Quyền lợi người bệnh sẽ được nâng khi điều chỉnh giá dịch vụ

Hội nghị cung cấp thông tin điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với Bảo hiểm y tế và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đã được tổ chức ngày 14/4 tại Vũng Tàu.
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe của người bệnh. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Ngày 14/4, tại thành phố Vũng Tàu, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin về điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình Bảo hiểm y tế toàn dân và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Tại Hội nghị, đại diện các Cục, vụ thuộc Bộ Y tế đã cung cấp một số thông tin liên quan đến chính sách pháp luật về Bảo hiểm y tế và lộ trình tiến tới Bảo hiểm y tế toàn dân; tham luận chia sẻ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xử lý cung cấp thông tin y tế cho báo chí…

Thạc sỹ Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, một số giá dịch vụ y tế mới chỉ được tính 3 trong tổng số 7 yếu tố chi phí trực tiếp, tức là chưa được tính đúng, tính đủ. Do vậy, Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 đã quy định lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế với 3 giai đoạn.

Giai đoạn gần nhất là đến năm 2016, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định).

Đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định).

Đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Như vậy, trong năm nay, giá dịch vụ y tế sẽ tiếp tục được điều chỉnh, tính đủ chi phí tiền lương và chi phí trực tiếp.

Khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế với nguyên tắc là tính đủ chi phí trực tiếp vào tiền lương, quyền lợi của người bệnh sẽ được nâng lên. Hiện nay, giá dịch vụ y tế của các tỉnh đang quy định ở mức 60-80% của các chi phí trực tiếp, do đó giá dịch vụ chưa đủ đáp ứng kinh phí trực tiếp cho các bệnh viện thực hiện các dịch vụ.

Vì vậy, các bệnh viện ở một số tỉnh được ngân sách Nhà nước ở tỉnh đó cấp bổ sung thì bệnh viện đó có thể dùng khoản ngân sách này để bù vào khoản thiếu hụt về kinh phí. Ngoài ra, các bệnh viện không bù được khoản kinh phí này, người dân phải đóng bổ sung thêm.

Do đó, khi tính giá dịch vụ y tế đã tính đủ chi phí trực tiếp, người bệnh sẽ không phải đóng những chi phí ngoài giá dịch vụ y tế hiện nay đang phải đóng.

Hơn nữa, khi tính đúng, tính đủ giá dịch vụ, trong đó có tiền lương và khấu hao tài sản sẽ tạo điều kiện khuyến khích các bệnh viện phát triển các kỹ thuật mà trước kia do giá thấp nên những bệnh viện tuyến dưới nhiều khi có điều kiện, có khả năng nhưng vẫn không thực hiện các dịch vụ y tế, vì thế người dân muốn sử dụng những dịch vụ y tế đó phải lên các bệnh viện tuyến trên để được thụ hưởng.

Khi giá dịch vụ y tế đã được tính đúng, tính đủ và có cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế rõ ràng, thuận lợi, các bệnh viện tuyến dưới sẽ phát triển các kỹ thuật này.

Hiện nay, Bộ Y tế cũng đã triển khai các giải pháp như chuyển giao đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới và đặc biệt là triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh cho 47 bệnh viện của các tỉnh.

Việc chuyển giao các kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh ở tuyến dưới, người dân địa phương sẽ được thụ hưởng những dịch vụ đó ngay tại địa phương không phải lên những bệnh viện tuyến trên nhưng vẫn được Bảo hiểm y tế thanh toán đầy đủ. Một điểm nữa, khi giá dịch vụ y tế tính đủ tiền lương, bắt buộc bệnh viện phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để thu hút người bệnh đến...

Hơn nữa, khi giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ sẽ không còn tình trạng một bệnh viện hai loại giá (giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và giá khám chữa bệnh dịch vụ) như hiện nay. Đặc biệt, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tới đây sẽ không ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách, bởi khi các đối tượng này đi khám chữa bệnh đã được bảo hiểm chi trả 100% chi phí...

Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế cho biết thêm: Theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ cùng với các Cục, vụ chức năng của Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo trong hệ thống khám chữa bệnh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong toàn hệ thống; ưu tiên đổi mới về nhận thức, tư duy, tư tưởng trong toàn hệ thống, lấy việc phục vụ cho người bệnh làm trung tâm, chất lượng và sự hài lòng của người bệnh làm thước đo để đánh giá thương hiệu của mỗi bệnh viện.

Do vậy, các bệnh viện phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế đã ban hành qua các văn bản và bộ tiêu chí đánh giá chất lượng của bệnh viện gồm 83 tiểu mục và hơn 1.000 chi tiết; đồng thời, những cán bộ, công nhân viên chức của bệnh viện phải thực hiện đúng chức trách của mình.

Đại diện Bộ Y tế cũng khẳng định, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ được gắn với lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Sau 2 năm bắt đầu điều chỉnh giá dịch vụ y tế, mặc dù hầu hết các địa phương mới chỉ điều chỉnh ở mức 60% đến 80% của 3 yếu tố nhưng đã mang lại những hiệu quả nhất định, quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được nâng lên.

Các bệnh viện sử dụng 15% tiền khám bệnh, ngày giường để mua thêm giường, ghế, cải tạo, sửa chữa phòng khám khang trang hơn, do đó các buồng bệnh đã có sự thay đổi, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục