Chỉ sau một tuần “cưỡng chế thành công” 27 cơ sở tạo hạt nhựa trái phép trên đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường tại xã Tiên Dược (Sóc Sơn, Hà Nội), một số cơ sở này lại chuyển thẳng máy móc, lò đốt vào hoạt động ngay trong khu dân cư, khiến môi trường sống quanh khu vực bị ô nhiễm ngày một nghiêm trọng hơn.
Điều đáng nói là, các cơ sở tái chế nhựa này “chui” hẳn vào khu dân cư hoạt động 24/24, trong suốt thời gian gần 4 tháng qua, nhưng đến nay, cơ quan chức năng cấp xã và huyện vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm, thậm chí còn “đá bóng trách nhiệm” trong việc xử lý.
“Ngâm” kết quả mẫu phân tích!
Như VietnamPlus đã phản ánh, ngay sau khi loạt bài “Xâm nhập thủ phủ nhựa tái chế ‘bức tử’ môi trường ngay thủ đô Hà Nội” được đăng tải, ngày 20/12/2016, Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược đã tổ chức cưỡng chế 27/27 cơ sở sản xuất gioăng kính, nhựa tái chế hoạt động trên đất công và nông nghiệp.
Tuy nhiên, chỉ sau đúng một tuần, một số hộ sản xuất nhựa tái chế lại chuyển máy, lò đốt vào hoạt động 24/24 giờ ngay trong khu dân cư, tại thôn Dược Hạ, khiến môi trường sống quanh khu vực bị ô nhiễm ngày một nghiêm trọng hơn.
“Việc các cơ sở sản xuất hạt nhựa trong khu dân cư tại thôn Dược Hạ đang khiến người dân bức xúc. Chúng tôi cũng rất đau đầu. Tuy nhiên, do các cơ sở sản xuất nhựa tái chế, hoạt động trên đất thổ cư của hộ gia đình nên việc xử lý rất khó khăn,” ông Dương Văn Năng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược cho biết.
Ông Năng cũng cho biết, để xử lý dứt điểm các cơ sở sản xuất tạo hạt nhựa trong khu dân cư, ngày 9/2/2017, Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược đã đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện sớm công bố kết quả cụ thể về việc phân tích mẫu thu được tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, từ đó có biện pháp xử lý dứt điểm vi phạm.
“Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, huyện vẫn chưa công bố kết quả mẫu phân tích, nên xã rất khó xử lý. Trong việc này, thẩm quyền của xã cũng có hạn, nên chỉ biết chờ huyện công bố kết quả, cũng như cho ý kiến chỉ đạo,” ông Năng phân trần.
[Hà Nội: Cơ sở tái chế nhựa "chui" hẳn vào khu dân cư hoạt động 24/24]
Để rõ hơn về mẫu kết quả phân tích, ngày 12/4, phóng VietnamPlus đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn. Tại buổi làm việc, ông Toàn khẳng định đã đi kiểm tra một loạt các cơ sở, qua đó nhận thấy hoạt động tái tạo hạt nhựa trong khu dân cư “là rất bức xúc.”
“Tuy nhiên, cũng khó khẳng định cơ sở tái tạo hạt nhựa gây ô nhiễm. Lý do là, phần lớn mẫu kiểm tra lấy được là từ các cơ sở giặt bao tải, còn mẫu từ các cơ sở tái tạo nhựa, dường như rất khó, vì khi thành lập đoàn đi kiểm tra thường có chương trình trước, không đột xuất được,” ông Toàn nói.
Trong khi đó, theo nguồn tin từ ông Ngô Đăng Giang, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn, ngày 30/12/2016, huyện đã có mẫu kết quả phân tích khí thải, nước thải và nước mặt của một số cơ sở giặt tải, cán giấy, tạo nhựa, gioăng kính trên địa bàn xã Tiên Dược. Việc phân tích mẫu này do Viện Công nghệ Môi trường thực hiện.
Đơn cử như mẫu phân tích khí thải lấy ngày 25/12/2016, tại cơ sở của ông Nguyễn Văn Đức, hiện đang hoạt động trong khu dân cư thôn Dược Hạ (do ông Giang cung cấp), cho thấy phần lớn các thông số đều vượt so với quy chuẩn Việt Nam. Cụ thể, thông số CO vượt 1,34 lần; NO2 vượt 1,1 lần; SO2 vượt 1,2 lần; Vinylclorua vượt 1,25 lần.
“Hiện tại, phòng cũng đang tham mưu cho huyện xây dựng dự thảo, báo cáo toàn bộ kết quả lấy mẫu quan trắc trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở sản xuất tạo hạt nhựa. Trước mắt, với các cơ sở vi phạm sẽ xử phạt vi phạm hành chính, sau đó cơ quan chức năng sẽ thiết lập hồ sơ cưỡng chế,” ông Giang chia sẻ.
“Đá bóng” trách nhiệm?
Với kết quả mẫu quan trắc nêu trên, rõ ràng Phòng Tài nguyên và Môi trường Sóc Sơn đã tổ chức kiểm tra và có kết quả mẫu quan trắc môi trường đối với một số cơ sở tạo hạt nhựa trên địa bàn xã Tiên Dược. Vậy tại sao, sau gần 4 tháng, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn vẫn chưa công bố thông tin?
Trả lời câu hỏi trên, ông Ngô Đăng Giang, chuyên viên phòng tài nguyên và môi trường Sóc Sơn cho biết, mặc dù chưa công bố kết quả mẫu phân tích môi trường, nhưng Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo lãnh đạo xã Tiên Dược kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trái phép để xây dựng nhà xưởng tạo hạt nhựa trên địa bàn.
“Trong việc để xảy ra vi phạm này, trách nhiệm chính rõ ràng thuộc về người đứng đầu cấp xã. Theo Điều 208, Luật Đất đai, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; xử lý công trình trên đất sử dụng không đúng mục đích và buộc người có hành vi vi phạm khắc phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm,” ông Giang nói.
Ngoài ra, ngày 28/2/2017, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cũng đã ký ban hành văn bản số 261/UBND-TNMT gửi Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược, yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã sử dụng đúng mục đất ở tại nông thôn, không được tự ý xây dựng nhà xưởng hoạt động tạo nhựa trong khu dân cư làm phát sinh khí thải, nước thải, tiếng ồn…ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt của cộng đồng dân cư.
“Thế nhưng, đến nay việc xử lý cũng rất khó khăn, do chưa thiết lập được hồ sơ xử lý vi phạm,” ông Giang thẳng thắn nói.
[Hà Nội yêu cầu huyện Sóc Sơn xử lý các cơ sở tái chế nhựa gây ô nhiễm]
Trong khi đó, từ góc độ cấp xã, ông Dương Văn Năng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược khẳng định, quan điểm của xã là xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, cũng như chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn.
“Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định hiện hành, Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược nhận thấy có điểm bất hợp lý trong việc thực hiện chỉ đạo. Bởi vì, hành vi ‘chuyển mục đích sử dụng đất trái phép’ trong Nghị định số 102/2014/NĐ-CP không có quy định nào về hành vi vi phạm ‘chuyển mục đích sử dụng đất từ đất ở sang các loại đất khác’, cụ thể là đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp như các hộ đang hoạt động.”
“Vì vậy, Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược không có căn cứ để thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn tại văn bản số 261/UBND-TNMT,” ông Năng nhấn mạnh.
“Nói thực là địa phương rất muốn xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy trình, nhưng vì các cơ sở tạo hạt nhựa hoạt động trên đất thổ cư và đều có giấy phép hoạt động kinh doanh do huyện cấp nên việc cưỡng chế rất khó khăn,” Phó Chủ tịch xã Tiên Dược - ông Trịnh Xuân Phúc nói.
Trước thực tế nêu trên, ông Phúc đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, phòng tài nguyên và môi trường huyện sớm công bố kết quả cụ thể về việc phân tích mẫu thu được tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, từ đó có biện pháp xử lý dứt điểm vi phạm.
“Nếu nhận được kết quả mẫu phân tích, chúng tôi sẽ xin ý kiến chỉ đạo, xử lý ngay. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị cơ quan chức năng tiến hành cắt điện các cơ sở vi phạm, để đảm bảo môi trường cho thành phố vệ tinh,” ông Phúc nhấn mạnh.
Liên quan đến bài viết "Hà Nội: Cơ sở tái chế nhựa 'chui' hẳn vào khu dân cư hoạt động 24/24", ngày 11/4, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký văn bản số 1683/UBND-TKBT, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn kiểm tra, làm rõ thông tin báo nêu; kiên quyết ngăn chặn, xử lý sai phạm như báo điện tử VietnamPlus đã phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.
Kết quả báo cáo Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trước ngày 30/4/2017; đồng thời thông tin trả lời Báo VietnamPlus theo quy định.
VietnamPlus sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này tới bạn đọc!./.