảo tồn, phục dựng những công trình kiến trúc của nền văn hóa Chămpa, trả cho nó về nguyên giá trị.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có nhiều di tích, quần thể di tích mang tầm quốc gia và quốc tế. Trong đó, các kiến trúc Chăm với những đền tháp trên ngàn năm tuổi là bộ phận đặc sắc, tích hợp trí tuệ và sự sáng tạo phi thường của nền văn hóa Chămpa.

Những ngôi đền tháp, nhóm đền tháp như Chiên Đàn, Khương Mỹ, Bằng An, Phật viện Đồng Dương, Mỹ Sơn… đã và đang thu hút các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khám phá bí ẩn của người xưa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục