Sự kiện trong nước 10-16/9: WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội

Việt Nam tổ chức thành công WEF ASEAN 2018, động đất tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hungary nằm trong số những sự kiện nổi bật của Việt Nam tuần qua.
Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018
Từ ngày 11 đến 13/9, Hội nghị Diễn dàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư."

Ðây là một trong những sự kiện đối ngoại đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm nay; đồng thời, là một điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại của Việt Nam, khẳng định sự đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam vì hội nhập và thịnh vượng chung của khu vực.

Tham dự Hội nghị có 9 nguyên thủ, lãnh đạo các nước ASEAN và các nước đối tác cùng hơn 1.000 đại biểu là thành viên của Diễn đàn Kinh tế thế giới; các doanh nghiệp ASEAN, thế giới và Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến tham dự phiên khai mạc, cùng với các vị lãnh đạo của Việt Nam, thành viên của Chính phủ bao gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, 7 bộ trưởng đã tham gia vào các phiên thảo luận, đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam, học hỏi kinh nghiệm của các nước đối với quá trình tự cường trước Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab đồng chủ trì hội nghị.

Trong ba ngày diễn ra Hội nghị, khoảng 60 phiên họp, thảo luận chuyên đề đã được tổ chức, mở ra cơ hội để các đại biểu trao đổi về những vấn đề quan tâm liên quan cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chủ đề của các phiên thảo luận phong phú, thiết thực, đáp ứng nhu cầu của mọi thành phần đại biểu, như: Xác định tầm nhìn mới cho ASEAN về hội nhập khu vực; Phát triển cơ sở hạ tầng thông minh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Triển vọng kinh tế châu Á; An ninh mạng; Ðịnh hướng năng lực tự cường của khu vực; Công sở 4.0… qua đó phát huy tối đa tiềm năng và bản lĩnh của ASEAN trong thời đại mới.

Giáo sư Klaus Schwab đánh giá, đây là Hội nghị thượng đỉnh cao cấp nhất từng có về ASEAN và là Hội nghị khu vực thành công nhất của WEF.

Đã có 7.890 bài viết đưa tin về Hội nghị WEF ASEAN 2018. 7 triệu lượt người đã tham gia tương tác trên mạng xã hội đối với WEF ASEAN 2018; khoảng 13 nghìn lượt bài viết, comment trên facebook; 90 nghìn lượt người xem trực tuyến tại các phiên thảo luận khác nhau về WEF ASEAN 2018.

Các tin bài đã đưa tới cộng đồng ASEAN và thế giới, nâng cao nhận thức người dân trong việc xây dựng Chính phủ điện tử thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, tăng cường đoàn kết hợp tác để nâng cao khả năng cạnh tranh của ASEAN.

Thành công của Hội nghị WEF ASEAN 2018 tạo dấu ấn quan trọng của Việt Nam, góp phần đẩy mạnh tiến trình hội nhập của các nước ASEAN trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.

Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều cuộc tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao các nước, các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới.

Sự kiện trong nước 10-16/9: WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (thứ năm, từ phải sang), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ tư, từ phải sang), Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab (thứ ba, từ phải sang) và các trưởng đoàn tham dự hội nghị chụp ảnh chung. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Việt Nam xếp thứ 3 thế giới về mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế
Theo báo cáo “Điểm nhấn du lịch 2018 của Tổ chức Du lịch thế giới” (UNWTO) vừa được công bố, Việt Nam đứng thứ 3 trong danh sách 10 nước có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế nhanh nhất thế giới trong năm 2017(tăng 29,1% so với năm 2016).

Xếp trên Việt Nam ở vị trí thứ nhất và thứ hai là Ai Cập, tăng 55,1% và Togo, tăng 46,7%.

Báo cáo cũng đánh giá Việt Nam đang trở thành một sự lựa chọn hàng đầu của nhiều khách du lịch và đà tăng trưởng này vẫn tiếp tục trong năm 2018.

