Số tiền các nông lâm trường quốc doanh nộp ngân sách là quá thấp

Đại biểu Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề trong 10 năm, các nông, lâm trường chỉ nộp được 1.809 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước là quá thấp, hiệu quả ít.
Số tiền các nông lâm trường quốc doanh nộp ngân sách là quá thấp ảnh 1Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 41, sáng 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Đoàn giám sát báo cáo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014."

Những bất cập, yếu kém đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích, đánh giá cụ thể và đề nghị cần thiết ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường, qua đó sớm khắc phục những bất cập, tồn tại, bảo đảm việc quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai tại các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng theo đúng các quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển và nhiều ý kiến khác trong Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát cần có những đánh giá thỏa đáng và khẳng định về vai trò quan trọng của các nông, lâm trường nói chung trong giai đoạn trước đây, đã góp phần làm thay đổi căn bản đời sống của bà con vùng miền núi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị trên cơ sở đánh giá toàn diện, báo cáo cần lựa chọn những mô hình tốt, đã triển khai thành công để có thể áp dụng rộng trong thực tế.

Đại biểu Phùng Quốc Hiển đề nghị Quốc hội cần dành lượng kinh phí thỏa đáng để xác định lại đất đai của nông lâm trường, đồng thời phải tổ chức lại mối quan hệ sản xuất đối với nông lâm trường. Chỉ khi nào giao đất, giao rừng gắn trách nhiệm thì mới thực hiện được các mục tiêu đã đề ra như phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tránh lãng phí đất đai, phát triển kinh tế-xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế-Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng báo cáo cần làm sâu sắc hơn những mặt còn yếu kém như về nhận thức, chỉ đạo chưa quyết liệt, khâu tổ chức thực hiện còn yếu, công tác thanh tra, giám sát chưa nghiêm, qua giám sát phải đánh giá được những vấn đề còn vướng mắc để từ đó có kiến nghị cụ thể.

Đoàn giám sát đã chỉ ra rằng trong giai đoạn 2004-2014, các nông, lâm trường hiện nay được nhà nước giao quản lý với diện tích đất đai khá lớn: 7.916.467ha (trong đó có 2.410.970ha rừng sản xuất; 638.985ha đất sản xuất nông nghiệp và 236.619ha đất chưa sử dụng), song sử dụng đất kém hiệu quả, giao khoán sử dụng sai mục đích, sai đối tượng khá nhiều dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai còn khá phổ biến.

Hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, năng suất, sản lượng trồng trọt đạt thấp, đóng góp nguồn thu cho xã hội và ngân sách nhà nước chưa tướng xứng với nguồn lực. Tổng nộp ngân sách nhà nước của các nông, lâm trường trong 10 năm, từ năm 2004-2014 chỉ được 1.809 tỷ đồng.

Đại biểu Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề trong 10 năm, các nông, lâm trường chỉ nộp được 1.809 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước là quá thấp, hiệu quả ít. Đại biểu đề nghị phải xem lại hiệu quả, nếu thấp như vậy có nên giữ nhiều đất đai như hiện nay hay không hay nên chuyển giao sang hình thức quản lý khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề xuất của Đoàn giám sát, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát việc  thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị nghiên cứu để đảm bảo tính khả thi trong một số nội dung của nghị quyết Nghị quyết.

Dự thảo Nghị quyết nêu: "Bố trí đủ kinh phí từ ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương trong hai năm 2015-2016 cho việc rà soát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp, trong đó cần quan tâm các địa phương có nhiều khó khăn, không tự đảm bảo cân đối thu chi ngân sách, để đến cuối năm 2015 cơ bản hoàn thành việc đo đạc, cắm mốc, xác định diện tích đất, trạng thái rừng trên bản đồ và ngoài thực địa."

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lo ngại điều này là khó khả thi vì thời gian còn rất ít. Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng chỉ ra rằng việc dự thảo Nghị quyết xác định "Đề ra giải pháp để đến hết năm 2015, xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, diện tích đang cho thuê, cho mượn tại các công ty nông, lâm nghiệp..." là quá khó, ít tính khả thi.

Trên cơ sở các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát sẽ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014" và dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.

Theo chương trình, chiều 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục