Siết chặt quản lý đối với các loại thực phẩm nhập khẩu

Tết Nguyên đán đang đến gần, đây cũng là dịp mà nhu cầu về lương thực, thực phẩm phục vụ Tết và những tháng lễ hội tăng cao.
Nhu cầu về nhiều loại thực phẩm tăng cao trong dịp Tết. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Tết Nguyên đán đang đến gần, đây cũng là dịp mà nhu cầu về lương thực, thực phẩm phục vụ Tết tăng cao.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các đơn vị có liên quan cần đẩy mạnh việc quản lý an toàn thực phẩm đối với các loại thực phẩm được nhập khẩu theo đường tiểu ngạch kết hợp với việc phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại các loại thực phẩm này.

[Bộ Y tế thông tin về trường hợp điều trị ngộ độc rượu bằng bia]

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ở Trung ương và chính quyền các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, cơ quan và các cấp chính quyền tập trung chỉ đạo bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội Xuân Kỷ Hợi và cả năm 2019, trong đó lưu ý ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc rượu.

Các đơn vị trên tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp về kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, chế biến thực phẩm vừa bảo đảm an toàn thực phẩm vừa góp phần bảo vệ, cải thiện môi trường nông thôn. Tăng cường quản lý hoạt động giết mổ, kinh doanh thực phẩm tươi sống thông qua các giải pháp như gom dần lại, hạn chế các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và thực hiện nghiêm việc xử lý chất thải, nước thải bảo đảm yêu cầu về môi trường.

Số các trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra trong năm 2019. (Nguồn: Bộ Y tế)

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm an toàn thực phẩm thay thế Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 với các nội dung trọng tâm là hậu kiểm bảo đảm an toàn thực phẩm, phối hợp, sử dụng công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong quý 2 năm 2019.

Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cùng phối hợp, khẩn trương hoàn thành hệ thống thông tin an toàn thực phẩm, tạo công cụ hữu hiệu cho công tác quản lý và giám sát của cộng đồng, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm của các doanh nghiệp.

Ủy ban nhân dân các tỉnh tiếp tục tăng cường năng lực cho các cơ quan chức năng, đảm bảo phương tiện, kinh phí, nhân lực quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 30/11/2018, toàn quốc ghi nhận 97 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 3.340 người bị ngộ độc, 2.944 người phải nhập viện và 16 trường hợp tử vong./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục