Sản lượng vụ Đông Xuân các tỉnh phía Bắc ước đạt trên 7,2 triệu tấn

Năng suất lúa Đông Xuân toàn Bắc Bộ ước đạt 63,1 tạ/ha (giảm 0,3 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước), sản lượng đạt trên 7,2 triệu tấn (giảm 113.000 tấn so với cùng kỳ).
Sản lượng vụ Đông Xuân các tỉnh phía Bắc ước đạt trên 7,2 triệu tấn ảnh 1Nông dân thu hoạch lúa. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày 14/5, tại Thái Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân 2018-2019, triển khai kế hoạch vụ Hè Thu, vụ Mùa và định hướng vụ Đông 2019 các tỉnh phía Bắc với sự tham dự của đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 31 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá lại sản xuất, chia sẻ những kinh nghiệm, bài học thực tế của các địa phương trong điều hành, chỉ đạo sản xuất và đưa ra những cảnh báo, dự báo, định hướng trong sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa và vụ Đông sắp tới.

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, tổng diện tích gieo cấy lúa Đông Xuân 2018-2019 các tỉnh miền Bắc ước đạt trên 1,1 triệu ha, giảm khoảng 12.000ha so với cùng kỳ năm trước do chuyển đổi sang các loại cây rau màu và mục đích phi nông nghiệp.

Năng suất lúa toàn vùng ước đạt 63,1 tạ/ha (giảm 0,3 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước), sản lượng đạt trên 7,2 triệu tấn (giảm 113.000 tấn so với cùng kỳ). Trong số đó, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt năng suất trung bình 65,3 tạ/ha; Bắc Trung bộ đạt năng suất 63,2 tạ/ha; trung du miền núi phía Bắc đạt năng suất 58,2 tạ/ha. Về sản xuất rau màu vụ Xuân 2019, tính đến tháng 5/2019 tổng diện tích gieo trồng toàn vùng đạt 590.000ha.

[Ngân hàng dành gần 100.000 tỷ đồng cho mua tạm trữ lúa gạo Đông-Xuân]

Mặc dù đánh giá sản xuất vụ Đông Xuân có dấu hiệu khả quan song Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương tiếp tục sát sao, chủ động theo dõi, chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân cuối vụ, đặc biệt là chỉ đạo nông dân các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh.

Các địa phương cần huy động tối đa lực lượng, máy móc, nhân lực thu hoạch diện tích lúa đã chín theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng,” thu hoạch đến đâu làm đất đến đó, triển khai gieo cấy lúa Hè Thu, lúa Mùa theo lịch thời vụ và tạo quỹ đất cho sản xuất cây vụ Đông ưa ấm.

Ông Nguyễn Như Cường, quyền Cục trưởng Cục trồng trọt cho biết vụ lúa Đông Xuân là vụ quan trọng nhất trong sản xuất lúa hai vụ ở các tỉnh phía Bắc. Đặc điểm của vụ Đông Xuân 2018-2019 là vụ Đông Xuân ấm, nền nhiệt độ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm, tiềm ẩn nhiều bất lợi cho sản xuất lúa. Tuy nhiên, đến thời điểm này các địa phương đã ứng phó kịp thời với tình hình thời tiết, sâu bệnh và bảo đảm năng suất lúa gieo cấy.

Đáng lưu ý, vụ Đông Xuân 2018-2019 thu hoạch sớm hơn mọi năm từ 7-10 ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương có thời gian vệ sinh đồng ruộng, làm đất chuẩn bị cho gieo cấy vụ Hè Thu, vụ Mùa.

Về kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa 2019, các tỉnh khu vực phía Bắc phấn đấu gieo cấy trên 1,2 triệu ha lúa, năng suất trung bình dự kiến đạt 50,6 tạ/ha, sản lượng ước đạt 6,33 triệu tấn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các địa phương tăng cường sử dụng giống lúa cực ngắn và ngắn ngày với cơ cấu từ 3-4 giống lúa chủ lực và 3-4 giống lúa bổ sung có năng suất cao, chất lượng, chống chịu với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh không thuận lợi, đảm bảo sản xuất hiệu quả.

Về sản xuất vụ Đông 2019, các tỉnh phía Bắc phát triển theo hướng nâng cao giá trị với khoảng 412.000 ha diện tích sẽ gieo trồng, tập trung vào các loại cây chủ lực như ngô, khoai lang, đậu tương, lạc, khoai tây và một số loại rau khác. Vụ này các tỉnh phấn đấu đạt tổng giá trị sản xuất 22.000-25.000 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.