Chiều 8/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã tham gia giải trình, làm rõ thêm một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Phát biểu giải trình, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp thu các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội về các nội dung nêu trong Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, các nội dung khác có liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự.
Báo cáo tiếp thu một số vấn đề chung, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh từ đầu năm 2022 đến nay, những biến động phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước đã đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, phức tạp trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương quán triệt, triển khai có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội về các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Công tác bảo vệ an ninh quốc gia tiếp tục được tăng cường, lợi ích quốc gia, của dân tộc được bảo đảm trong điều kiện thế giới, khu vực có nhiều biến động ngoài dự báo. Tội phạm về trật tự xã hội được kéo giảm 6,69%.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết mặc dù Quốc hội không đặt ra chỉ tiêu về giảm số vụ phạm tội, vi phạm pháp luật, tuy nhiên, Bộ Công an luôn luôn phấn đấu để thực hiện mục tiêu này. Đến nay, năm 2022 là năm thứ tư liên tiếp chúng ta thực hiện được mục tiêu giảm tội phạm hằng năm.
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tội phạm ma túy được triển khai quyết liệt trên các tuyến địa bàn trọng điểm, ước đầu thực hiện có hiệu quả việc ngăn chặn ma túy từ xa. Công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng đạt được kết quả tốt hơn.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định mặc dù tình hình tội phạm vi phạm pháp luật vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, có lúc, có nơi nhân dân còn lo lắng, bất an nhưng nhìn tổng thể Việt Nam là đất nước an ninh, an toàn so với mặt bằng chung trên thế giới. Kết quả này là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và toàn thể nhân dân, trong đó có vai trò quan trọng của các cơ quan tư pháp, nhất là lực lượng công an nhân dân.
“Tôi cho rằng cần nhấn mạnh hơn nữa những kết quả quan trọng này để cử tri cả nước thêm tin tưởng, thấy được bức tranh tổng thể chung, tích cực, đồng thời chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng rất cần thiết và quý báu để các cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình trong thời gian tới," Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Trong thời gian tới, trước tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến khó dự báo, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng nhiệm vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự rất nặng nề, khó khăn, cấp bách. Do đó, Bộ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ giám sát của Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước để thực hiện tốt hơn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn sự bình yên để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
[Họp Quốc hội: Khắc phục tình trạng lách luật để tham nhũng, trục lợi]
Gửi lời cảm ơn tới các đại biểu Quốc hội vì những phát biểu sâu sắc, tại phần giải trình trước Quốc hội của mình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của đại biểu liên quan đến vấn đề nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hành chính; vấn đề xét xử trực tuyến; việc hướng dẫn áp dụng pháp luật và phát triển án lệ; vấn đề giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm, nâng cao chất lượng, tỷ lệ giải quyết...
Liên quan đến nội dung hỗ trợ trọng tài kinh tế để nâng cao hiệu quả hoạt động của trọng tài kinh tế, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao khẳng định: “Nếu làm được việc gì tốt cho doanh nghiệp thì chúng tôi xin hứa với Quốc hội là sẽ phối hợp tốt với trọng tài, với VCCI để đánh giá lại việc Tòa án có thể hỗ trợ gì cho trọng tài trong việc giải quyết những bất đồng về kinh doanh thương mại.”
Bày tỏ sự tiếp thu đối với ý kiến của Ủy ban Tư pháp cũng như những góp ý, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội để ngành Kiểm sát hoàn thiện hơn, tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, tại phiên họp, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí nêu rõ đối với một số công tác thuộc lĩnh vực chuyên môn, ngành kiểm sát nhận thức được trách nhiệm của mình và sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới; góp phần đảm bảo hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; bảo vệ quyền con người; qua đó thực hiện tốt các chỉ tiêu được giao của ngành, góp phần vào sự bình yên, phát triển của xã hội.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cảm ơn Ủy ban Tư pháp, các đại biểu Quốc hội có đánh giá rất tích cực về những kết quả đạt được trong công tác tư pháp nói chung và thi hành án dân sự, thi hành án hành chính nói riêng năm 2022, đặc biệt là khi so sánh với năm 2021.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, đối với việc thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế, điều quan trọng nhất là vấn đề về nhận thức và sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đối với mong muốn của các đại biểu Quốc hội về việc khắc phục các hạn chế của hệ thống thi hành án, Bộ trưởng khẳng định sẽ ghi nhận, tiếp thu để tiếp tục chỉ đạo và tham mưu chỉ đạo tốt hơn nữa để có kết quả tốt hơn trong những năm tới.
Về các kháng nghị và kiến nghị của Viện Kiểm sát, Bộ trưởng cho hay đã chỉ đạo hệ thống thi hành án dân sự xem xét hết sức nghiêm túc.
“Trong hầu hết các báo cáo trước Quốc hội và trước cơ quan có thẩm quyền thì một trong những đề xuất mà chúng tôi nhắc đi nhắc lại là Viện Kiểm sát các cấp tăng cường kiểm soát hoạt động thi hành án,” Bộ trưởng chia sẻ./.