Không chỉ bị chống đối, Cảnh sát giao thông còn đối mặt với không ít tai nạn rập rình. Ở đâu đó vẫn có những lời ong, tiếng ve, nhìn nhận lực lượng Cảnh sát giao thông với con mắt tiêu cực, bởi trong ngành vẫn còn những "con sâu làm rầu nồi canh," nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ trong số hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ toàn lực lượng vẫn ngày đêm miệt mài giữ bình yên cho những cung đường, chẳng quản nguy nan.
Đối mặt với nguy nan
Những ngày hè, dự báo nhiệt độ các tỉnh phía Bắc và miền Trung thường từ 35-37 độ C, ở trong nhà còn cảm nhận được cái nóng hầm hập, người khô háo, mất nước. Vậy mà, trong cái nắng cháy da thịt ấy, nhiệt độ ngoài trời lên đến trên 40 độ C, thậm chí trên các tuyến cao tốc nóng tới 50 độ C, các cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát giao thông vẫn trần mình thực hiện cao điểm tổng kiểm soát phương tiện theo kế hoạch của Bộ Công an.
Mỗi ca tuần tra kiểm soát kéo dài 6 tiếng đồng hồ, cán bộ, chiến sỹ phải thay phiên nhau vào tiếp nước làm mát, bảo đảm sức khỏe để thực thi nhiệm vụ.
Dội nhanh chai nước mát từ mặt xuống cổ, Đại úy Nguyễn Văn Tình, cán bộ Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3, Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông lại di chuyển như con thoi để điều tiết giao thông.
[Sự hy sinh thầm lặng: Nỗi niềm cảnh sát giao thông vùng cao]
Cái nắng nóng như đổ lửa của mùa hè trên tuyến cao tốc Hà Nội-Ninh Bình khiến bộ quân phục của anh ướt đẫm. Tuy nắng rát mặt, hơi nóng phả lên hầm hập từ mặt đường, nhưng theo Đại úy Nguyễn Văn Tình, Cảnh sát giao thông vẫn luôn phải phơi mặt, bám đường, bởi ý thức tham gia giao thông của nhiều người chưa tốt, chỉ cần vắng bóng lực lượng Cảnh sát giao thông là họ sẵn sàng vi phạm.
Thiếu tá Nguyễn Quang Việt, cán bộ Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 4, Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, nhiệt độ ngoài trời đã cao, ở trên cao tốc, hiệu ứng nhiệt độ lại càng cao hơn do sức nóng từ mặt đường nhựa phả lên và hơi nóng từ các phương tiện lưu thông.
Thùng nước ướp lạnh, khăn ướt là "vũ khí" để các cán bộ, chiến sỹ chống chọi với cái nắng bỏng rát, nhưng giải pháp tình thế này cũng chỉ kéo dài được chừng 3-4 tiếng, càng về trưa, đá tan chảy hết, nước cũng không còn mát, vừa lau xong, mồ hôi đã đầm đìa.
Ngày cũng như đêm, mùa hè hay mùa đông, mỗi ca tuần tra lại có những khó khăn, vất vả riêng. Ngoài thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Cảnh sát giao thông còn làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Chỉ trong tháng 8/2020, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện 606 vụ phạm pháp hình sự, kinh tế, môi trường, bắt giữ 655 đối tượng có dấu hiệu tội phạm.
Trong đó, có 161 vụ buôn lậu và gian lận thương mại; 64 vụ tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy; 24 vụ khai thác cát, khoáng sản trái phép; 13 vụ tàng trữ trái phép vũ khí; 43 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tang vật thu giữ được gồm 19 bánh heroin, 123.214 viên ma túy tổng hợp, hơn 210kg ma túy các loại; 51.175 bao thuốc lá ngoại; 120m3 đất, cát; 38,3m3 gỗ các loại, cùng nhiều hàng hóa, tang vật khác có giá trị gần 3 tỷ đồng…
Con số trên cho thấy phần nào những đóng góp không nhỏ của Cảnh sát giao thông cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Đặc biệt, khi "làn sóng" COVID-19 thứ hai bùng phát, ngay lập tức, lực lượng Cảnh sát giao thông đã ra quân tuần tra ngày đêm, phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Cũng chẳng phải ngoa khi nói rằng nghề của Cảnh sát giao thông là "nghề nguy hiểm," bởi tai nạn luôn luôn trực chờ, không biết ập đến khi nào. Mới đây, ngày 20/9, khi làm nhiệm vụ trên tuyến quốc lộ 1B, Thiếu úy Lê Ngọc Sơn đã bị một người điều khiển xe môtô đâm trúng, phải nằm viện.
Được sự phân công của lãnh đạo đơn vị, ngày 20/9, Tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 5, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến quốc lộ 1B. Trong quá trình làm nhiệm vụ, tại Km 152+450 (hướng Hà Nội đi Bắc Ninh), Tổ công tác phát hiện trên đường có một khúc gỗ rơi, có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Thiếu úy Lê Ngọc Sơn cùng các đồng đội đã dừng xe, cảnh báo cho các phương tiện đang lưu thông và thu gọn chướng ngại vật. Trong khi đang nhặt khúc gỗ, Thiếu úy Lê Ngọc Sơn đã bị xe môtô do một nam thanh niên điều khiển đâm gãy ống chân, xây xát mặt và đầu.
Vào tháng 11/2018, Đại úy Nguyễn Văn Kha, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an huyện An Phú (An Giang) khi đang làm nhiệm vụ khám nghiệm hiện trường một vụ tai nạn giao thông, đã bị tài xế xe tải điều khiển xe trong trạng thái ngủ gật đâm đúng khiến anh hy sinh trên đường đi cấp cứu.
