Số ca mắc COVID-19 tăng, Bình Dương đẩy mạnh hoạt động y tế tại cơ sở

Tính từ đợt dịch thứ 4, đến nay tỉnh Bình Dương ghi nhận 280.203 ca mắc COVID-19; hiện còn 11.855 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 2.770 ca nhập viện, có 9.085 F0 đang điều trị tại nhà.
Học sinh trường chuyên Hùng Vương, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, bắt đầu được tiêm vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: Văn Hướng/TTXVN)

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, ngày 27/11, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 716 ca mắc mới qua xét nghiệm RT-PCR và đã có đầy đủ các thông tin dịch tễ.

Số ca mắc toàn tỉnh tăng 1,3% so với ngày hôm trước đó.

Các địa phương có số ca mắc tăng là huyện Dầu Tiếng, thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An và huyện Bắc Tân Uyên. Các ca mắc tập trung nhiều nhất trong khu phong tỏa (64,8%) và qua sàng lọc cộng đồng (12,4%).

Theo đánh giá cấp độ dịch, toàn tỉnh có 22 xã, phường ở cấp độ 3; trong đó riêng tại thành phố Thủ Dầu Một có 12/14 phường là cấp độ 3.

[Bình Dương đề nghị công bố bổ sung 28.000 ca mắc COVID-19]

Tính từ đợt dịch thứ 4, đến nay tỉnh Bình Dương ghi nhận 280.203 ca mắc COVID-19. Hiện còn 11.855 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 2.770 ca nhập viện, có 9.085 F0 đang điều trị tại nhà.

Đáng quan tâm, hiện có 434 bệnh nhân đang điều trị ở tầng 3; trong đó 32 bệnh nhân thở oxy dòng cao HFNC, 168 bệnh nhân thở oxy qua mặt nạ và oxy mũi. Trong ngày, ghi nhận thêm 11 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số lên 2.676 người tử vong do COVID-19.

Trước tình hình các ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu tăng, Sở Y tế tỉnh Bình Dương yêu cầu Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố rà soát, cập nhật, công bố công khai cho người dân tiếp cận thông tin đường dây nóng của các trung tâm y tế, trạm y tế, đặc biệt là trạm y tế lưu động. Qua đó, giúp người dân được tiếp cận thông tin y tế nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ những F0 điều trị tại nhà, tránh chuyển nặng, tử vong.

Đến nay, tỉnh Bình Dương có 162 trạm y tế lưu động. Trong đó, 99 trạm ở xã, phường, 43 trạm trong khu công nghiệp và 20 tổ y tế lưu động của quân y.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết tới đây, ngành y tế tiếp tục xây dựng kế hoạch thành lập thêm nhiều trạm y tế lưu động mới kèm theo chế độ ưu đãi để thu hút nhân sự là y, bác sỹ đảm trách các trạm y tế này.

Theo kế hoạch, cứ 15.000 dân cần một trạm y tế lưu động để đáp ứng nhu cầu trong tình hình bình thường mới. Ngành y tế cũng đang lên kế hoạch lập đoàn giám sát hoạt động của các trạm y tế lưu động để kiện toàn tổ chức hiệu quả hơn; đồng thời đẩy mạnh hoạt động y tế tại cơ sở, gần người dân hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục