Trong sáu kỷ lục gia Việt Nam đầu tiên của được Đại học Kỷ lục thế giới vinh danh, đứng đầu là nghệ sỹ ưu tú Văn Lượng, kỷ lục gia châu Á về “Đạo diễn có nhiều phim truyền hình về đất nước, con người miền biển đảo."
Kế đến là các ông: Võ sư Phạm Đình Phong, người đầu tiên viết Lịch sử võ học Việt Nam; Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo – Người Việt Nam đầu tiên đoạt nhiều giải thưởng nhất của các tổ chức sáng tạo khoa học công nghệ trên thế giới;
Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, với công trình dịch thuật, hiệu đính và chú giải sách chữ Hán cổ lớn nhất do một người thực hiện.
Nhà soạn nhạc Lê Văn Tuấn, kỷ lục gia của Việt Nam với cuốn sách Giọt nước mắt cho đại dương và âm nhạc Cror.
Ông Võ Văn Tường, với danh hiệu “Người chụp ảnh, viết sách và triển lãm hình ảnh chùa Việt Nam nhiều nhất."
Năm tiến sỹ danh dự của Ấn Độ được trao danh hiệu trong đợt này là các ông: Deepak Tewari, Jayyesh Hinglajiya, Narinder Singh, Sharad Gandhi và bác sỹ Parth Sarthi Sharma.
Trong đợt đầu tiên này, danh hiệu “Tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục của Đại học Kỷ lục thế giới” được trao cho quyển độc bản “Thi Vân Yên Tử” do Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử sở hữu.
Đại học Kỷ lục thế giới là một trường đại học được thành lập với sự kết hợp các sách kỷ lục của các quốc gia trên thế giới và liên kết với sách kỷ lục Guinness, Sách Kỷ lục thế giới Limca…
Khác với Sách Kỷ lục thế giới chuyên đi tìm những kỷ lục phi thường thiên về số lượng, kích cỡ hay những chuyện lạ, Đại học Kỷ lục hướng đến việc xác lập những giá trị tinh thần mang tính nội dung cao nhằm quảng bá và nâng tầm các giá trị hiện hữu trong đời sống con người.
Từ tháng 5/2013, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trở thành đại diện chính thức của Đại học Kỷ lục thế giới tại Việt Nam.
Đây là cơ quan duy nhất tại Việt Nam thẩm định và đánh giá sơ bộ các tư liệu nội dung trước khi chính thức đề cử các Tiến sĩ danh dự và tôn vinh giá trị nội dung Đại học Kỷ lục thế giới cho các kỷ lục gia ở Việt Nam./.