Quảng Ninh đứng đầu cả nước về 4 chỉ số cải cách hành chính

Quảng Ninh thực hiện thành công nhiều giải pháp về cải cách hành chính nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ, mang đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp, tạo những đột phá mới trong phát triển.
Quảng Ninh đứng đầu cả nước về 4 chỉ số cải cách hành chính ảnh 1Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính của công dân. (Nguồn: moc.gov.vn)

Ngày 2/7, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị phân tích các chỉ số PAR Index (cải cách hành chính), PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), SIPAS (hài lòng sự phục vụ hành chính), PAPI (hiệu quả quản trị hành chính công), ICT (mức độ ứng dụng công nghệ thông tin) của tỉnh Quảng Ninh và công bố kết quả xếp hạng các chỉ số trên của sở, ngành, địa phương năm 2020.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu trụ sở Ủy ban Nhân dân của 13 huyện, thị xã, thành phố và 177 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, Quảng Ninh là địa phương duy nhất đưa mục tiêu giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS, PAPI vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Quảng Ninh đã thực hiện thành công nhiều giải pháp về cải cách hành chính, nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ, mang đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp, qua đó tạo những đột phá mới trong phát triển.

Năm 2020, tỉnh Quảng Ninh lần đầu tiên cả 4 chỉ số của tỉnh đều đứng thứ nhất trong cả nước, trong đó chỉ số PAR INDEX, PCI có 4 năm liên tiếp xếp vị trí thứ nhất (2017-2020); chỉ số SIPAS 2 năm liên tiếp dẫn đầu vị trí xếp hạng (2019-2020); chỉ số ICT 2 năm giữ vị trí thứ 3 (2019-2020) và lần đầu tiên chỉ số PAPI vươn lên vị trí dẫn đầu toàn quốc.

[Infographics] Quảng Ninh chinh phục các chỉ số cải cách hành chính

Hội nghị đã công bố kết quả xếp hạng các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính cấp sở, ngành, địa phương năm 2020.

Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ và thị xã Đông Triều, Kho bạc Nhà nước là những đơn vị đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính năm 2020 ở các khối sở, ban, ngành; khối địa phương và khối cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.

Sở Tư pháp, huyện Đầm Hà, Bảo hiểm xã hội tỉnh đứng đầu về chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Ninh năm 2020 ở các khối: sở, ban, ngành; huyện, thị xã, thành phố và khối cơ quan Trung ương đóng tại địa phương.

Về mức độ, xếp hạng chính quyền điện tử cấp sở, cấp huyện và cấp xã (ICT 2020): đứng đầu khối sở, ban, ngành là Sở Y tế; khối huyện, thị, thành phố là thành phố Uông Bí; cấp xã là phường Vàng Danh (thành phố Uông Bí).

Tại hội nghị, các sở, ngành, địa phương đã ký cam kết trong thực hiện nhiệm vụ giữ vững và nâng cao kết quả chỉ số PAR INDEX, PCI, SIPAS, PAPI, ICT của tỉnh Quảng Ninh. Hội nghị đã công bố Quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư tỉnh Quảng Ninh và trao Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao các bộ chỉ số trên năm 2020.

Trong 6 tháng cuối năm 2021 Quảng Ninh nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu: giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về 4 chỉ số: năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

Để đạt được mục tiêu trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng nhấn mạnh, Quảng Ninh sẽ tập trung cải cách mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch; rà soát, đơn giản hóa quy định thủ tục hành chính; loại bỏ các thủ tục, thành phần hồ sơ không cần thiết, tạo môi trường thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tỉnh cũng quan tâm cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; tạo bước đột phá trong hiện đại hóa nền hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, giúp đơn giản hóa, tiết kiệm thời gian và chi phí, tăng sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính công, dịch vụ công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục