Quốc hội khóa XV: Đề xuất phát hành chứng chỉ vàng, kiểm soát giá vé máy bay

Đại biểu Bùi Hoài Sơn đề xuất, cần có gói hỗ trợ cho ngành Hàng không-Du lịch để giảm giá như hỗ trợ phí dịch vụ tại sân bay, đầu tư cho các trung tâm bảo dưỡng máy bay ở Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang thảo luận tại tổ. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang thảo luận tại tổ. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Một số biến động liên quan đến giá vàng, vé máy bay... trong thời gian qua là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến trong Phiên thảo luận tại tổ sáng 23/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Thiếu sự hợp tác giữa hàng không và du lịch

Đề cập đến câu chuyện giá vé máy bay tăng cao thời gian qua, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) cho rằng, cần có các biện pháp để điều chỉnh bởi giá vé máy bay ảnh hưởng tiêu cực, làm giảm nhu cầu đi lại, giảm số lượng khách du lịch. Việc này cũng ảnh hưởng trực tiếp tới công việc của người dân trong các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn...

“Nếu so sánh, đường bay tương đương của Thái Lan rẻ hơn Việt Nam rất nhiều. Phải tìm các nguyên nhân, bao gồm cả chủ quan và khách quan khiến giá vé máy bay tăng cao như vậy,” đại biểu Bùi Hoài Sơn nêu.

Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đặc biệt là yếu tố cạnh tranh, chi phí bảo trì ở nước ngoài rất cao, thiếu sự hợp tác giữa hàng không và du lịch...

“Hàng không và du lịch cũng có hợp tác nhưng đa phần mạnh ai nấy làm, không có cách thức rủi ro chia sẻ nên giá vé máy bay quá cao đã ảnh hưởng nhiều đến phát triển du lịch nói riêng, sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương nói chung. Do đó, phải hạ giá vé máy bay để phát triển du lịch,” đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn đề xuất, cần có gói hỗ trợ cho ngành Hàng không-Du lịch để giảm giá như hỗ trợ phí dịch vụ tại sân bay, đầu tư cho các trung tâm bảo dưỡng máy bay ở Việt Nam.

"Trong câu chuyện giá máy bay, ngành Du lịch và Hàng không phải hợp tác với nhau. Nếu chỉ nghĩ, hàng không tăng vé có lợi cho hàng không nhưng không nghĩ đến việc có hại cho các lĩnh vực khác thì sẽ rất khó. Hàng không, nhà hàng, khách sạn... có liên quan đến nhau, phải hỗ trợ nhau để tạo 'combo' du lịch, hạ giá vé máy bay, không chỉ tốt cho du lịch mà còn tốt cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước," đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.

Quản lý chặt chẽ thị trường vàng

Liên quan đến biến động giá vàng thời gian qua, đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội) khẳng định, giá vàng rất quan trọng; khi vàng biến động ảnh hưởng nhiều đến bài toán về tỷ giá. Nếu đầu tư chạy theo vàng quốc tế thì Việt Nam "mất nhiều hơn được, có nguy cơ vàng hóa nền kinh tế."

Do đó, theo đại biểu Phạm Đức Ấn, cần có đánh giá nhiều khía cạnh, có chính sách quản lý chặt chẽ thị trường vàng để giảm thiểu ảnh hưởng đến tỷ giá.

"Đây là vấn đề kỹ thuật rất sâu nhưng ở mức độ nhất định, cần trình Chính phủ những giải pháp hữu hiệu hơn để quản lý thị trường vàng, tránh chênh lệch cao giữa thị trường trong nước và thế giới," đại biểu Phạm Đức Ấn nói.

ttxvn_quoc_hoi_hop_2305-2.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chung mối quan tâm đến giá vàng tăng bất thường, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, nếu giá vàng thế giới tăng thì giá vàng trong nước tất nhiên cũng tăng. Tuy nhiên, đáng báo động là giá vàng trong nước ngày càng chênh lệch lớn với thế giới.

"Giá vàng tăng cao không ảnh hưởng ngay đến chỉ số giá nhưng sẽ tác động nhiều đến yếu tố tâm lý người dân. Vô hình chung, người dân không gửi tiền ngân hàng nữa mà chuyển sang... xếp hàng mua vàng. Tôi cho rằng, rất cần thiết phải kịp thời xử lý điều hành để đưa giá vàng trong nước về ngang thế giới,” đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, về dài hạn, cần sửa Nghị định số 24/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, bởi chính Nghị định này đang sinh ra "tác động ngược."

Cùng với đó, các giải pháp trước mắt cũng cần phải rất linh hoạt. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước thực hiện đấu thầu vàng để tăng cung nhằm giảm giá nhưng thực tế, sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại tăng hơn.

“Cơ chế đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là 'đấu thầu ngược.' Chính vì đấu thầu, giá vàng lại tăng lên vì giá sàn đặt cao hơn giá thị trường. Khi người trúng thầu, bán ra, họ phải bán với giá cao hơn giá trúng thầu, đương nhiên giá vàng trong nước phải tăng lên. Như vậy, mục tiêu lúc này không phải là để giảm giá mà để thu về nhiều tiền. Nếu mục tiêu để giảm giá vàng trong nước với giá vàng thế giới thì giá tham chiếu đấu giá vàng bằng giá vàng thế giới cộng thuế, phí cộng nhu cầu và phải đấu thầu ngược, tức là người mua vàng xong phải bán sát nhất với giá tham chiếu khi đề xuất đấu thầu,” đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Cùng với đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất phát hành chứng chỉ vàng. Theo đó, người dân có thể mua vàng với giá tham chiếu đưa ra và số vàng đó để ở Ngân hàng Nhà nước.

“Khi đó, người mua vàng không phải mất công giữ; cũng điều chỉnh được giá vàng trong nước về ngang với thế giới. Phải điều chỉnh ngay cơ chế về đấu thầu vàng,” đại biểu Hoàng Văn Cường nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.