Sự kiện trong nước tuần 15-21/8: Vụ nổ súng nghiêm trọng ở Yên Bái

Vụ nổ súng đặc biệt nghiêm trọng tại Yên Bái và cơn bão số 3 làm 9 người chết và mất tích là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Vụ nổ súng đặc biệt nghiêm trọng tại Yên Bái và cơn bão số 3 làm 9 người chết và mất tích là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Vụ nổ súng đặc biệt nghiêm trọng tại Yên Bái
Sáng 18/8, tại Văn phòng tỉnh ủy Yên Bái đã xảy ra một vụ nổ súng đặc biệt nghiêm trọng. Đối tượng Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã dùng súng quân dụng sát hại ông Phạm Duy Cường, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái và ông Ngô Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Sau khi bắn 2 ông Cường và Tuấn, đối tượng Đỗ Cường Minh đã dùng súng tự sát.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, 2 lãnh đạo tỉnh Yên Bái và đối tượng Minh đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái.  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp lên Yên Bái nắm tình hình, làm việc với lãnh đạo tỉnh và chỉ đạo giải quyết vụ việc. Thủ tướng đã đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái động viên các thầy thuốc của bệnh viện và các bác sỹ tăng cường từ tuyến trung ương nỗ lực cứu chữa các nạn nhân.

Tuy nhiên do viết thương quá nặng, đến 13 giờ 5 phút cùng ngày, các ông Phạm Duy Cường và Ngô Ngọc Tuấn đã tắt thở; đối tượng Đỗ Cường Minh tử vong vào lúc 15 giờ 26 phút.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc xử lý vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành tỉnh Yên Bái. Yêu cầu lớn nhất là bình tĩnh, giữ vững mọi hoạt động quản lý, điều hành bình thường của Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị trong tỉnh.

Thủ tướng giao Bộ Công an triển khai lực lượng phối hợp với Công an tỉnh Yên Bái khẩn trương điều tra, kết luận vụ án một cách cụ thể, đúng pháp luật báo cáo cơ quan chức năng và công bố để người dân được biết.

Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng tại Yên Bái khiến Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh tử vong để điều tra, xác minh động cơ gây án và các vấn đề liên quan. Việc khởi tố vụ án nhằm điều tra nguyên nhân vụ việc, xác định nghi phạm có đồng phạm hay không./.

Sự kiện trong nước tuần 15-21/8: Vụ nổ súng nghiêm trọng ở Yên Bái ảnh 1Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái phát biểu tại buổi họp báo về vụ án. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Xem thêm: Vụ nổ súng tại Yên Bái: Khởi tố vụ án để điều tra động cơ gây án

Nền kinh tế mở của Việt Nam sẽ tạo nhiều cơ hội cho hoạt động M&A
Không gian kinh tế mới của Việt Nam đang mở ra thêm nhiều cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực nhằm thu hút các dòng vốn ngoại cũng như cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp nhà nước cũng có cơ hội lớn để thực hiện mục tiêu thoái vốn, cổ phần hóa...

Nhận định này được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn M&A 2016, tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18/8.

Diễn đàn M&A 2016, gồm Phiên kết nối và Phiên hội thảo, hướng đến mục tiêu tăng cường kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về mua bán, kết nối cơ hội đầu tư, tìm kiếm đối tác chiến lược của doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế.

Trong Phiên kết nối, gần 40 doanh nghiệp có nhu cầu mua, bán và quỹ đầu tư, tư vấn môi giới quốc tế đã được tạo điều kịên thuận lợi để giới thiệu, chào bán và tìm hiểu cơ hội mua bán-sáp nhập doanh nghiệp (M&A).

Cụ thể, các doanh nghiệp tham gia thuộc nhiều thành phần kinh tế từ doanh nghiệp Nhà nước đến doanh nghiệp tư nhân, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, phân phối dược phẩm, sản xuất, phát triển hạ tầng khu công nghiệp... trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT; Tổng công ty Dầu - PVOiL; Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn... nhận được sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư.

Đặc biệt, không ít nhà đầu tư kỳ vọng sẽ tận dụng được cơ hội thực hiện M&A khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang có kế hoạch cổ phần hóa hoặc tái cơ cấu trong thời gian tới.

