Quy định về thuốc Molnupiravir - Không để phí “cơ hội vàng” của F0

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trên cơ thể người lớn mắc COVID-19 nhẹ và trung bình cho thấy thuốc Molnupiravir giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện và tử vong của F0.
Khi mua thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 tại cửa hàng thuốc Long Châu (Hà Nội), khách hàng cần xác nhận thông tin mua thuốc tại đây. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 do hãng dược Merck & Co. (Mỹ) phát triển và được phép sản xuất, sử dụng tại Việt Nam với số lượng rất lớn.

Thuốc giúp giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong xuống khoảng một nửa đối với các ca F0 là người lớn mắc ở thể nhẹ và trung bình. Thuốc có tác dụng rất hiệu quả nếu được sử dụng sớm, đúng quy định, đặc biệt là trong 5 ngày đầu tiên từ khi có triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính.

Bởi vậy, chạy đua với thời gian, không bỏ lỡ “cơ hội vàng” ngăn bệnh trở nặng đối với F0 là yêu cầu tiên quyết khi sử dụng Molnupiravir.

Cơ hội vàng” của bệnh nhân là quan trọng nhất

Theo Bloomberg (tập đoàn ở Mỹ cung cấp tin tức, thông tin tài chính toàn cầu), cùng với vaccine, thuốc kháng SARS-CoV-2 hứa hẹn sẽ giúp nhân loại sớm thoát khỏi đại dịch COVID-19 với tổn thất ít nhất. Molnupiravir là thuốc kháng SARS-CoV-2 do Hãng dược Merck&Co (Mỹ) nghiên cứu, bào chế và được cấp phép sản xuất, sử dụng ở Việt Nam.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trên cơ thể người lớn mắc COVID-19 nhẹ và trung bình cho thấy thuốc giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện và tử vong của F0.

Molnupiravir là tên hóa học của hoạt chất lúc ban đầu được bào chế để chữa bệnh cúm, đưa vào cơ thể theo dạng viên uống. Hóa chất này ức chế khả năng phân chia của SARS-CoV-2 thông qua một cơ chế gọi là “đột biến tự diệt.” Có nghĩa là thuốc làm cho bộ máy sản sinh vật liệu di truyền của virus mắc sai lầm, từ đó tạo ra bản sao bị lỗi. Hoạt chất lần đầu tiên được phát minh tại Đại học Emory, thành phố Atlanta (Mỹ).

Molnupiravir là dạng viên uống nên người bệnh dễ dàng sử dụng tại nhà và giá thành rẻ hơn nhiều so với các loại thuốc khác cũng có chức năng điều trị COVID-19 (khoảng 300.000 đồng/liệu trình).

[Dùng thuốc Molnupiravir điều trị COVID: Những thông tin cần biết]

Molnupiravir là loại thuốc trị COVID-19 rất hiệu quả vì tấn công trực tiếp virus, hạn chế tổn hại đối với cơ thể và rút ngắn thời gian mang bệnh. Molnupiravir ít có hiệu quả đối với bệnh nhân nhập viện đã chuyển nặng. Bởi vậy, sớm sử dụng thuốc  khi F0 còn ở thể nhẹ và trung bình là yếu tố rất quan trọng.

Tuy nhiên, ở Việt Nam quy định hiện hành từ phía Bộ Y tế về việc bán và cung cấp Molnupiravir đang còn chưa thống nhất, làm giảm “cơ hội vàng” của F0 tránh bệnh chuyển nặng và nhập viện.

Theo quy định, mua thuốc Molnupiravir phải có đơn do bác sĩ kê hoặc giấy chứng nhận F0 từ phía các cơ sở y tế. Quy định này không sai vì Molnupiravir là thuốc mới và thuộc dạng “được bán có điều kiện,” phải sử dụng theo hướng dẫn của những người có chuyên môn. Đây cũng còn là cách tránh đầu cơ tích trữ dẫn đến tình trạng người chưa mắc COVID-19, mua “cất đầy tủ” trong khi các ca F0 lại không mua được, trong khi đó hạn sử dụng thuốc rất ngắn. Sự đầu cơ sẽ tạo ra sự khan hiếm giả, đẩy giá lên cao và xuất hiện “chợ đen.”

Tuy nhiên quy định của Bộ Y tế không tính đến thực tế là các ca F0 tại Việt Nam trong vòng một tháng qua tăng rất mạnh, có ngày vượt qua con số 162.000 người, đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc.

Riêng ở Hà Nội số ca mắc mới tính từ 17h00 ngày 7/3 đến 17h00 ngày 8/3 là 32.650 người. Tuyệt đại đa số các ca mắc mới là ở thể nhẹ (92-95%), tự điều trị và cách ly tại nhà. Các ca F0 này khi có một nguy cơ trở nặng chỉ cần sử dụng thuốc Molnupiravir trong vòng 5 ngày là có hiệu quả, bệnh không trở nặng và không cần nhập viện.

Trong thời điểm hiện nay các cơ sở y tế đều quá tải nên việc bệnh nhân tự điều trị tại nhà rất khó xin được giấy chứng nhận F0 hay được kê đơn thuốc Molnupiravir. Có khi bệnh nhân “cày cục” xin được các giấy tờ cần thiết thì đã lỡ mất “cơ hội vàng,” 5 ngày đầu để chữa trị.

"Quả bóng" nằm trên sân của Bộ Y tế

Do nhu cầu mua thuốc Molnupiravir ở Hà Nội tăng mạnh và điều kiện của Bộ Y tế lại bó buộc nên nhiều nhà thuốc ở Thủ đô đã phải “vượt rào.” Thay cho giấy chứng nhận F0 từ phía các cơ sở y tế thì dược sỹ chỉ yêu cầu có video clip ghi lại cảnh bệnh nhận tự làm xét nghiệm nhanh cùng với kết quả dương tính. Nhân viên nhà thuốc lưu trữ video cùng các giấy tờ liên quan. Đây cũng là cách hạn chế việc đầu cơ thuốc điều trị COVID-19.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, trước tình trạng người bệnh thiếu giấy chứng nhận F0 hoặc đơn thuốc của bác sỹ mà phải mua thuốc Molnupiravir ngoài “chợ đen” với giá cao, Sở Y tế thành phố đã gửi công văn khẩn đến Bộ Y tế. Công văn đề nghị Bộ Y tế cần có hướng dẫn mới về việc kê đơn thuốc Molnupiravir vì đây là loại bệnh truyền nhiễm nhóm A, nhằm giúp các nhà thuốc không bị vướng quy định "bán thuốc có điều kiện" và người dân cũng dễ dàng mua thuốc.

Để đảm bảo việc người bệnh dễ dàng tiếp cận với các thuốc kháng virus điều trị COVID-19 trong bối cảnh số mắc tăng cao vào những ngày gần đây, đồng thời đảm bảo kiểm soát chặt chẽ theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Y tế đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung về việc cấp phát thuốc.

Người dân đi mua thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Đề xuất của Bộ Y tế chỉ áp dụng đối với thuốc kháng virus điều trị COVID-19 dùng đường uống. Cụ thể, đối với việc cấp phát thuốc điều trị miễn phí, có thể giao các địa phương, cơ sở y tế thực hiện mua sắm thuốc điều trị COVID-19 (trong đó có thuốc Molnupiravir đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam) theo quy định để đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị của đơn vị.

Trường hợp người dân tự mua thuốc, tự chi trả tại cơ sở được bán lẻ thuốc (nhà thuốc, hiệu thuốc), người phụ trách chuyên môn về dược tại nhà thuốc, quầy thuốc được phép kê đơn cho bệnh nhân hoặc người mua thuốc kháng virus.

Về quy định kê đơn cho người bệnh mắc COVID-19, Bộ Y tế nêu rõ: người được kê đơn (tại quầy thuốc, nhà thuốc) cần có xác nhận từ cơ sở y tế (bao gồm cơ sở xét nghiệm, cơ sở khám chữa bệnh, trạm y tế) có dương tính với SARS-CoV-2, kể cả xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh; hoặc người bệnh tự quay clip quá trình thực hiện test kháng thể tại nhà gửi cho người phụ trách chuyên môn của nhà thuốc, quầy thuốc để chứng minh kết quả test dương tính.

Hướng dẫn cũng đề xuất người phụ trách chuyên môn về dược tại cơ sở bán lẻ thuốc căn cứ vào kết quả xét nghiệm, xác định được ít nhất một nguy cơ chuyển nặng của bệnh nhân.

Người mua thuốc hoặc bệnh nhân phải ký bản cam kết, trong đó có các thông tin về người bệnh, ngày test, kết quả test, việc sử dụng thuốc theo mẫu, kèm bản sao chứng minh thư của người bệnh.

Bộ Y tế cũng xây dựng tờ hướng dẫn sử dụng để người bán thuốc hướng dẫn người mua, trong đó có các thông tin: đối tượng sử dụng, liều dùng, cách dùng, theo dõi sau khi dùng, cách xử trí khi gặp các phản ứng bất thường (không hiệu quả, tác dụng phụ…) cần báo cho cơ sở y tế...

Đề xuất của Bộ Y tế có tính cầu thị và hợp lý trong bối cảnh ở Việt Nam số ca mắc mới tăng rất cao và các cơ sở y tế lâm vào tình trạng quá tải, các thủ tục hành chính liên quan đến việc bán thuốc đặc trị COVID-19 cần được rút gọn nhằm mục đích ưu tiên là hạn chế đến mức thấp nhất các ca F0 trở nặng, nhập viên và tử vong.

Tuy nhiên, theo Quy chế của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo và hoàn toàn có quyền hạn và trách nhiệm liên quan đến việc ban hành hướng dẫn mới về bán và cấp phát thuốc Molnupiravir. Việc Bộ Y tế đề xuất lên Trưởng ban Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ là sự lảng tránh trách nhiệm và làm chậm quy trình đưa thuốc chữa trị COVID-19 đến tay ngươi bệnh.

Ngày 28/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đã ký Quyết định số 84/QĐ-BCĐ về việc ban hành Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thành viên Ban chỉ đạo, Trưởng Tiểu ban Y tế, “có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị người nhiễm COVID-19, tiêm chủng... và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận nhanh nhất các dịch vụ y tế cần thiết; sẵn sàng nhân lực, phương tiện để kịp thời tiếp nhận, sơ cứu, cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc bệnh; tham mưu việc huy động, hỗ trợ nâng cao năng lực y tế tại các địa phương khi cần thiết; xây dựng kịch bản, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh.”

Cứu chữa bệnh nhân COVID-19 phải khẩn cấp như cứu hỏa. Các ca F0 đang từng phút, từng giờ chờ mong quyết định nhanh chóng từ phía Bộ Y tế để họ dễ dàng tiếp cận thuốc Molnupiravir, tận dụng “cơ hội vàng” ngắn ngủi trước khi bệnh chuyển sang thể nặng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục