Sau đánh giá lại, quy mô GDP 2010-2017 tăng bình quân 25,4% mỗi năm

Quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%/năm giai đoạn 2010-2017, tương ứng tăng 935 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó, năm 2011 có tỷ lệ tăng cao nhất với 27,3%.
Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: TTXVN)
Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại họp báo Công bố số liệu đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017 được Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 13/12, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, việc đánh giá lại quy mô GDP vào thời điểm này theo đúng thông lệ quốc tế và có ý nghĩa quan trọng, làm căn cứ đưa ra những định hướng đúng đắn cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 2021-2025.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%/năm giai đoạn 2010-2017, tương ứng tăng 935 nghìn tỷ đồng/năm; trong đó, năm 2011 có tỷ lệ tăng cao nhất với 27,3% và năm 2015 có tỷ lệ tăng thấp nhất là 23,8%.

Năm 2017, quy mô GDP sau khi đánh giá lại đạt 6,294 triệu tỷ đồng (con số đã công bố trước đây là 5,006 triệu tỷ đồng).

Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết thêm, tốc độ tăng GDP hàng năm trong giai đoạn 2011-2017 tăng nhẹ, phù hợp với xu hướng tăng trưởng công bố hàng năm, mỗi năm tăng từ 0,13-0,48 điểm phần trăm. Theo đó, năm 2016 tăng cao nhất với 0,48 điểm phần trăm. Tốc độ tăng GDP các năm giai đoạn 2011-2017 lần lượt là 6,41%; 5,50%; 5,55%; 6,42%; 6,99%; 6,69%; 6,94%.

Theo ông, GDP bình quân đầu người đánh giá lại trong giai đoạn 2010-2017 tăng bình quân khoảng 25,6% mỗi năm so với con số đã công bố, tương ứng với mức tăng 10,3 triệu đồng/người; ứng với 485,2 USD/người theo tỷ giá hối đoái và ứng với 1.421,1 USD-PPP/người theo sức mua tương đương.

Tính theo đồng nội tệ, trong giai đoạn 2010-2017, theo dãy số đánh giá lại GDP bình quân đầu người mỗi năm tăng bình quân khoảng 5 triệu đồng/người. Năm 2017, GDP bình quân đầu người đánh giá lại đạt 66,8 triệu đồng/người, gấp 2,1 lần năm 2010 và tăng 13,7 triệu đồng/người so với con số đã công bố.

Tính theo USD, trong giai đoạn 2010-2017, GDP bình quân đầu người đánh giá lại mỗi năm tăng bình quân 185 USD/người. Năm 2017, GDP bình quân đầu người đánh giá lại đạt 2.985 USD/người, gấp 1,8 lần năm 2010 và tăng 611 USD/người so với con số đã công bố.

Tính theo sức mua tương đương (PPP), trong giai đoạn 2010-2017, GDP bình quân đầu người đánh giá lại mỗi năm tăng bình quân 399 USD-PPP/người. Năm 2017, GDP bình quân đầu người đánh giá lại đạt 8.655 USD-PPP/người, gấp 1,5 lần năm 2010 và tăng 1.771 USD-PPP/người so với con số đã công bố.

[Đánh giá lại quy mô GDP: Bức tranh kinh tế được nhận diện rõ nét hơn]

Ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận định, nền kinh tế Việt Nam trong thập kỷ qua đạt được tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế thay đổi đáng kể…

Theo đó, vai trò của FDI và công nghệ thông tin đã tạo ra tiềm năng lớn đối với doanh nghiệp trong nước. Do đó, Việt Nam rà soát, đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế là cần thiết.

Liên hợp quốc ghi nhận những nỗ lực của Tổng cục Thống kê trong việc đánh giá điều chỉnh quy mô GDP. Tổng cục Thống kê đã cập nhật được những thông tin mới và tuân thủ theo đúng phương pháp, thông lệ quốc tế nhằm phản ánh sát thực hơn quy mô GDP.

“Việc điều chỉnh quy mô GDP năm gốc cần được cập nhật thường xuyên sẽ giúp Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đề ra các chính sách, giải pháp phát triển đất nước. Đồng thời, giúp doanh nghiệp hoạch định được hoạt động kinh doanh của mình,”  ông Kamal Malhotra nhấn mạnh.

Ông Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cao cấp Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, nguồn thông tin thống kê dùng để biên soạn chỉ tiêu GDP của Việt Nam ngày càng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu tốt hơn, nhưng vẫn chưa đầy đủ để đánh giá sát thực quy mô của nền kinh tế.

“Việt Nam cần liên tục cập nhật và điều chỉnh số liệu GDP cho phù hợp với giai đoạn hiện nay, đặc biệt việc sử dụng số liệu thống kê trong bối cảnh thông tin nhiều mà sự hiểu đúng lại ít. Do đó, việc đảm bảo sự nhất quán số liệu là vô cùng cần thiết. Tổng cục Thống kê cần điều tra, tính toán để cho những con số, thước đo phù hợp…”, ông Jonathan Pincus nhấn mạnh.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, về khu vực kinh tế, giá trị tăng thêm theo giá hiện hành của cả 3 khu vực đều tăng sau khi đánh giá lại; trong đó, quy mô khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ tăng khá lớn.

Cụ thể, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sau khi đánh giá lại trong giai đoạn 2010-2017 tăng thêm từ 25 nghìn tỷ đồng đến 46 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương ứng mức tăng từ 5,4-6,2% so với con số đã công bố. Năm 2017, giá trị tăng thêm đánh giá lại của khu vực này đạt 814 nghìn tỷ đồng (con số đã công bố là 768 nghìn tỷ đồng).

Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng sau khi đánh giá lại trong giai đoạn 2010-2017 tăng thêm từ 211 nghìn tỷ đồng đến 555 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương ứng mức tăng từ 27,6-36,6% so với con số đã công bố. Năm 2017, giá trị tăng thêm đánh giá lại của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 2.227 nghìn tỷ đồng (con số đã công bố là 1.672 nghìn tỷ đồng).

Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ sau khi đánh giá lại giai đoạn 2010-2017 tăng thêm từ 316 nghìn tỷ đồng đến 615 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương ứng mức tăng từ 29,8-39,6% so với con số đã công bố. Năm 2017, giá trị tăng thêm đánh giá lại của khu vực dịch vụ đạt 2.680 nghìn tỷ đồng (con số đã công bố là 2.065 nghìn tỷ đồng).

“Tốc độ tăng trưởng GDP đánh giá lại phù hợp với xu hướng tăng đã được phản ánh từ kết quả điều tra mẫu hàng năm. Như vậy, tốc độ tăng trưởng GDP đánh giá lại của giai đoạn 2010-2017 có thay đổi, nhưng không biến động lớn so với con số đã công bố”, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm bày tỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.