Singapore: TPP sẽ làm thay đổi khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Ngay sau khi Hiệp định TPP hoàn tất, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đánh giá đây là thời khắc lịch sử và ông "rất hài lòng" khi thỏa thuận về TPP đã đạt được sau hơn 5 năm đàm phán.
Singapore: TPP sẽ làm thay đổi khu vực châu Á-Thái Bình Dương ảnh 1Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. (Nguồn: AFP)

Ngay sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa hoàn tất đàm phán tại Mỹ, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đánh giá đây là thời khắc lịch sử và ông "rất hài lòng" khi thỏa thuận về TPP đã đạt được sau hơn 5 năm đàm phán.

Chia s​ẻ trên trang Facebook cá nhân vào sáng 6/10, người đứng đầu Chính phủ Singapore cho rằng việc tham gia TPP giúp nước này có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu tại 12 nền kinh tế lớn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và các nhà đầu tư sẽ có một “sân chơi” rộng với mức độ mở cửa nhiều hơn.

Không những thế, TPP còn được “thiết kế” toàn diện hơn nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tận dụng đầy đủ lợi ích của nó.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) Lim Hng Kiang cho biết TPP sẽ làm thay đổi khu vực này bằng cách giảm đáng kể hàng rào thuế quan và phi thuế quan cho cả hàng hóa và dịch vụ, khuyến khích đầu tư lớn hơn cũng như giải quyết các thách thức thương mại mới trong nền kinh tế hiện đại.

Bên cạnh đó, TPP cũng cập nhật các quy tắc thương mại mới vốn được mô tả là "mạnh mẽ và cân bằng" để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh cũng như quản trị hiệu quả, khuyến khích đổi mới và phát triển nền kinh tế kỹ thuật số.

Theo ông Lim Hng Kiang, điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn và cho phép các công ty Singapore mở rộng hợp tác trong khu vực một cách dễ dàng và tự tin hơn, đặc biệt là vào một số nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ và Nhật Bản.

TPP cũng sẽ giúp mở các thị trường mới như Canada và Mexico bởi hiện tại Singapore chưa có hiệp định thương mại tự do song phương với hai quốc gia này.

Giám đốc điều hành Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) Ho Meng Kit cho rằng TPP sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này vì các nước tham gia TPP là một thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp Singapore, với dân số 800 triệu người và có Tổng sản phẩm nội khối (GDP) lên tới khoảng 30.000 tỷ USD.

Ông Ho Meng Kit cho hay hiện tăng trưởng kinh tế của Singapore chưa phục hồi và vẫn dưới mức trước thời điểm khủng hoảng tài chính, một phần là do còn rất nhiều rào cản trong thương mại và đầu tư quốc tế.

Do vậy, cải cách cơ cấu cần được thực hiện bởi nhiều nền kinh tế và TPP là hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao sẽ đóng vai trò chất xúc tác quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Singapore trong thời gian tới.

Số liệu thống kê của MTI cho thấy trong năm 2013, các nước TPP chiếm 30% tổng thương mại hàng hóa của Singapore, trị giá khoảng 230 tỷ USD và 30% đầu tư trực tiếp nước ngoài tại nước này, khoảng gần 185 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.