Đây là câu hỏi được rất nhiều nhà nghiên cứu, quản lý và các nghệ sỹ sân khấu đặt ra, thảo luận trong buổi tọa đàm “Kịch hình thể đương đại: Thực trạng và phát triển” được tổ chức sáng nay, 7/12, tại Nhà hát Tuổi Trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội).
Cần cả tài và tiền
Khác với kịch nói lấy lời thoại là chủ yếu, kịch hình thể đẩy lời thoại xuống hàng thứ yếu, thay bằng lấy ngôn ngữ hình thể làm trung tâm hàng đầu và làm phương tiện số một biểu hiện xung đột trên sân khấu.
Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, kịch hình thể đã trở thành một thực thể tồn tại song song với những loại hình nghệ thuật biểu diễn khác ở Việt Nam. Với việc coi ngôn ngữ cơ thể làm phương tiện chủ đạo trong diễn xuất, nó đã mang đến một làn gió mới đối với công chúng, đặc biệt là trong bối cảnh đìu hiu của sân khấu kịch phía Bắc nhiều năm trở lại đây.
Tuy nhiên, việc đầu tư cho loại hình nghệ thuật này còn rất khiêm tốn. Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết: “Ở Nhà hát Tuổi Trẻ, Đoàn kịch hình thể là đơn vị chịu nhiều thiệt thòi nhất, được cấp kinh phí ít nhất.”
Theo ông Nhuận, mỗi năm Nhà hát Tuổi trẻ được nhà nước cấp kinh phí 1 tỷ đồng, phân đều cho các đoàn để đầu tư hai vở diễn mới (300 triệu đồng/vở) và nâng cấp hai vở diễn cũ (200 triệu đồng/vở). “Năm 2012, đầu tư cho hai đoàn xây dựng hai vở mới để tham gia Liên hoan Sân khấu toàn quốc là vừa hết. Đến lượt đoàn kịch hình thể thì không còn tiền để dựng vở mới,” ông Nhuận nói.
Phát biểu tại tọa đàm, nhà nghiên cứu Phạm Duy Khuê nói: “Kịch hình thể có đầy đủ những đặc trưng của nghệ thuật sân khấu nhưng lại chưa được đầu tư đúng mức. Qua 10 năm, chúng ta dựng được 10 vở diễn. Đó đều là sự mày mò, tìm tòi của các nghệ sỹ Việt Nam. Chưa có chuyên gia nào đến Việt Nam giảng dạy và cũng chưa có nghệ sỹ, diễn viên nào được ra nước ngoài học một cách bài bản về loại hình nghệ thuật này.”
Trao đổi về vấn đề này, Nghệ sỹ nhân dân Lan Hương, cho biết ở Việt Nam chưa có trường lớp đào tạo bài bản về kịch hình thể, các nghệ sỹ diễn viên của đoàn kịch hình thể phần lớn xuất thân là các nghệ sỹ múa, nghệ sỹ kịch câm,… Việc đào tạo chủ yếu theo hình thức tự đào tạo.
“Tất cả việc đào tạo diễn viên đều trong khuôn khổ của nhà hát Tuổi Trẻ, cộng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội Nghệ sỹ Sân khấu,” Nghệ sỹ nhân dân Lan Hương chia sẻ. Trong khi đó, để đi vào con đường chuyên nghiệp, một diễn viên cần có sự hiểu biết nhiều lĩnh vực như xiếc, múa, ballet,…
Cũng bởi vậy, ở chặng đường đầu, sân khấu kịch hình thể Việt Nam còn nhiều hạn chế. Theo Nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu: “Những vở đã dựng vẫn đang dừng ở mức minh họa nhiều động tác cơ thể, chưa vươn tới được nghệ thuật, ngôn ngữ hình thể thực sự. Chúng ta chưa có được trích đoạn nào thực sự đi vào lòng người sâu sắc, để khi nói đến, khán giả sẽ nhớ ngay như trường hợp ‘Thị Màu lên chùa’ chẳng hạn.”
Bài toán khán giả
Cũng như các loại hình sân khấu khác, kịch hình thể đang phải đối mặt với vấn đề khủng hoảng khán giả. Đây là thực trạng chung của sân khấu hiện nay. Đại diện nhà hát Tuổi trẻ cho biết: “Có khi, một đêm diễn chỉ bán được khoảng 20-30 vé. Thậm chí có phát vé mời, người ta cũng không muốn đến. Công chúng không còn mặn mà với kịch!”
“Với một loại hình nghệ thuật mà tuổi đời còn non trẻ như kịch hình thể, nếu chúng ta không có những nỗ lực để đưa nó đến gần khán giả hơn, giới thiệu cho công chúng biết, hiểu thì chúng ra sẽ còn tiếp tục mất khán giả. Rất nhiều người đã nói, họ xem một lần rồi không muốn xem tiếp vì không hiểu gì cả,” Nghệ sỹ nhân dân Phạm Thị Thành phát biểu tại tọa đàm.
Theo bà, các nghệ sỹ đừng bó hẹp các vở diễn trên sân khấu mà hãy mang chúng đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ bằng việc công diễn tại các trường học, các hội trường tập thể,… Bởi “địa điểm diễn rất cần chú ý. Vở diễn muốn tồn tại thì phải gắn với khán giả. Vở được dựng lên thì phải diễn, chứ đừng cất vào kho. Hơn nữa, các nghệ sỹ kịch hình thể chưa chú ý đúng mức tới đối tượng khán giả là trẻ em. Đây là một thiếu sót,” nghệ sỹ nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với nghệ sỹ Phạm Thị Thành, Phó giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng: Sân khấu nói chung và kịch hình thể nói riêng phải đặt vấn đề thỏa mãn được công chúng.
“Nếu người ta chưa tự nguyện đến xem thì trước hết hãy mang đến cho họ xem. Phải quảng bá thì khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ mới hiểu được, các nghệ sỹ đã khai thác những gì từ các loại hình nghệ thuật truyền thống để Việt Nam hóa loại hình kịch hình thể,” bà Thái phân tích.
Là một trong những người có công đầu trong việc đưa kịch hình thể vào Việt Nam, Nghệ sỹ nhân dân Lan Hương chia sẻ: "Chúng tôi vẫn nỗ lực hướng đến việc đưa loại hình biểu diễn hình thể nói riêng và kịch thể nghiệm nói chung đến được với giới trẻ. Bởi đây là lứa tuổi cần được thưởng thức những gì bay bổng nhất, khơi gợi trí tưởng tượng nhiều nhất."/.