Trong năm 2014, dự án phát triển nghề công tác xã hội tại Việt Nam sẽ hỗ trợ phát hành bộ tiêu chuẩn đạo đức nghề công tác xã hội. Đặc biệt, dự án sẽ tăng cường các dịch vụ công tác xã hội tại cộng đồng.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo thường niên về dự án phát triển nghề công tác xã hội tại Việt Nam và mô hình trung tâm công tác xã hội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Atlantic Philanthropies tại Việt Nam tổ chức ngày 27/3.
Trong thời gian tới, ngoài việc được tham dự các các lớp tập huấn về nghiệp vụ, các chính sách tiền lương và phụ cấp nghề công tác xã hội cho các cán bộ công các xã hội cũng sẽ được hoàn thiện...
Mặt khác, để phát triển mô hình trung tâm công tác xã hội, các đại biểu cho rằng cần tăng cường hành lang pháp lý về nghề công tác xã hội, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về trung tâm công tác xã hội. Đặc biệt, cần phải phát triển trung tâm công tác xã hội trong các lĩnh vực y tế, giáo dục...
Thời gian qua, dự án phát triển nghề công tác xã hội tại Việt Nam (giai đoạn 2010-2014) đã từng bước hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác xã hội, củng cố phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và đội ngũ cán bộ, cộng tác viên. Đáng chú ý, dự án đã hỗ trợ hình thành hiệp hội nghề công tác xã hội chuyên nghiệp và phát triển mạng lưới hiệp hội nghề công tác xã hội.
Cũng trong ngày 27/3, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổ chức Atlantic Philanthropies tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Hỗ trợ phát triển hệ thống trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí”.
Dự án hỗ trợ phát triển hệ thống trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí (giai đoạn 2013-2015) nhằm tăng cường hợp tác giữa các cấp quản lý về sức khỏe tâm thần, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển khung chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe tâm thần, cải thiện các dịch vụ chăm sóc, nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Đến nay đã có 26 trung tâm bảo trợ xã hội được tổ chức lại theo hướng chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần. Hệ thống các trung tâm này đã nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng cho hơn 10.000 đối tượng. Mỗi trung tâm chăm sóc trung bình 100-500 đối tượng, cá biệt, có trung tâm tâm thần có trên 1.000 đối tượng.
Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng được mô hình lao động trị liệu và phục hồi chức năng luân phiên cho người tâm thần nặng như: Sơn La, Thừa Thiên Huế, Phú Thọ. Mô hình chăm sóc kết hợp tư vấn, trị liệu tâm lý, các dịch vụ công tác xã hội với điều trị y tế để phòng, điều trị liệu rối nhiễu tâm trí đã được thực hiện tại Bệnh viện đa khoa Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.../.