Italy: Tăng sử dụng Quỹ cứu trợ Eurozone ứng phó với dịch COVID-19

Theo Thứ trưởng Kinh tế Italy Antonio Misiani, điều kiện duy nhất có thể chấp nhận được là quỹ cứu trợ này được sử dụng nhằm ứng phó những tình huống khẩn cấp về y tế và kinh tế.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Lombardy, Italy ngày 17/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Lombardy, Italy ngày 17/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thứ trưởng Kinh tế Italy Antonio Misiani ngày 24/3 cho biết nước này tin tưởng rằng quỹ cứu trợ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - có tên là Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) cần được sử dụng mà không có những hạn chế trong khối này để ứng phó với tác động kinh tế của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo ông Antonio Misiani, Italy hiện là “ổ dịch COVID-19” lớn nhất châu Âu và quỹ cứu trợ cần được sử dụng mà không có điều kiện kèm theo để ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế này - điều có thể dẫn tới sự bất đồng quan điểm với các nước thành viên khác của Eurozone cũng như một số nghị sỹ ở Italy.

Theo kế hoạch, Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone nhóm họp trong ngày 24/3 (giờ địa phương) để thảo luận về các đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) liên quan tới việc sử dụng quỹ cứu trợ trên, có giá trị lên tới 410 tỷ euro (khoảng444 tỷ USD), để giảm bớt các ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19.

[Các nước EU lần đầu tiên được tự do chi tiêu chống dịch COVID-19]

Theo ông Misiani, điều kiện duy nhất có thể chấp nhận được là quỹ cứu trợ này được sử dụng nhằm ứng phó những tình huống khẩn cấp về y tế và kinh tế.

Nhằm ngăn chặn sự bất ổn tài chính do dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới nền kinh tế Eurozone, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuần trước đã khởi động một chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 750 tỷ euro và sẵn sàng tiếp tục hành động nếu cần thiết.

Theo số liệu thống kê, số ca tử vong do dịch COVID-19 ở Italy đã lên tới hơn 63.900 người (tính đến tối 24/3).

Bộ Tài chính Italy dự báo nền kinh tế nước này sẽ giảm ít nhất 3% trong năm 2020 do chính phủ áp dụng lệnh phong tỏa trong nước để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.