Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đã yêu cầu các cơ sở tạo hạt nhựa tại xã Tiên Dược phải dừng ngay hoạt động trước ngày 15/5/2017, vì sử dụng đất không đúng mục đích, hoạt động sản xuất phát sinh khí thải có thông số vượt Quy chuẩn Việt Nam hiện hành.
Tuy nhiên đến nay, những cơ sở sản xuất tạo hạt nhựa này vẫn tiếp tục ngang nhiên hoạt động.
Bất chấp lệnh…“cấm”?
Như VietnamPlus đã phản ánh, ngay sau khi bài viết “Hà Nội: Cơ sở tái chế nhựa ‘chui’ hẳn vào khu dân cư hoạt động 24/24” được đăng tải, ngày 11/4, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn kiểm tra, làm rõ thông tin báo nêu; kiên quyết ngăn chặn, xử lý sai phạm.
Qua kiểm tra, ngày 28/4/2017, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đã giao phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược yêu cầu 6 hộ gia đình tạo hạt nhựa và 3 hộ gia đình sản xuất giăng kính dừng ngay hoạt động sản xuất trước ngày 15/5/2017. Lý do là do sử dụng đất không đúng mục đích đất ở nông thôn, hoạt động sản xuất có phát sinh khí thải có thông số vượt Quy chuẩn Việt Nam hiện hành.
Trường hợp các cơ sở tạo hạt nhựa và sản xuất giăng kính không dừng hoạt động thì hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm và đề nghị cấp có thẩm quyền áp dụng hình thức buộc di dời, cấm hoạt động đối với các cơ sở này theo quy định.
Theo yêu cầu của Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, ngày 11/5, Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn đã có Thông báo số 463/TB-UBND yêu cầu các cơ sở sản xuất tạo hạt nhựa và sản xuất gioăng kính dừng ngay hoạt động trước ngày 15/5/2017. Tuy nhiên, tính đến ngày 2/6/2017, vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về vụ việc trên, ông Trịnh Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược cho biết, mặc dù chính quyền cấp huyện, xã đã nhiều lần vận động, và có thông báo yêu cầu các cơ sở dừng ngay hoạt động trước ngày 15/5, nhưng vì lợi ích quá lớn, nên các hộ sản xuất tạo hạt nhựa tại thôn Dược Hạ vẫn không chấp hành.
Điều đáng nói là, trong khi cơ quan chức năng đang gặp bế tắc, hay chưa “mạnh tay” xử lý, thì ngày 18/5, các hộ sản xuất tạo hạt nhựa đã có đơn khiếu nại đề nghị Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược thu hồi Thông báo số 463/TB-UBND của Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược do ông Trịnh Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược ký ban hành.
Theo đơn khiếu nại, lý do mà các hộ sản xuất đưa ra là họ hoạt động sản xuất có giấy đăng ký kinh doanh do Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cấp. Ngoài ra, việc đưa ra căn cứ các hộ sản xuất tạo hạt nhựa trong khu dân cư “sử dụng đất không đúng mục đích, và hoạt động có phát sinh khí thải có thông số vượt Quy chuẩn Việt Nam hiện hành” là không xác đáng. Trong khi tại địa phương, việc chăn nuôi lợn gà nguồn phân cũng gây ô nhiễm môi trường mà không được Ủy ban Nhân dân xã nhắc tới.
[Hà Nội: Cơ sở tái chế nhựa "chui" hẳn vào khu dân cư hoạt động 24/24]
Vẫn “sống chung” với tiếng ồn, khói bụi
Bà Nguyễn Thị Cận, một người dân chịu ảnh hưởng bởi hoạt động sản xuất tạo hạt nhựa tại thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược cho biết, mặc dù, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đã yêu cầu các cơ sở sản xuất nhựa tái chế dừng hoạt động hơn nửa tháng, nhưng không hiểu sao, đến ngày 31/5, tất cả các cơ sở này vẫn ngang nhiên tồn tại.
“Sự việc này làm cho người dân chúng tôi vô cùng bức xúc. Liệu đằng sau đó có vấn đề gì mà các cấp chính quyền địa phương (huyện, xã) không xử lý nổi, mặc cho người dân kêu cứu và thông tin đại chúng lên tiếng mạnh mẽ, mà vẫn bỏ mặc cho nước chảy bèo trôi, sóng xô rồi lặng. Trong khi, chúng tôi vẫn phải sống chung với tiếng ồn và khói bụi như vậy?,” bà Cận băn khoăn.
Không giấu nổi sự thất vọng, ông Thiệp, hộ gia đình ở gần cơ sở sản xuất tạo hạt nhựa của ông Nguyễn Văn Thành cũng cho biết, gần nửa năm qua, gia đình ông đã phải sống chung với bầu không khí “bẩn” bởi ống khói thải từ cơ sở sản xuất tạo hạt nhựa này liên tục nhả khói, bay vào nhà, gây mùi hắc thối.
“Từ ngày ông Thành chuyển máy móc vào đây hoạt động, tôi và bà Cận đã nhiều lần sang nhà ý kiến, nhưng ông ấy vẫn bất chấp tình làng nghĩa xóm. Hàng ngày, gia đình tôi đành phải đóng kín cửa, nhưng dù đóng thì khói vẫn chui lọt vào, không thể nào chịu được,” ông Thiệp buồn rầu nói.
Để chứng minh cho thực trạng nhức nhối nêu trên, ông Thiệp nhanh chóng dẫn phóng viên lên tầng 3 quan sát toàn cảnh xưởng sản xuất tạo hạt nhựa bên cạnh. Ngay khi mở cánh cửa ra, ống khói từ cơ sở sản xuất tạo hạt nhựa của ông Nguyễn Văn Thành đã xộc thẳng vào nhà, gây mùi hắc thối đến khó thở…
Sau gần 20 phút tập trung ghi hình, quay video ống khói nhả khói hun hút, tiếng máy nổ gầm gào từ trên cao và hoạt động sản xuất bên trong khu xưởng tạo hạt nhựa, phóng viên đã liên hệ với ông Trịnh Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn trực tiếp xuống kiểm tra và làm việc với chủ cơ sở.
Tuy nhiên, ngay sau khi thấy vị Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược và phóng viên, ông Nguyễn Văn Thành đã nhanh chóng đóng kín cửa nhà xưởng, giọng nổi cáu: “Tôi không làm việc với báo chí...”
[Hà Nội: Ô nhiễm tiếp diễn ở Sóc Sơn, huyện-xã "đá bóng trách nhiệm"]
Để làm rõ vấn đề trên, ngày 29/5/2017, phóng viên VietnamPlus đã liên hệ làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Trong khi đó, ông Ngô Đăng Giang, chuyên viên phòng tài nguyên và môi trường Sóc Sơn cho biết, hiện phòng vẫn đang thiết lập hồ sơ, xin ý kiến xử lý.
“Quan điểm của huyện là sẽ xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, nếu muốn rõ hơn thì phải có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo huyện,” ông Giang nói thêm.
Về phía chính quyền cấp xã, ông Trịnh Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược khẳng định sẽ xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. “Trên địa bàn thôn Dược Hạ có gần 1.000 hộ dân, chúng tôi sống với tất cả người dân ở đây chứ không thể sống với những hộ sản xuất gây hại môi trường được. Vì thế, chúng tôi sẽ cương quyết xử lý,” ông Phúc nói./.