Soán ngôi Ấn Độ, Trung Quốc trở thành đối tác số 1 của Dubai

Kim ngạch ngoại thương trong lĩnh vực phi dầu mỏ của Dubai, 1 trong 7 tiểu vương quốc của UAE, đã tăng lên 1.331 tỷ AED (tương đương 362,3 tỷ USD), so với con số 1.329 tỷ AED của năm trước.
Soán ngôi Ấn Độ, Trung Quốc trở thành đối tác số 1 của Dubai ảnh 1Một góc Dubai. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy năm 2014, kim ngạch ngoại thương trong lĩnh vực phi dầu mỏ của Dubai, một trong 7 tiểu vương quốc của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đã tăng lên 1.331 tỷ AED (tương đương 362,3 tỷ USD), so với con số 1.329 tỷ AED của năm trước.

Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu của Dubai ở mức 845 tỷ AED, trong khi kim ngạch xuất khẩu và tái xuất khẩu sang các tiểu vương quốc khác đạt 114 tỷ AED và 372 tỷ AED.

Theo hãng tin WAM của UAE, nguyên nhân khiến kim ngạch ngoại thương phi dầu mỏ của Dubai tăng là do sự gia tăng đáng kể hoạt động giao dịch với Trung Quốc.

Năm 2014, nền kinh tế lớn nhất châu Á đã soán ngôi của Ấn Độ trở thành đối tác thương mại nước ngoài số 1 của Dubai, với kim ngạch trao đổi đạt 175 tỷ AED, tăng 29% so với năm 2013. Ấn Độ xếp ở vị trí thứ hai với kim ngạch trao đổi đạt 109 tỷ AED, tiếp theo là Mỹ với con số 83 tỷ AED.

Thống kê cũng cho thấy kim ngạch trao đổi thương mại với Saudi Arabia, đối tác thương mại lớn thứ tư của Dubai trên toàn cầu và là đối tác lớn nhất trong thế giới Arab, đạt 52 tỷ AED.

Sheikh Hamdan bin Mohammed bin Rashid Al Maktoum, hoàng tử kế vị của Dubai, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Điều hành Dubai, đã đánh giá cao những kết quả trong hoạt động thương mại và khẳng định tốc độ tăng trưởng ổn định của hoạt động xuất nhập khẩu trong lĩnh vực phi dầu mỏ sẽ tạo hiệu ứng tốt cho các lĩnh vực kinh tế khác.

Hoàng tử kế vị của Dubai nhấn mạnh vị trí của Dubai là một trung tâm toàn cầu về thương mại quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc tiểu vương quốc này luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ thương mại và mở rộng mạng lưới các đối tác trên toàn thế giới.

Trong số các mặt hàng được trao đổi, điện thoại đứng đầu danh sách với mức tăng 9%, tương đương 178 tỷ AED, trong khi sự phát triển mạnh của ngành du lịch đã giúp tăng 8% doanh số bán hàng trang sức tương đương 55 tỷ AED./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.