Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 1/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cũng tán thành quan điểm của Chính phủ về việc sau khi đề án được thông qua, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành một chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện đề án tổng thể.
Về tên gọi của chương trình mục tiêu quốc gia mới, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất lấy tên gọi là “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.”
Theo đại biểu, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc chăm lo, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nâng cao trình độ phát triển của vùng đặc biệt khó khăn, “nhưng từ năm 1993, khi bắt đầu khởi động chương trình xóa đói giảm nghèo đến nay, đã đi qua 6 chu trình nhưng chúng ta vẫn tiếp cận từ góc nhìn giảm nghèo.”
Do đó, đại biểu cho rằng, từ chỗ đặt vấn đề về Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi là sự thay đổi lớn về nhận thức.
Việc cần có cách tiếp cận mới từ quan điểm phát triển là phù hợp với tuyên bố về chính sách dân tộc với nội hàm được ghi nhận tại Khoản 4, Điều 5 Hiến pháp 2013, đó là: Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định, quá trình xây dựng các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025-2030 của Đề án, Ban soạn thảo đã xem xét nhiều căn cứ khoa học và thực tiễn nhằm đảm bảo tính khả thi.
Qua thảo luận và thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Đỗ Văn Chiến cho hay, một số ý kiến cho rằng chỉ tiêu về thu nhập đến năm 2025 tăng hai lần là cao, không khả thi. Một số ý kiến khác cho rằng, chỉ tiêu về giải quyết nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt là thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Có ý kiến đề nghị chỉ tiêu về đào tạo nghề cao, khó đạt được...
Giải trình về chỉ tiêu thu nhập, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, qua khảo sát trực tiếp của Ban soạn thảo, hiện nay thu nhập thực tế bình quân của người dân tộc thiểu số khoảng 1,1-1,2 triệu đồng/tháng, tương đương 13-14 triệu đồng/năm. Nếu đến 2025 tăng gấp hai lần sẽ đạt khoảng 26-28 triệu đồng/năm.
"Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đến năm 2025 nước ta sẽ đạt 5.000 USD bình quân GDP trên đầu người. Chúng tôi đã nghiên cứu văn kiện Đại hội Đảng bộ của các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi, với quyết tâm rất cao: Năm 2020 so với năm 2015 Cao Bằng đề nghị tăng 2,1 lần; Quảng Ninh 2,2 lần, Hà Giang 1,85 lần, Hòa Bình 2,1 lần; Quảng Bình 2,5 lần; Gia Lai 2,1 lần… Chương trình tam nông xác định thu nhập của cư dân nông thôn tại Nghị quyết 26 Ban Chấp hành Trung ương Đảng sau 10 năm tăng 2,5 lần nhưng vừa qua tổng kết tăng 3,8 lần, bình quân là 1,9 lần/5 năm. Do vậy, Ban soạn thảo đề nghị cho giữ khoảng 2 lần để từng hộ, thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có quyết tâm phấn đấu và hằng năm có kiểm điểm."
Chỉ tiêu đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số trong độ tuổi hiện nay đạt 6,2%. Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra chỉ tiêu lao động qua đào tạo là 70%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 25-30%.
Ông Chiến khẳng định, Đề án đề xuất lao động dân tộc thiểu số qua đào tạo khoảng 50% nhưng chỉ tiêu lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ 10-15% là phù hợp. Bên cạnh đó, việc tăng cường đào tạo, dạy nghề sẽ được thực hiện theo theo hướng cầm tay chỉ việc để lao động thực hành được việc ngay, không nhất thiết cần bằng cấp, chứng chỉ. Đây là điểm tư duy mới về dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Liên quan đến việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, nhiều ý kiến cho rằng, việc này là cần thiết, giúp giải quyết dứt điểm khoản dự toán đang “treo” thuộc Ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực này, giải tỏa áp lực cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản, tài nguyên nước.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội về một số nội dung sau: về việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước tại một kỳ họp hay hai kỳ họp; có đồng ý xóa nợ tiền thuế như đề nghị của Chính phủ hay không; có đồng ý việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước hay không./.