Từ khi Sơn Đoòng được đưa lên chương trình truyền hình nổi tiếng "Chào buổi sáng nước Mỹ” (Good Morning America) hồi giữa tuần trước, có khá nhiều người bắt đầu quan tâm đến hang động này, và đặt câu hỏi: "Bao giờ/làm thế nào để mình vào được Sơn Đoòng?" thậm chí, có cả những câu hỏi "Sao giá đi Sơn Đoòng đắt thế?" và "Tại sao chỉ có Tây vào đó?"
Có lẽ nhiều người đã bị ảnh hưởng bởi những bức ảnh đẹp mê hồn, đặc biệt là những tấm ảnh chụp chỗ cắm trại ở Hang Én - nơi có bãi cát đẹp tuyệt đẹp, hoặc ở cửa sau Hang Én - nơi có vẻ rộng rãi dễ chịu.
[Xem ảnh 360 độ về Sơn Đoòng của Romeo Durscher, DJI, người điều khiển flycam trong chương trình GMA]
Tuy nhiên, sự thực không đơn giản như vậy.
Sơn Đoòng, do vị trí và cấu tạo của nó, không chỉ là hang động lớn nhất thế giới với vẻ đẹp và cấu trúc độc đáo, mà còn là hang động có độ khó và độ nguy hiểm cao nhất trong số các hang động đã được phát hiện ở Việt Nam.
Để đến được cửa hang, trước hết bạn cần vượt qua được thử thách đầu tiên là đi đến Hang Én. Đã có không ít người chỉ đến được đây rồi buộc phải quay lại, khi nhà tổ chức nhận thấy họ không thể tiếp tục hành trình.
Bởi bạn sẽ phải cần rất nhiều kỹ năng và sức khỏe cho một chuyến đi như vậy, từ việc nhỏ nhất là chịu đựng tình trạng chân luôn ướt sũng khi phải lội qua những con suối (có chỗ nước cao đến bụng) đến việc lớn hơn là leo qua những vách đá, bám theo dây, dò dẫm trên những phiến đá rêu trơn tuột...
Mọi sai sót của bạn đều có thể khiến bạn phải trả giá đắt, có thể là chấn thương, có thể là ảnh hưởng đến tính mạng. Chính vì vậy, chuyến đi đến Sơn Đoòng được xếp là một chuyến "thám hiểm/expedition" chứ không chỉ ở mức một chuyến đi "khám phá/adventure" nữa.
Và những gì bạn được "tận hưởng" trong chuyến đi như vậy cũng có thể sẽ không giống với bạn đang nghĩ.
Bạn không biết được rằng, trong suốt hành trình mấy ngày, bạn sẽ gần như ở tình trạng nửa người bên dưới ướt vì lội nước, còn nửa trên ướt vì mồ hôi, mà sẽ còn là những ngày bạn sẽ không thể tắm gội, sẽ phải chịu đựng tình trạng hôi hám bẩn thỉu của mình.
Để đến những nơi đẹp đẽ thoáng chốc, như Vườn Edam ở hố sụt 2, hay Bàn tay chó (Hand of Dog), bạn cần vượt qua những chặng đường dài trong bóng tối vĩnh cửu của lòng hang, và bạn sẽ phải cẩn trọng với từng bước chân dưới ánh đèn được rọi từ chiếc đèn chuyên dụng trên chiếc mũ đi hang bảo vệ bạn.
Vậy bạn sẽ được gì sau hành trình đầy khó khăn như vậy?
Bạn sẽ được tận mắt cảm nhận sự kỳ vĩ khó tin của một hang động được hình thành từ dòng chảy của một con sông, bạn được chiêm ngưỡng những hóa thạch hàng trăm triệu năm tuyệt vời trên vách đá, cảm nhận được những kiến tạo địa chất đã tạo ra báu vật của Mẹ Trái đất này, và bạn sẽ được tận hưởng cảm giác vượt qua chính mình khi đã chinh phục được những thách thức đầy khó khăn mà không phải ai cũng làm được.
Cảm giác mà bạn chiêm ngưỡng hang động tuyệt đẹp trong những bức ảnh vẫn được đăng tải trên Internet sẽ không hoàn toàn giống cảm giác mà bạn có mặt ở nơi đó. Bởi thực tế, lúc bạn đứng trên cửa Hang Én nhìn xuống nơi bạn sẽ cắm trại đêm đầu tiên chính là lúc bạn vừa vượt qua cả một ngày dài vất vả, cơ thể ướt đẫm mồ hôi và kiệt sức, bạn thậm chí có thể không đủ sức để chụp một bức ảnh tương tự như vậy nữa.
Những bức ảnh đẹp tuyệt bạn vẫn thấy, là những bức ảnh được chụp bởi các tay máy chuyên nghiệp, với sự hỗ trợ của những phương tiện chiếu sáng chuyên dụng và đắt đỏ.
Ông Howard Limbert, nhà thám hiểm hang động, người đã cùng Hồ Khanh phát hiện và mang Sơn Đoòng "ra ánh sáng" nói với tôi: "Nếu để thưởng thức hình ảnh, cảnh đẹp, tôi nghĩ những gì các nhà nhiếp ảnh làm ra tuyệt hơn nhiều so với thực tế."
Nếu bạn vẫn muốn tự tay chụp những bức ảnh đẹp thì điều đó cũng khó khả thi bởi việc mang thiết bị chụp ảnh, quay phim vào những nơi này hết sức gian nan.
Sức hấp dẫn của Sơn Đoòng là yếu tố khó khăn, mạo hiểm của cuộc hành trình, đòi hỏi cao về sức khỏe, tâm lý cộng với ham muốn khám phá và yêu quý thiên nhiên. Nó không dành cho đại bộ phận du khách thông thường không phải là nơi bạn có thể dễ dàng đặt chân đến.
Thậm chí nếu so sánh với một chuyến chinh phục đỉnh Fansipan, thì Sơn Đoòng được đánh giá là một thách thức lớn hơn rất nhiều.
Hãy cố gắng hình dung rằng, ngay cả khi nếu bạn được "thả" xuống cửa hang hay ở ngay hố sụt trong hang, thì việc bạn thực hiện chuyến đi bên trong Sơn Đoòng một cách an toàn cũng không hề đơn giản.
Để phục vụ một chuyến đi của 10 người cần có sự hỗ trợ của hơn 30 người khác, ngoài các "porter" giúp mang đồ, nấu nướng, lọc nước uống..., còn có cả các chuyên gia về hang động và chuyên gia về an toàn cùng đi.
Sơn Đoòng, vì vậy, là đích đến và hành trình của những người ưa thích thám hiểm hang động và đáp ứng mọi điều kiện cho một chuyến đi như vậy. Nó hoàn toàn khác Phong Nha hay Thiên Đường, nơi bạn có thể thảnh thơi nhìn ngắm và chụp những bức ảnh kỷ niệm.
Trong trường hợp bạn thật sự muốn có những chuyến đi thám hiểm Sơn Đoòng, bạn nên luyện tập bằng những chuyến đi ngắn và ít thách thức hơn, chẳng hạn như khám phá Tú Làn, Hang Én.
Với du khách thông thường, Sơn Đoòng gần như không có gì cho họ cả, và không có bất kỳ cách nào để đưa du khách đến Sơn Đoòng mà an toàn cho họ.
Đối với du lịch Quảng Bình hay du lịch Việt Nam, Sơn Đoòng sẽ có một vị trí khác, là một địa danh, một điểm đến có tính biểu tượng. Hãy để Sơn Đoòng luôn ở vị trí như nó đang có hiện nay, một viên ngọc quý ở giữa rừng sâu.
Nói như ông Howard Limbert, các nhà nghiên cứu hang động đã khám phá hàng trăm hang động ở Việt Nam, rất nhiều trong số đó có thể không bao giờ biết đến, một số khác có thể khai thác cho công chúng đông đảo như Phong Nha hay động Thiên Đường, và cũng có rất nhiều hang động chỉ dành cho một số ít người đam mê đặc biệt và có đủ sức khỏe, như Sơn Đoòng,
Ngay cả Phong Nha, nơi mỗi năm có hàng trăm nghìn khách du lịch đến thưởng ngoạn, nhưng số người đã đi đến tận cùng của nó thì đến nay cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, và họ chính là những nhà thám hiểm hang động.
Bởi vậy, xin đừng hiểu về chuyến đi đến Sơn Đoòng là chuyến du lịch đơn giản, theo cách thông thường./.