Trường hợp đau xót nhất của lực lượng Cảnh sát giao thông trong năm 2020 phải kể đến là sự hy sinh của hai cán bộ, chiến sỹ thuộc Đội Cảnh sát giao thông-Trật tự Công an quận Sơn Trà (Đà Nẵng).
9 giờ tối 2/4, Trung tâm thông tin chỉ huy Công an thành phố Đà Nẵng nhận được thông tin có nhóm thanh thiếu niên đang tụ tập tổ chức đua xe, cướp giật tại khu vực phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng).
Vừa xong ca trực chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19, trở về đơn vị, Thiếu tá Đặng Thanh Tuấn (sinh năm 1979) và Thượng sỹ Võ Văn Toàn (sinh năm 1997) đang ăn dở bát mỳ vội bỏ bữa nhận lệnh lên đường truy bắt tội phạm.
Khi đuổi theo đối tượng đến khu vực cầu Mân Quang (phường Thọ Quang) thì không may xảy ra va chạm giao thông. Đại úy Đặng Thanh Tuấn ra đi để lại vợ và hai con thơ. Con gái lớn học lớp 5, con trai học lớp 3, anh là trụ cột kinh tế chính của gia đình. Còn Thượng sỹ Võ Văn Toàn hy sinh khi tuổi xuân còn đang phơi phới, để lại niềm tiếc thương cho gia đình, đồng đội.
Nhân lên những hình ảnh đẹp
Là người trực tiếp làm việc và tiếp xúc với dân, lực lượng Cảnh sát giao thông được coi là "mặt tiền của mặt tiền." Chính vì thế cần phải giữ hình ảnh đẹp trong mắt nhân dân.
Tâm niệm điều đó, toàn lực lượng luôn quan tâm đến việc xây dựng lễ tiết, tác phong, văn hóa ứng xử. Những hình ảnh đẹp đang ngày càng xuất hiện nhiều lên, nhân ra rộng hơn.
Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, không khó để nhận ra "sắc nắng" trên mỗi ngả đường, mỗi điểm thi. Dù nắng, dù nóng, dù dịch COVID-19 vẫn đang rình rập đâu đó, nhưng các đoàn viên thanh niên Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang… vẫn nhiệt tình đứng phát nước uống miễn phí cho thí sinh và người nhà thí sinh.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, 21 điểm thi đều có mặt các tổ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, đảm bảo cho thí sinh một kỳ thi an toàn khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Các đoàn viên thanh niên thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt tình nguyện đồng hành cùng thí sinh trong suốt kỳ thi với nhiều hành động thiết thực như: tặng nước suối, bút, thước, nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang… cho thí sinh.
Để mỗi thí sinh đến điểm thi an toàn, đúng giờ, ngay từ sáng sớm, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tỏa ra các tuyến đường trung tâm làm nhiệm vụ điều tiết giao thông.
Hình ảnh Thượng úy Huỳnh Phước Hoàng, cán bộ Cảnh sát giao thông Công an thành phố Quảng Ngãi sử dụng xe chuyên dụng chở thí sinh về nhà lấy thẻ và đến điểm thi an toàn hay Đại úy Nguyễn Anh Tú, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông Bến Thành (Thành phố Hồ Chí Minh) nhường áo mưa cho thí sinh dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, sau đó dùng xe chuyên dụng đưa thí sinh này đến điểm thi trong cơn mưa tầm tã khiến nhiều người cảm kích.
Đại úy Nguyễn Anh Tú cũng chính là người dùng xe môtô đặc chủng chở người phụ nữ và con của chị đến bệnh viện cấp cứu, khi cháu bé ho rũ rượi, có biểu hiện tím tái.
Bên cạnh đó, hàng ngày vẫn có biết bao hình ảnh đẹp, đầy xúc động như cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an Thành phố Hồ Chí Minh chạy đua với thời gian, vượt qua quãng đường gần 10km từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố để hỗ trợ đưa lá gan đến Bệnh viện nhanh chóng, an toàn, giúp các bác sỹ có đủ thời gian "vàng" thực hiện ghép gan thành công cho bệnh nhân; tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hà Nam đưa cô gái bị lạc về với gia đình; Cảnh sát giao thông tỉnh Đắk Nông lấp "ổ gà," điểm sụt lún trên Quốc lộ 14, Cảnh sát giao thông Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng cưa cây, dọn dẹp đường sau bão số 5.
Hướng đến gần dân, sát hơn, vì dân hơn, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an là lực lượng Cảnh sát giao thông phải thực hiện đi đầu trong thực hiện công nghệ số, Cục Cảnh sát giao thông đã tích cực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, tích hợp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đồng thời từng bước hoàn thiện Chính phủ điện tử, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, mang lại lợi ích thiết thực cho cả người dân và cơ quan nhà nước.
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, tính đến ngày 9/9, Cục đã đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 79.148 quyết định xử phạt, trong đó, có 25.698 trường hợp cung cấp điện thoại cho cơ quan chức năng và đã nhận được tin nhắn về số quyết định xử phạt để thực hiện việc nộp phạt. Có 1.599 trường hợp nộp phạt qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Mới đây, dịch vụ công thứ 1.000 là kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4 và cấp đăng ký, biển số xe mức độ 3 (thí điểm đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) đã được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, giúp người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể ngồi tại nhà để khai, nộp lệ phí trước bạ; đồng thời chỉ cần đến cơ quan công an một lần để bấm biển số và lấy biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe.
Theo số liệu tổng hợp của Cảnh sát giao thông, khi triển khai toàn quốc, dịch vụ này sẽ phục vụ khoảng 4 triệu trường hợp đăng ký xe trong một năm. Với việc áp dụng thí điểm tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, ước tính chi phí tiết kiệm được của xã hội tối thiểu hơn 327 tỷ đồng/năm./.