Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 2/4, Liên đoàn giới chủ công nghiệp Italy - Confindustria ước tính hoạt động sản xuất công nghiệp của nước này đã giảm 16,6% trong tháng Ba vừa qua và giảm 5,4% trong quý 1 năm nay, quý suy giảm nghiêm trọng nhất trong 11 năm qua, sau giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Confindustria cho rằng dưới tác động “tàn phá” của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nếu Cơ quan thống kê Italy xác nhận hoạt động sản xuất công nghiệp của nước này sụt giảm 16,6% trong tháng Ba vừa qua, đây cũng sẽ là sự sụt giảm hàng tháng lớn nhất trong lịch sử sản xuất công nghiệp của nước này kể từ năm 1960.
Đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế Italy. Sau khi Chính phủ nước này thông qua các biện pháp nghiêm ngặt nhằm hạn chế tối đa hoạt động đi lại của người dân kể từ ngày 23/3 vừa qua, 57% hoạt động sản xuất công nghiệp đã tạm ngừng, 43% số doanh nghiệp thiết yếu (gồm doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và dược phẩm) tiếp tục duy trì hoạt động nhưng với tốc độ chậm.
[Kinh tế Italy có thể mất khoảng 100 tỷ euro mỗi tháng do dịch bệnh]
Triển vọng trong những tháng tiếp theo sẽ không mấy khả quan, với hoạt động sản xuất công nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục giảm 12,5%. Do đó, giới chuyên gia kinh tế khuyến cáo chính phủ cần tránh sự chậm trễ trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ các công ty và người lao động để không làm trầm trọng thêm triển vọng vốn đang rất xấu.
Cùng ngày, trả lời kênh truyền hình La Sexta của Tây Ban Nha, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết, hiện chưa thể khẳng định được thời điểm kết thúc tình trạng khẩn cấp, nhưng Chính phủ đã lên kế hoạch cho giai đoạn quản lý khẩn cấp mới với việc nới lỏng một số biện pháp và học cách sống chung với virus SARS-CoV-2.
Thủ tướng Conte nêu rõ, khủng hoảng đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc để Italy xây dựng lại kết cấu kinh tế, xã hội và khôi phục nền kinh tế./