Sở Y tế TP.HCM yêu cầu bệnh viện phải sẵn sàng tiếp nhận người bệnh

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu cổng cấp cứu của tất cả bệnh viện phải luôn mở 24/7 và đảm bảo trực cấp cứu theo đúng quy định; nhân viên trực cấp cứu luôn mang đầy đủ các phương tiện phòng hộ suốt ca trực.
Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận một bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhằm tránh tình trạng người bệnh không mắc COVID-19 không được cấp cứu, điều trị kịp thời, ngày 16/8, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn hỏa tốc yêu cầu tất cả các bệnh viện công lập và ngoài công lập; các bệnh viện thu dung, điều trị COVID-19 trên địa bàn; Trung tâm Cấp cứu 115 và các Trung tâm Y tế quận, huyện luôn đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận người bệnh cấp cứu cho dù là người mắc COVID-19 hay không.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu cổng cấp cứu của tất cả bệnh viện phải luôn mở 24/7 và đảm bảo trực cấp cứu theo đúng quy định của ngành; trong đó, nhân viên trực cấp cứu luôn mang đầy đủ các phương tiện phòng hộ trong suốt ca trực.

Bệnh viện không được yêu cầu người bệnh phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính hay dương tính mới tiếp nhận.

Đối với các bệnh viện chuyển đổi công năng một phần theo mô hình bệnh viện tách đôi phải có buồng cấp cứu sàng lọc COVID-19, nếu xác định là người mắc COVID-19 thì chuyển sang khu cách ly điều trị COVID-19 của bệnh viện; trường hợp không mắc COVID-19 thì chuyển sang khu điều trị dành cho người bệnh không mắc COVID-19.

Đối với các bệnh viện chuyển đổi công năng hoàn toàn thành bệnh viện điều trị COVID-19, trong trường hợp bệnh nhân tự đến hoặc do xe cấp cứu chuyển đến không phải là người mắc COVID-19 hoặc chưa xác định mắc COVID-19, bệnh viện phải bố trí một buồng cấp cứu sàng lọc riêng biệt dành cho người bệnh, đảm bảo đầy đủ các thuốc, phương tiện và dụng cụ cấp cứu cơ bản.

Sau cấp cứu, tình hình bệnh nhân ổn định thì liên hệ và chuyển người bệnh đến các bệnh viện có điều trị cho người không mắc COVID-19.

Trong trường hợp người bệnh tự đến hoặc do xe cấp cứu chuyển đến đã được xác định là người mắc COVID-19, bệnh viện phải tiếp nhận và cấp cứu cho người bệnh.

Sau cấp cứu, tình hình người bệnh đã ổn định thì xác định tuyến điều trị của người bệnh để tiếp tục điều trị hoặc chuyển đến điều trị tại bệnh viện phù hợp.

Các phòng khám đa khoa trên địa bàn cũng tiếp tục duy trì buồng khám, cấp cứu sàng lọc và thực hiện chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện điều trị phù hợp sau khi sơ cứu.

[Đi khám bệnh giữa đợt dịch COVID-19: Làm sao để đảm bảo an toàn?]

Cùng ngày, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh và Văn phòng Bộ Y tế đã phối hợp ra mắt bảng điều khiển tình hình thu dung điều trị COVID-19.

Bảng điều khiển tình hình thu dung điều trị COVID-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố đã chính thức hoạt động tại địa chỉ https://bccsdt.moh.gov.vn/.

Đây là công cụ hữu ích cho công tác điều phối, chuyển viện giữa các tầng điều trị. Công cụ này giúp cho Tổ điều phối chuyển viện của Sở Y tế và các bệnh viện dễ dàng tìm bệnh viện còn giường bệnh không oxy, giường bệnh có oxy… để liên hệ chuyển viện cho phù hợp.

Bảng điều khiển sử dụng nguồn dữ liệu từ phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19.”

Các bệnh viện phải liên tục cập nhật tình hình tiếp nhận người bệnh, số giường còn trống… mỗi ngày vào các khung giờ quy định cụ thể là 8 giờ, 16 giờ và 20 giờ.

Sở Y tế yêu cầu Giám đốc các bệnh viện chịu trách nhiệm thực hiện việc nhập dữ liệu vào “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19” một cách kịp thời, chính xác và đầy đủ theo đúng quy định.

Nhằm nâng cao công tác điều trị bệnh COVID-19, ngày 16/8, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã có quyết định thành lập Tổ chuyên gia tư vấn điều trị bệnh COVID-19 do ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế làm tổ trưởng cùng 18 thành viên là các chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo các trường đại học y dược, các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn.

Theo đó, nhiệm vụ của Tổ chuyên gia là tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố và Sở Y tế trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch chăm sóc, điều trị cho người mắc COVID-19 theo từng giai đoạn, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong.

Đồng thời, tham mưu việc xây dựng mô hình phòng, chống dịch COVID-19 trong từng giai đoạn cụ thể; Tổ chức hội chẩn, tư vấn từ xa và huấn luyện về cách sử dụng trang thiết bị, các phương pháp hỗ trợ hô hấp trong điều trị COVID-19 nhằm nâng cao năng lực hồi sức cấp cứu cho người mắc COVID-19 ở các tầng điều trị, xây dựng và triển khai kế hoạch chăm sóc cho người mắc COVID-19 cách ly tại nhà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục