Bên hành lang nghị trường kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV chiều ngày 22/5, nhiều đại biểu chia sẻ các ý kiến đa chiều đối với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đáng chú ý, một số đại biểu đặc biệt quan tâm tới quy định cấm tuyệt đối điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong hơi thở và quy định “trích lại một phần tiền xử phạt” để trang bị cho lực lượng cảnh sát giao thông.
Cấm tuyệt đối nồng độ cồn là cứng nhắc?
Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho biết dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hơn 40 đại biểu đăng ký phát biểu. Điều này cho thấy đại biểu rất quan tâm. Nội dung này cũng được dư luận, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học bàn luận rất nhiều.
“Một trong những nội dung đó là cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong hơi thở, máu khi điều khiển phương tiện giao thông. Thông tin này đã rất rõ trên các phương tiện thông tin đại chúng, diễn đàn. Nhưng quan trọng nhất là báo cáo tiếp thu trình với kỳ họp này là Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Quốc hội đưa quy định cấm tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông khi trong hơi thở có nồng độ cồn. Nội dung được đa số đại biểu ủng hộ,” đại biểu tỉnh Đồng Nai cho hay.
Tuy nhiên, đại biểu An cho rằng có những quan điểm cần phân tích, cần đánh giá thêm để có cơ sở lập luận chặt chẽ, khả thi hơn trong quá trình thực hiện: “Trước đó chúng ta có quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn. Chứ không phải cấm hoàn toàn việc uống rượu bia. Điều này cần có đánh giá cụ thể giữa được và chưa được nhằm đạt hiệu quả phục vụ công tác quản lý và lợi ích, an toàn tính mạng của người dân.”
Theo đại biểu An, mặc dù vấn đề đang được thảo luận nhưng quan điểm là phải tính toán để vừa giữ quan điểm cấm tuyệt đối vừa phải có tính khả thi trong thực hiện để tránh xảy ra những tranh cãi. Bởi cấm rượu bia liên quan đến thực hiện văn hóa, thói quen, ý thức. Nếu thực hiện quen dần sẽ rất bình thường. Các cơ quan chức năng, đặc biệt Ủy ban Quốc phòng an ninh và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo sát sao để có phương án khả thi, thống nhất và được sự đồng thuận cao nhất.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp bày tỏ quan điểm ủng hộ việc người dân được tham gia giao thông có nồng độ cồn nhất định trong hơi thở.
“Tôi đồng ý việc đã tham gia giao thông thì không nên uống rượu bia. Tuy nhiên, thực tế người dân uống rượu bia nhiều hay ít khi tham gia giao thông, có bao nhiêu người uống rượu bia mà gây ra tai nạn giao thông thì thời gian qua chưa có tổng kết và nghiên cứu khoa học. Việt Nam là một trong những quốc gia rất hiếm hoi cấm người dân tuyệt đối có nồng độ cồn trong hơi thở khi tham gia giao thông. Trên thế giới chỉ có 23 quốc gia có điều luật này, trong đó có Việt Nam và phần lớn là những quốc gia Hồi giáo. Thậm chí, các nước láng giềng đều cho phép người tham gia giao thông có ngưỡng nồng độ cồn thì việc chúng ta cấm tuyệt đối theo tôi là cứng nhắc,” đại biểu Hòa nhấn mạnh.
Theo đại biểu này, việc xảy ra nhiều tai nạn giao thông thời gian qua là do nhận thức, ý thức chứ không phải chỉ có người uống rượu bia mới gây ra tai nạn khi tham gia giao thông.
Cân nhắc việc trích tiền xử phạt cho cảnh sát giao thông
Không chỉ quan tâm tới quy định về nồng độ cồn, đại biểu đoàn Đồng Tháp còn cho biết rất đồng tình với việc thành lập quỹ để giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng quỹ này nên là từ nguồn ngoài ngân sách, từ việc vận động tài trợ của các nhà hảo tâm để giúp đỡ cho những trường hợp xảy ra tai nạn giao thông, gây chết người hoặc bị thương.
“Vấn đề là trong dự thảo luật, quỹ này còn hỗ trợ đối tượng tham gia tuyên truyền giữ gìn trật tự an toàn giao thông thì tôi không đồng tình vì thấy chưa phù hợp. Tôi đồng tình việc trích lại một phần tiền xử phạt giao thông cho lực lượng cảnh sát giao thông nhưng vấn đề ‘một phần’ này là bao nhiêu thì phải cần làm rõ. Trước đây, dự thảo có đề nghị bổ sung thêm là trích 70%, sau đó đã bị rút ra và thay bằng quy định ‘một phần',” đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cũng cho rằng việc đưa quy định trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát giao thông là thật sự chưa hợp lý.
Theo đại biểu Bến Tre, xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, tất cả phải tuân thủ theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính.
“Tại sao lĩnh vực này lại quy định riêng, đưa ra quy định trích phần trăm tiền xử phạt vi phạm hành chính, làm cho không thống nhất với chính sách, quy định chung và các luật có liên quan như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Ngân sách nhà nước…, đại biểu đề nghị không quy định trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước trong dự thảo Luật, mà vấn đề này thực hiện theo Luật Ngân sách,” đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nêu quan điểm./.
5 nhóm vấn đề lớn được cử tri và nhân dân kiến nghị tới Quốc hội
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, gồm 5 nhóm vấn đề lớn.