Sự kiện trong nước tuần 15-21/8: Vụ nổ súng nghiêm trọng ở Yên Bái ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: raconteur.net)

Xem thêm: Nền kinh tế mở của Việt Nam sẽ tạo nhiều cơ hội cho hoạt động M&A

Việt Nam khó đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm 2016
Năm 2016 là năm sẽ hoàn tất ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiệp định Việt Nam-EU sẽ mở ra những cơ hội xuất khẩu mới cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều thách thức cả về khách quan lẫn chủ quan đang đặt ra cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam như các rào cản kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng được phổ biến trong bối cảnh thuế nhập khẩu được xóa bỏ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Từ những khó khăn đó, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm nay rất khó đạt được nếu không có những giải pháp đột phá của toàn ngành.

Theo Bộ Công Thương, tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng năm 2016 chỉ đạt 5,3%, thấp hơn nhiều so với mức 9,2% của cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2015.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài những biến động thị trường, sản phẩm… những nguyên nhân xuất phát từ nội tại các nước nhập khẩu cũng ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam.

Sự kiện trong nước tuần 15-21/8: Vụ nổ súng nghiêm trọng ở Yên Bái ảnh 3Vận chuyển gạo xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Việt Nam khó đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% năm 2016

Doanh nghiệp EU phản hồi tích cực về môi trường kinh doanh Việt Nam
Kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý 2/2016 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố cho thấy các doanh nghiệp châu Âu vẫn phản hồi tích cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch tiếp tục gia tăng đầu tư.

Phần lớn các doanh nghiệp châu Âu đều cho rằng kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định, với 56,3% số doanh nghiệp phản hồi "ổn định và cải thiện” và chỉ có 9,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát dự đoán kinh tế vĩ mô sẽ suy giảm.

Cũng theo EuroCham, khoảng 49% doanh nghiệp được khảo sát dự đoán số lượng đơn đặt hàng hoặc doanh thu của họ sẽ tăng nhẹ trong quý tiếp theo. 15,6% trong số họ thậm chí còn lạc quan hơn, mong đợi một sự gia tăng đáng kể trong doanh thu của quý tiếp theo. Do đó, khi được hỏi về kế hoạch đầu tư và phát triển số lượng nhân sự, phản hồi của các doanh nghiệp châu Âu cũng rất tích cực, nhất quán với phản hồi về doanh thu và số lượng đơn hàng.

Đây là một dấu hiệu tốt cho việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU. Hiệp định được mong đợi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.

Thống kê từ Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho thấy tính đến đầu tháng Bảy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam và EU đã đạt 21,2 tỷ USD, tăng 9,05% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự kiện trong nước tuần 15-21/8: Vụ nổ súng nghiêm trọng ở Yên Bái ảnh 4Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Xem thêm: Doanh nghiệp EU phản hồi tích cực về môi trường kinh doanh Việt Nam

Xong hợp đồng mua bán, người mua nhà ở xã hội được cấp sổ đỏ
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay có rất nhiều dự án nhà ở đã đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng người mua nhà vẫn chưa được làm sổ đỏ, chỉ được ở, chứ không thể đem tài sản của mình ra giao dịch, thế chấp.

Theo quy định trước đây, chủ dự án nhà ở xã hội phải xây dựng giá tạm tính khi bán nhà và giá quyết toán sau khi thực hiện dự án xong để làm sổ đỏ cho người mua. Tuy nhiên, điều nay đã dẫn đến việc dự án nhà ở xã hội đưa vào sử dụng nhiều năm, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa quyết toán xong giá nhà nên người mua vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Ngoài ra, người mua nhà ở xã hội còn phải thanh toán 100% giá trị hợp đồng thì chủ đầu tư mới tiến hành làm sổ đỏ, điều này đã dẫn đến thực tế nhiều chủ đầu tư chây ỳ không làm sổ đỏ cho dân vì đã thu đủ tiền.

Nhằm “gỡ rối” cho vấn đề trên, Thông tư 19/2016 TT-BXD hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Nghị định 99 vừa được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy ký ban hành quy định, từ ngày 15/8, các chủ đầu tư nhà ở xã hội chỉ thực hiện xây dựng giá 1 lần, để tạo đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà.

Cụ thể, chủ đầu tư nhà ở xã hội chỉ xây dựng giá bán 1 lần rồi trình Sở Xây dựng thẩm định, sau khi thẩm định xong chủ đầu tư sẽ công bố giá và đó là giá bán và sau này không phải quyết toán nữa.

Thêm vào đó, Luật cũng đưa vào quy định phải giữ lại 5% để bảo đảm trách nhiệm chủ đầu tư với người mua nhà trong việc cấp sổ đỏ. Với 5% (giá trị căn nhà) còn lại, có thể nộp vào một tài khoản tạm giữ ở ngân hàng để giữ thay cho chủ đầu tư và người mua nhà để đến khi nào hoàn tất cấp sổ đỏ sẽ chuyển trả cho chủ đầu tư.

Sự kiện trong nước tuần 15-21/8: Vụ nổ súng nghiêm trọng ở Yên Bái ảnh 5Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: “Xong hợp đồng mua bán, người mua nhà ở xã hội được cấp sổ đỏ luôn”

FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu có hiệu lực vào 5/10
Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) vừa thông báo Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA) sẽ có hiệu lực vào ngày 5/10.

Theo Vụ Thị trường châu Âu, Hiệp định thương mại tự do giữa một bên là Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á-Âu và các quốc gia thành viên (bao gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) đã được hai bên khởi động từ tháng 3/2013.

Qua 2 năm đàm phán với 8 phiên chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ, ngày 29/5/2015, Thủ tướng Chính phủ các nước đã thay mặt Nhà nước chính thức ký Hiệp định này tại Burabay, Kazakhstan.

Mới đây, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có văn bản thông báo việc hai bên đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn và FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu chính thức có hiệu lực từ ngày 5/10/2016.

Sau khi hiệp định có hiệu lực, hai bên sẽ thành lập Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban về Thương mại hàng hóa, Tiểu ban về Quy tắc xuất xứ để phối hợp triển khai hiệu quả, đồng thời giám sát việc thực thi hiệp định./.

Sự kiện trong nước tuần 15-21/8: Vụ nổ súng nghiêm trọng ở Yên Bái ảnh 6Sản xuất may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương. (Ảnh: Hải Âu/TTXVN)

Xem thêm: FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu có hiệu lực vào 5/10

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại 16 tỉnh, thành phố
Theo Bộ Y tế, từ ngày 15/8 thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại 16 tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Cạn, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lai Châu, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Hòa Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Yên Bái và Lạng Sơn.

Đây là những địa phương có tỷ lệ dân số tham giao bảo hiểm y tế đạt hơn 85%, và cũng là đợt điều chỉnh giá viện phí đầu tiên trong lộ trình đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế. Bình quân mức giá có tiền lương tăng khoảng 18% so với mức giá viện phí hiện nay chưa tính tiền lương.

Dự kiến từ nay đến đầu năm 2017 sẽ còn 3 đợt điều chỉnh giá được thực hiện ở các địa phương còn lại. Việc điều chỉnh giá này chỉ thực hiện đối với người có thẻ bảo hiểm y tế, không ảnh hưởng đối với người chưa có thẻ bảo hiểm y tế.

Sự kiện trong nước tuần 15-21/8: Vụ nổ súng nghiêm trọng ở Yên Bái ảnh 7Đưa kỹ thuật mới vào khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại 16 tỉnh, thành phố

Hàng chục nghìn chỉ tiêu xét tuyển bổ sung chờ thí sinh
Có lẽ chưa mùa tuyển sinh nào chỉ tiêu dành cho đợt xét tuyển bổ sung lại dồi dào như năm nay, nhất là với trường nhóm trên. Theo đó, tổng số chỉ tiêu của các trường lên đến hàng chục nghìn sinh viên và trải ở tất cả các nhóm trường.

Đây là cơ hội rất lớn dành cho thí sinh chưa trúng tuyển ở đợt một.

Thông thường, ở các mùa tuyển sinh trước, nguyện vọng bổ sung chỉ dành cho các trường ở nhóm giữa và nhóm dưới. Hầu hết các trường nhóm trên đều lấp đầy chỉ tiêu ngay ở nguyện vọng một.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Đại học Y Hà Nội không tuyển đủ ngành Bác sỹ đa khoa ở nguyện vọng một. Năm 2015, điểm chuẩn của ngành này là 27,75 điểm và kín chỗ ngay lượt tuyển đầu tiên. Tuy nhiên, năm nay, điểm chuẩn hạ còn 27 điểm, trường vẫn còn thiếu 41 chỉ tiêu. Tổng số chỉ tiêu trường này phải tuyển nguyện vọng bổ sung là 240 em cho 8 ngành học. Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là từ 21 điểm trở lên, tuỳ theo từng ngành.