Tính từ đầu năm đến nay, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 10,4 triệu lượt người, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước.

Sự kiện trong nước 10-16/9: WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội ảnh 2Du khách Pháp đi xích lô tham quan thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Khai mạc Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 10/9, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 27.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 8 dự án luật chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Trong đó có 3 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về 5 dự án luật trình Quốc hội lần đầu, gồm: Luật Hành chính công; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo: Công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước năm 2018; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018… cùng nhiều nội dung khác.

Theo chương trình, phiên họp sẽ diễn ra tới hết ngày 20/9.

Sự kiện trong nước 10-16/9: WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội ảnh 3Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Nâng khuôn khổ quan hệ Việt Nam-Hungary lên “Đối tác toàn diện”
Từ ngày 8 đến 11/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hungary theo lời mời của Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng Bí thư đến một trong những nước ở khu vực Trung-Đông Âu, kể từ sau thời kỳ chuyển đổi thể chế ở những nước này.

Chuyến thăm khẳng định chủ trương của Việt Nam coi Hungary là đối tác truyền thống quan trọng hàng đầu tại khu vực Trung-Đông Âu.

Các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc diễn ra trong không khí hữu nghị, chân thành, tin cậy lẫn nhau, với nhiều nội dung phong phú về hợp tác song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Tại hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Viktor Orban thống nhất cho rằng trải qua gần 70 năm, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hungary đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong những năm gần đây.

Nhằm thể hiện cao độ tầm quan trọng của mối quan hệ hai nước, 2 nhà lãnh đạo nhất trí nâng khuôn khổ quan hệ giữa hai nước lên “Đối tác toàn diện.”

Hai bên quyết tâm cùng nỗ lực thúc đẩy hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ, môi trường, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch…; chia sẻ kinh nghiệm trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc trong quá trình phát triển.

Hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Hungary về việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.

Sự kiện trong nước 10-16/9: WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội ảnh 4Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Khiển trách Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải
Tại Quyết định 1123/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, do có vi phạm, khuyết điểm trong công tác, đã bị thi hành kỷ luật về Đảng tại Quyết định 783-QĐ/UBKTTW ngày 3/7/2018.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Phạm Hồng Hải, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016 và 2016-2021.

Ông Hải đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát, để Tổng công ty Mobifone vi phạm nghiêm trọng trong thực hiện Dự án; trực tiếp ký một số văn bản liên quan đến Dự án có nội dung trái quy định.

Sự kiện trong nước 10-16/9: WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội ảnh 5
Động đất tại Trung Quốc ảnh hưởng đến Hà Nội
Vào lúc 9 giờ 31 ngày 8/9, một trận động đất mạnh 5,3 độ Richter xảy ra tại khu vực biên giới tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, cách ranh giới huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu khoảng 118 km.

Trận động đất này đã ảnh hưởng đến Hà Nội. Sáng 8/9, tại nhiều khu vực Hà Nội đã xảy ra hiện tượng rung lắc mạnh.

Người dân sống tại một số nhà cao tầng ở Hà Nội, đặc biệt là ở khu vực Lương Yên, Times City, Eco Park... đều có cảm nhận tòa nhà rung lắc, gây cảm giác như chóng mặt, tiền đình.

Công an thành phố Hà Nội, đơn vị đã điều động cán bộ, chiến sỹ cùng phương tiện đến những địa điểm chung cư cao tầng người dân phản ánh, sẵn sàng triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn.

Tuy nhiên, kiểm tra, ghi nhận tại hiện trường cho thấy không có vấn đề đáng lo ngại, không có hiện tượng nghiêng lún tòa nhà như một số thông tin phản ánh gây hoang mang dư luận.

Sự kiện trong nước 10-16/9: WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội ảnh 6Hiện tượng rung lắc kéo dài hơn chục giây khiến nhiều người dân vội vàng di chuyển ra khỏi chung cư xuống dưới đường. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục