Sở Y tế TP.HCM phản hồi về thông tin ngừng tiêm vaccine Pfizer

Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai nhấn mạnh đến thời điểm này, Sở không có văn bản nào yêu cầu thu hồi lô vaccine Pfizer FK0112 hay tạm ngừng tiêm Pfizer.
Vaccine được tiêm cho thai phụ tại Bệnh viện Hùng Vương. (Ảnh: TTXVN phát)

Liên quan đến thông tin Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo khẩn ngưng tiêm vaccine Pfizer lô FK0112 trên địa bàn thành phố, tại cuộc họp báo định kỳ về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 do Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều 28/9, bác sỹ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định, Sở Y tế chưa có văn bản chính thức yêu cầu ngừng tiêm lô vaccine Pfizer này.

Trong quá trình triển khai tiêm chủng của các đơn vị y tế địa phương, nếu Sở Y tế nhận thấy các vấn đề cần chấn chỉnh thì đơn vị sẽ thông báo tạm ngưng, sau khi địa phương khắc phục xong thì cho tiêm trở lại.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nhấn mạnh đến thời điểm này, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh không có văn bản nào yêu cầu thu hồi lô vaccine Pfizer FK0112 hay tạm ngừng tiêm Pfizer.

Hiện tại, thành phố đã nhận được hơn 640.000 liều vaccine Pfizer từ Bộ Y tế và đã phân bổ đến các quận, huyện, phường, xã và vẫn tiếp tục triển khai tiêm chủng cho người dân.

[Phê duyệt kinh phí mua bổ sung gần 20 triệu liều vaccine Pfizer]

Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và triển khai tiêm các loại vaccine COVID-19 của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Vero Cell.

Trong đó vaccine Pfizer được Bộ Y tế cho phép tiêm trộn cho người đã tiêm mũi 1 là vaccine AstraZeneca và Moderna trong trường hợp nguồn cung khan hiếm và được sự đồng ý của người được tiêm. 

Vaccine Pfizer được bào chế dưới dạng hỗn hợp dịch đậm đặc pha tiêm, mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vaccine mRNA COVID-19 (được bọc trong các hạt nano lipid), sản xuất tại Pfizer Manufacturing Belgium NV, Bỉ và BioNTech Manufacturing GmbH, Đức.

Pfizer là vaccine COVID-19 đầu tiên được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng khẩn cấp có điều kiện từ ngày 12/6 và Việt Nam đã ký hợp đồng mua 51 triệu liều vaccine Pfizer trong năm 2021, trong đó có 20 triệu liều dành tiêm cho trẻ 12-18 tuổi.

Tại họp báo, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp thông tin về giá của bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh COVID-19 được Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng trong thời gian qua.

Theo bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Thời gian qua, thành phố nhận được nguồn cung bộ kit xét nghiệm nhanh rất dồi dào từ nhiều nhà tài trợ.

Đến nay, tổng số bộ kit xét nghiệm nhanh được tài trợ là 11,5 triệu bộ; sắp tới, thành phố sẽ nhận thêm khoảng 2 triệu bộ kit xét nghiệm nhanh nữa. Ngoài các nguồn tài trợ này, thành phố cũng chủ động mua sắm để nếu nguồn tài trợ chưa về kịp thì vẫn có nguồn sử dụng. 

Ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, giá mua sắm các bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 hoàn toàn theo danh mục của Bộ Y tế.

Cụ thể, giá test hiện nay được quy định tại “Danh sách các sinh phẩm/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2” đã được cấp số đăng ký, cấp phép nhập khẩu theo công văn 6929/BYT-TB-CT ngày 23/8/2021. Đến nay, Bộ Y tế đã 7 lần ban hành hướng dẫn các danh sách này.

Có rất nhiều loại kit xét nghiệm nhanh COVID-19, tùy theo tình hình thực tế và khả năng cung ứng mà Thành phố Hồ Chí Minh sẽ sử dụng các loại xét nghiệm nhanh khác nhau nhưng tất cả đều nằm trong danh mục được Bộ Y tế cho phép và được mua sắm, đấu thầu dựa theo hướng dẫn của Bộ Y tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục