Quý 4 sẽ hoàn thiện thể chế quản lý nghề cá theo khuyến nghị của EC

Tổng cục Thủy sản đang tích cực rà soát sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, trình cấp có thẩm quyền ban hành trong quý 4 để khắc phục các khuyến nghị của EC.
Quý 4 sẽ hoàn thiện thể chế quản lý nghề cá theo khuyến nghị của EC ảnh 1Tàu đánh bắt xa bờ neo đậu tại cảng cá Ninh Chữ (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết ngày 27/10, dự kiến Tổng cục sẽ làm việc trực tuyến với Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.

Chia sẻ bên lề hội nghị trực tuyến với các địa phương ven biển về “Tổ chức khai thác thủy sản thích ứng, phòng chống dịch COVID-19, quý 4/2020” sáng 22/10, ông Hùng cho biết khi đó, phía EC sẽ có những nhận xét, đánh giá trên cơ sở báo cáo của Việt Nam.

Trên cơ sở thống kê, báo cáo từ các tỉnh, thành triển khai thì có thể thấy các địa phương rất nỗ lực và có quyết tâm chính trị rất cao trong triển khai chống khai thác IUU.

Tuy nhiên, vừa qua dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng nhiều đến việc chống khai thác IUU, đặc biệt là tại các cảng. Nhiều địa phương rất cố gắng thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo chống khai thác IUU.

Với các khuyến nghị của EC, Tổng cục Thủy sản đang tích cực rà soát sửa đổi, bổ sung điều chỉnh Nghị định số 26/201/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và các thông tư trình cấp có thẩm quyền ban hành trong quý 4/2021 nhằm hoàn thiện thể chế quản lý nghề cá bền vững, có trách nhiệm và khắc phục các khuyến nghị của EC.

Về kiểm soát hoạt động, theo dõi tàu cá trên biển cũng như tại cảng, ông Nguyễn Quang Hùng cho biết những tháng đầu năm các địa phương rất cố gắng. Nhưng trong giai đoạn dịch COVID-19, nhiều tỉnh phải thực hiện phòng, chống dịch, việc kiểm soát số lượng ra vào cảng gặp nhiều khó khăn.

[Thủ tướng: Dứt khoát đến hết năm 2021 phải gỡ bỏ thẻ vàng IUU]

Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương vào cuộc rất quyết liệt, đặc biệt là Chủ tịch và Bí thư cấp xã đã vào cuộc trong việc ngăn chặn, chấm dứt tàu cá.

Điển hình như Thanh Hóa, sau cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ hai tuần, địa phương này gần như lắp đặt 100% thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho tàu cá; việc thực thi pháp luật, truy xuất nguồn gốc được các địa phương rất quan tâm.

Về thực thi pháp luật, các tỉnh, thành triển khai khá động bộ việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển cũng như ra vào cảng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua do dịch COVID-19 nên việc kiểm soát tại cảng gặp khó khăn.

Về truy xuất nguồn gốc, việc hoàn thành các quy định của EC, các đơn vị đã làm rất tốt và không phát hiện thấy sai sót gì trong các lô hàng xuất khẩu nhưng tháng vừa qua.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, phía EC cũng có đánh giá là Việt Nam đang đi đúng hướng và có tiến bộ rất tích cực. Những chậm trễ trong việc khắc phục 4 nhóm khuyến nghị do có những yếu tố khách quan là Việt Nam có số lượng tàu cá lớn. Trong khi đó, Việt Nam lại có nghề cá quy mô nhỏ nên việc khắc phục 4 nhóm khuyến nghị đó cần có thời gian, lộ trình hợp lý.

“Với những nỗ lực tích cực của Việt Nam cùng với những chuyển biến tích cực thì tôi tin rằng phía EC sẽ không rút “thẻ đỏ” mà tiếp tục cảnh báo “thẻ vàng” đến khi nào Việt Nam chấm dứt được tình trạng tàu vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài và khắc phục được 4 nhóm khuyến nghị của EC,” ông Nguyễn Quang Hùng nhận định.

Ông Nguyễn Quang Hùng cho hay nếu tiếp tục bị “thẻ vàng” thì hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ tiếp tục bị kiểm tra gần như 100% các hồ sơ liên quan đến truy xuất nguồn gốc cũng như việc đảm bảo sản phẩm khai thác hợp pháp.

Theo Tổng cục Thủy sản, các địa phương tích cực triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá và đánh dấu tàu cá theo quy định của Luật Thủy sản.

Đến nay, đã có 27.716 tàu đã lắp thiết bị VMS, đạt khoảng 90,5% tàu cá thuộc diện phải lắp đặt thiết bị và 90,53% tàu cá đã đánh dấu tàu cá theo quy định. Một số tỉnh tỷ lệ tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình còn thấp mới đạt dưới 75% như: Quảng Ninh, Quảng Trị, Trà Vinh.

Bên cạnh đó, từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt việc tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Tình trạng vi phạm vùng biển các nước trong khu vực có xu hướng giảm dần, nhưng còn diễn biến phức tạp. Các địa phương có nhiều tàu vi phạm như: Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang chưa có chuyển biến.

Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm về khai thác IUU đã có chuyển biến tích cực ở một số địa phương như Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận… Tuy nhiên, việc xử phạt chưa thật sự nghiêm minh, chưa đồng bộ giữ các địa phương, đặc biệt là xử phạt đối với hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài với tỉ lệ các vụ việc được xử lý còn rất thấp so với thực tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.