Đại học Ngoại thương cũng phải tuyển bổ sung 150 chỉ tiêu. Số chỉ tiêu xét tuyển của Đại học Bách khoa Hà Nội lên đến 670 em. Đại học Sư phạm Hà Nội tuyển bổ sung 811 chỉ tiêu cho 34 ngành đào tạo.

Ở phía Nam, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thiếu 81 chỉ tiêu, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh thiếu 402 chỉ tiêu. Ở các trường nhóm giữa và nhóm dưới, số lượng tuyển bổ sung lớn hơn rất nhiều.

Theo lãnh đạo các trường, nguyên nhân của việc hầu hết các trường không tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt một là do năm nay, mỗi em được nộp hồ sơ vào hai trường đại học khác nhau. Điều này dẫn đến tình trạng thí sinh đỗ ảo rất cao trong khi các trường không thể lọc ảo. Với số chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung lớn và trải rộng trên nhiều nhóm trường sẽ là cơ hội rộng mở cho thí sinh.

Thời gian để các em nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung bắt đầu từ ngày 21-23/8./.

Sự kiện trong nước tuần 15-21/8: Vụ nổ súng nghiêm trọng ở Yên Bái ảnh 8Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Hàng chục nghìn chỉ tiêu xét tuyển bổ sung chờ thí sinh

Việt Nam sẽ áp dụng thị thực điện tử bắt đầu từ năm 2017
Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch diễn ra tuần qua, tại Hội An, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Việt Nam sẽ áp dụng thị thực điện tử từ ngày 01/01/2017.

Bên cạnh việc miễn thị thực và cấp thị thực tại cửa khẩu, cấp thị thực dạng điện tử (E-Visa) đã trở thành một xu hướng phổ biến trên thế giới trong nhiều năm qua.

Thực tế, thị thực điện tử đã góp phần quan trọng giải quyết hồ sơ đăng ký thị thực cho số lượng lớn khách du lịch trong thời gian ngắn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận điểm đến, đồng thời tạo nguồn lực hỗ trợ ngành du lịch triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch đối với các thị trường trọng điểm.

Các chuyên gia kỳ vọng sự đổi mới này sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo của thị trường du lịch Việt Nam thời gian tới, giúp trở thành điểm đến thân thiện và hấp dẫn hơn với khách du lịch quốc tế./.

Sự kiện trong nước tuần 15-21/8: Vụ nổ súng nghiêm trọng ở Yên Bái ảnh 9Du khách quốc tế thăm quan chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Xem thêm: Việt Nam sẽ áp dụng thị thực điện tử bắt đầu từ năm 2017

Cơn bão số 3 làm 9 người chết và mất tích, 8 người bị thương
Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết tính đến sáng 21/8, bão số 3 đã làm 7 người chết, (Yên Bái 2 người, Sơn La 1 người, Lào Cai 1 người, Hòa Bình 1 người, Bắc Giang 1 người, Nghệ An 1 người), tăng so với ngày 20/8 là 6 người; số người mất tích là 2 (Bắc Giang 1 người, Lào Cai 1 người), tăng so với ngày 20/8 là 1 người; số người bị thương là 8 (Hà Nội 3 người, Yên Bái 1 người, Vĩnh Phúc 3 người, Phú Thọ 1 người).

Thiệt hại về nhà ở là 44 nhà bị đổ sập, cuốn trôi; 651 nhà bị tốc mái, hư hại; 1.511 nhà bị ngập nước; nhà di dời khẩn cấp: 2.154 nhà.

Khoảng 8.843ha lúa và 1.189ha hoa màu bị ngập úng; 595 ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại; 252 cây bóng mát, cây xanh đô thị bị gãy đổ; 61 con gia súc, 1.895 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ chỉ đạo kiểm tra, khắc phục hậu quả mưa bão, huy động nhân dân sửa chữa nhà cửa bị thiệt hại, khẩn trương triển khai công tác vệ sinh môi trường, bảo đảm giao thông và sinh hoạt của người dân.

Các địa phương, đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm công tác ứng phó, khắc phục hậu quả các trận thiên tai vừa qua để bổ sung, hoàn thiện phương án ứng phó đảm bảo sát với thực tế; tổ chức trực ban nghiêm túc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai./.

Sự kiện trong nước tuần 15-21/8: Vụ nổ súng nghiêm trọng ở Yên Bái ảnh 10Một gia đình ở khu 3 thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái bị đất đá sạt lở vào nhà. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Xem thêm: Cơn bão số 3 làm 9 người chết và mất tích, 8 người bị thương

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục