Cách trung tâm thành phố Huế chỉ khoảng 15km, ngoài nổi tiếng bởi vẻ đẹp bí ẩn, Rú Chá còn được biết đến là khu rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm duy nhất còn tồn tại trong hệ đầm phá lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á - phá Tam Giang.
Rừng ngập mặn Rú Chá ở Huế có tổng diện tích khoảng 5ha. Địa danh này hấp dẫn du khách ngay từ cái tên hoang sơ, đầy bí ẩn và ma mị của nó. Theo người dân giải thích, từ “Rú” có nghĩa là rừng rú còn “Chá” là loại cây đặc trưng nhất tại đây, chiếm đến hơn 90% diện tích.
Khu rừng này ban đầu có diện tích gần 3,9ha, chủ yếu là cây chá gốc to lớn, bám chặt vào đất. Sau này, rừng được trồng mở rộng diện tích thêm hơn 18ha, tập trung trồng các loài đước, sú, vẹt, bần chua.
Nét đẹp ma mị, huyền bí của Rú Chá đến từ hàng ngàn cây chá nằm san sát nhau với các bộ rễ lớn bám chặt vào lòng đất. Hơn 90% không gian rừng được các cây chá khẳng khiu mọc đan xen bao phủ, tạo thành một vòng cung phía trên bao chùm lấy con đường xuyên qua rừng.
Rừng Rú Chá không đa dạng về thành phần loài nhưng có vai trò, giá trị rất quan trọng đối với hệ sinh thái đất ngập nước. Khu rừng nguyên sinh quý hiếm này còn là “bức tường xanh” giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bảo vệ đê điều và tăng khả năng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Phong cảnh và vẻ đẹp nguyên sơ của Rú Chá thu hút rất đông du khách đến tham quan. Đến đây, thuê một chiếc thuyền nan nhỏ, chèo thuyền len lỏi trong rừng, tự mình khám phá khu rừng nguyên sinh ngập tràn tiếng hót của chim muông quý hiếm hoặc đi dạo trên những con đường bêtông uốn lượn xuyên qua khu rừng, được bao bọc xung quanh bởi những bộ rễ chá với hình thù lạ mắt bạn sẽ có được những trải nghiệm vô cùng thú vị.
Men theo con đường xuyên qua rừng, bạn sẽ cảm nhận được bức tranh rừng ngập mặn Rú Chá hiện lên vô cùng chân thật và sinh động. Nhất là vào ban ngày, những tia sáng lấp lánh tô điểm màu sắc cho rừng bằng những vệt nắng li ti chiếu xuyên qua kẽ lá chiếu thẳng xuống mặt đất.
Rú Chá đẹp nhất là vào mùa Thu hằng năm, lúc này cả khu rừng ngập mặn chuyển sang sắc vàng và đỏ, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp và thời tiết cũng trở nên dễ chịu. Nếu muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp toàn cảnh của Rừng Rú Chá vào thu, bạn có thể đến với đài quan sát để ngắm nhìn và tận hưởng.
Tuy nhiên, du khách cần lưu ý thời điểm này cố đô Huế thường xuyên có những cơn mưa chiều, nên buổi sáng sẽ là chọn lựa lý tưởng nhất để đến đây "sống ảo."
Nhiều người đến Rú Chá với những mục đích khác nhau như chụp ảnh, du lịch khám phá, các đoàn học sinh, sinh viên đến đây để thực địa nghiên cứu thế giới nguyên sinh. Nhiều du khách lại chọn Rú Chá làm nơi giải tỏa những căng thẳng và bộn bề của cuộc sống. Chỉ cần hít căng tràn lồng ngực không khí mát lành dịu nhẹ, thu hết vào tầm mắt một màu xanh trải dài quyến rũ, thì những mệt mỏi lo toan của guồng quay cuộc sống bỗng chốc bay biến.
Năm 2020, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phê duyệt Đề án phát triển rừng ngập mặn tại xã Hương Phong với nhiệm vụ bảo vệ nghiêm ngặt 21,9ha rừng hiện có, bảo vệ đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập mặn, đặc biệt là Rú Chá.
Mục đích của Đề án là xác định diện tích có khả năng trồng cây ngập mặn theo các phương thức khác nhau; xác định cơ cấu bố trí loài cây, phương thức trồng hợp lý cho từng khu vực; trồng mới 232,84ha rừng ngập mặn nhằm nâng cao khả năng phòng hộ, bảo vệ môi trường, tạo điều kiện để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái.
Một nhiệm vụ quan trọng khác của Đề án là xây dựng khu vườn thực vật ngập mặn với khoảng 30 loài chủ yếu, đặc trưng của cả 3 miền Bắc-Trung-Nam, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nghiên cứu khoa học, giáo dục-đào tạo về thực vật, hệ sinh thái rừng ngập mặn cho học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu.
Rú Chá như nổi tiếng hơn khi năm 2021, tác phẩm "Đánh cá ở rừng ngập mặn" của nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung giành giải nhất ở hạng mục Con người tại cuộc thi ảnh danh giá Drone Photo Awards 2021.
Bức ảnh "Đánh cá ở rừng ngập mặn" được nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung chụp vào mùa đông tại rừng Rú Chá bao quanh phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Với góc chụp thẳng từ trên cao cho thấy hình ảnh của những cây chá trắng rụng hết lá, thân cành đan xen chằng chịt vào nhau trên mặt nước rất ấn tượng. Tác giả đã làm nổi bật hình ảnh người chèo thuyền đánh cá làm trung tâm với độ ánh sáng hài hòa đã tạo bố cục thật tinh tế./.
Rừng ngập mặn - nguồn carbon xanh, góp phần giảm khí thải nhà kính
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rừng ngập mặn của Việt Nam phân bố chủ yếu ở địa bàn 28 tỉnh, thành phố ven biển; trong đó, khu vực Nam Bộ, Đông Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ chiếm 97%.