Sự kiện trong nước tuần 16-22/1: Thí điểm cho người Việt chơi casino

Việt Nam là nước đầu tiên WEF ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình PPP và Chính phủ cho thí điểm người Việt chơi casino là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.
Việt Nam là nước đầu tiên WEF ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình PPP
Từ ngày 17 đến 21/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ với chủ đề “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm.”

Trong thời gian dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Thủ tướng Áo Christian Kern, gặp làm việc với Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Tahehiko Nakao, Chủ tịch tập đoàn Microsoft Bradford Smith; tiếp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo, Chủ tịch tập đoàn Alibaba Jack Ma, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Malik - ông Fredmund Malik… dự phiên thảo luận “Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực”, đối thoại với một số tập đoàn lớn và gặp gỡ các hãng thông tấn báo chí hàng đầu…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chủ tịch WEF Klaus Schwab dự lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới về phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai. Việt Nam là nước đầu tiên mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình PPP và mong muốn đây là một “mẫu hình” để triển khai với các nước khác sau này.

Theo thỏa thuận, WEF sẽ hỗ trợ Việt Nam kết nối với mạng lưới các doanh nghiệp và chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của WEF; phối hợp với Việt Nam nghiên cứu và tư vấn chính sách trong những lĩnh vực Việt Nam quan tâm…

Sự kiện trong nước tuần 16-22/1: Thí điểm cho người Việt chơi casino ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Xem thêm: Việt Nam là nước đầu tiên WEF ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình PPP

Sau kiểm toán, các "ông lớn" phải nộp ngân sách hàng nghìn tỷ đồng
Các đơn vị được kiểm toán đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính của cơ quan chức năng với số tiền hơn 14.000 tỷ đồng trong đó đáng chú ý là những ông lớn trong ngành bia rượu, nước giải khát và dầu khí.

Theo kết quả vừa được Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết sáng 18/1 tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2017, tính tới 31/12/2016, con số kiến nghị xử lý tài chính đã được các đơn vị thực hiện là 14.367 tỷ đồng. Mức này theo ông bằng khoảng 74,1% số kiến nghị đủ bằng chứng (19.383 tỷ đồng).

Đặc biệt, theo ông, sau nhiều lần đôn đốc, một số đơn vị có số kiến nghị nộp ngân sách Nhà nước lớn đã thực hiện đầy đủ kết luận của Kiểm toán Nhà nước như: Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã nộp 931 tỷ đồng.

Ngoài ra, sau kiểm toán, Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng đã nộp lại ngân sách 931 tỷ đồng.

Số nộp lại ngân sách Nhà nước lớn hơn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với 4.178 tỷ đồng.

Nói rộng hơn về công tác kiểm toán cả năm 2016, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho hay, cơ quan này đã kết thúc 217/221 cuộc kiểm toán và phát hành 189/268 báo cáo kiểm toán.

Trong số này, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 3 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra. Theo báo cáo, 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật thuế của Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Dầu khí Hoàng Ngân tại Vũng Tàu và Công ty trách nhiệm hữu hạn Đoàn Kết tại Kon Tum.

Một vụ việc khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý đầu tư tại Dự án xây dựng công trình Nhà máy sản xuất phân bón Điamon Photphat số 2 thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam./.

Sự kiện trong nước tuần 16-22/1: Thí điểm cho người Việt chơi casino ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Sau kiểm toán, các "ông lớn" phải nộp ngân sách hàng nghìn tỷ đồng

Chính phủ ban hành nghị định, cho thí điểm người Việt chơi casino
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 03/2017/NĐ-CP về kinh doanh casino, trong đó cho phép thí điểm để công dân Việt Nam vào chơi.

Cụ thể, Chính phủ đồng ý thí điểm cho phép người Việt Nam được vào chơi tại điểm kinh doanh casino thực hiện tại dự án đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino tại các địa điểm đáp ứng các quy định tại nghị định này và được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm kể từ ngày doanh nghiệp kinh doanh casino đầu tiên được phép thí điểm cho phép người Việt Nam chơi tại điểm kinh doanh casino. Sau 3 năm thí điểm, Chính phủ sẽ tổng kết, đánh giá và quyết định việc tiếp tục cho phép người Việt Nam chơi casino hoặc có thể chấm dứt không cho phép người Việt Nam chơi casino tại Việt Nam.

Điều kiện để người Việt Nam vào chơi casino tại doanh nghiệp kinh doanh casino được phép thí điểm gồm phải là người đủ 21 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam; có đủ năng lực về tài chính để tham gia chơi tại điểm kinh doanh casino. Người chơi phải chứng minh được có thu nhập thường xuyên từ 10 triệu đồng/tháng trở lên hoặc thuộc diện chịu thuế từ bậc 3 trở lên theo quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân.

Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể hồ sơ chứng minh người chơi có đủ năng lực tài chính; Phải mua vé tham gia chơi tại điểm kinh doanh casino. Mức vé là 1 triệu đồng/24 giờ liên tục/người hoặc 25 triệu đồng/tháng/người.

Sự kiện trong nước tuần 16-22/1: Thí điểm cho người Việt chơi casino ảnh 3

Xem thêm: Chính phủ ban hành nghị định, cho thí điểm người Việt chơi casino

Đổi tiền lẻ dịp Tết - Bao giờ bỏ được thói quen không lành mạnh?
Đến hẹn lại lên, dịch vụ đổi tiền lẻ mỗi dịp Tết đến Xuân về lại “nở rộ.” Đổi tiền lẻ để đi lễ chùa hay lì xì đầu năm đã trở thành nhu cầu của một bộ phận người dân. Điều đáng nói, nhu cầu này bấy lâu nay đã bị đẩy lên thành một hiện tượng không lành mạnh, để nhiều người lợi dụng trục lợi.

Không khó để có thể tìm ra một trang mạng cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ với một cú nhấp chuột. Theo quảng cáo, tiền mệnh giá càng lớn thì mức phí càng giảm, ví dụ như 1.000, 2.000 đồng mức phí 16% trở lên, 10.000 đồng mức phí 10% trở lên, 100.000 đồng thì mức phí giảm xuống còn 6%.

Đổi tiền mất phí! Một việc làm dường như phi lý và vi phạm pháp luật nhưng nhiều người vẫn vô tình tiếp tay cho hoạt động này, và đây là một thói quen cần được thay đổi.

Nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương không phát hành tiền mới, mệnh giá nhỏ dịp Tết Nguyên đán và chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận của nhiều người dân.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, từ năm 2013, cơ quan này thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán đã góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao nếp sống văn minh, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam đồng thời tiết kiệm chi phí xã hội và nhận được sự đồng thuận của người dân.

Dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán 2017, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiết giảm được chi phí phát hành tiền khoảng gần 400 tỷ đồng, qua đó nâng tổng mức chi phí tiết kiệm từ khi thực hiện chủ trương này lên đến 1.900 tỷ đồng.

Sự kiện trong nước tuần 16-22/1: Thí điểm cho người Việt chơi casino ảnh 4Dịch vụ đổi tiền lẻ hoạt động công khai trên phố Kim Ngưu, Hà Nội. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Xem thêm: Đổi tiền lẻ dịp Tết - Bao giờ bỏ được thói quen không lành mạnh?

Thí điểm phát hành trái phiếu Chính phủ có lãi suất thả nổi
Theo đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính, giải pháp điều hành thị trường trong năm, “sẽ tăng phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Cụ thể ngay trong quý 2, trái phiếu Chính phủ lãi suất thả nổi sẽ được phát hình thí điểm đồng thời tiếp tục phát hành trái phiếu kỳ hạn dài 20 năm, 30 năm.”

Tại Hội nghị Thành viên thị trường trái phiếu Chính phủ đầu năm 2017, vị lãnh đạo này cũng cho hay, trong quý 1 của năm, thị trường phái sinh trái phiếu sẽ đi vào hoạt động ngay và chuyển chức năng thanh toán trái phiếu Chính phủ từ ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm củng cố hoạt động công bố thông tin trên thị trường.

Về mục tiêu huy động vốn của năm 2017, kế hoạch Bộ Tài chính đặt ra mức  dự kiến trái phiếu Chính phủ đạt 250.000 tỷ đồng, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh 34.395 tỷ đồng và trái phiếu chính quyền địa phương khoảng 8.000 tỷ đồng -10.000 tỷ đồng.

Theo thống kê từ Kho bạc Nhà nước trong năm 2016, thị trường trái phiếu Chính phủ sơ cấp đã tăng trưởng gấp hơn 1,4 lần (so với năm 2015), với tổng khối lượng phát hành của đạt 281.750 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2016, dư nợ trái phiếu Chính phủ đã đạt khoảng 26% GDP, kỳ hạn vay bình quân đạt 8,71 năm, tăng 1,73 năm so với năm 2015.

Sự kiện trong nước tuần 16-22/1: Thí điểm cho người Việt chơi casino ảnh 5Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Thí điểm phát hành trái phiếu Chính phủ có lãi suất thả nổi

Xuất khẩu lao động năm 2017 chú trọng chất lượng thay vì số lượng
Năm 2016 là năm thứ 3 liên tiếp kể từ năm 2014, số lao động ra nước ngoài làm việc ở mức trên 100.000 người. Số lao động ra nước ngoài làm việc của Việt Nam liên tục tăng và vượt chỉ tiêu, thách thức của xuất khẩu lao động không còn là số lượng mà là chất lượng lao động.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết năm 2017, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặt kế hoạch đưa được 105.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó các thị trường trọng điểm tiếp tục là Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, ngoài các thị trường truyền thống lớn, Cục cũng đang nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các Hiệp định và Thỏa thuận về hợp tác lao động đã ký với các nước Thái Lan, Lào, Australia. Tiếp tục triển khai đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản và Đức theo các chương trình đã ký kết.

Đặc biệt, trong năm 2017, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu, hoàn thiện Đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025” để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sự kiện trong nước tuần 16-22/1: Thí điểm cho người Việt chơi casino ảnh 6Điều dưỡng viên, hộ lý học tiếng Nhật trước khi sang Nhật Bản làm việc. (Ảnh: TTXVN)

Xem thêm: Xuất khẩu lao động năm 2017 chú trọng chất lượng thay vì số lượng

Bộ Y tế ra khuyến cáo khẩn cấp phòng tránh dịch bệnh bạch hầu
Sau khi hai học sinh tại Quảng Nam tử vong vì bệnh bạch hầu, Bộ Y tế đã ra khuyến cáo khẩn cấp để phòng, tránh dịch bệnh này.

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.

Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắcxin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở Việt Nam, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắcxin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắcxin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch.

Sự kiện trong nước tuần 16-22/1: Thí điểm cho người Việt chơi casino ảnh 7Cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ để phòng, tránh dịch bệnh bạch hầu. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Bộ Y tế ra khuyến cáo khẩn cấp phòng tránh dịch bệnh bạch hầu

Chủ tịch nước kêu gọi kiều bào chung sức xây đất nước giàu mạnh
Tối 20/1, tại Hội trường Thống nhất - Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật Xuân quê hương 2017 với chủ đề “Thành phố mang tên Bác - Khát vọng ngời sáng”.

Đã thành thông lệ, mỗi dịp Tết đến Xuân về, chương trình Xuân quê hương lại trở thành điểm hẹn của kiều bào khắp nơi trên thế giới trở về Việt Nam đón Tết Nguyên đán, cùng vui hưởng một mùa xuân ấm áp, sum họp theo phong tục cổ truyền của dân tộc.

Phát biểu chúc Tết bà con kiều bào, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chào mừng đông đảo đại biểu kiều bào về dự chương trình, gửi tình cảm thân thương và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất tới những người con của Tổ quốc đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài không về dự được cuộc gặp mặt. Chủ tịch nước nhấn mạnh, đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, bà con kiều bào là một phần máu thịt không thể tách rời. Tổ quốc luôn dang rộng cánh tay đón bà con trở về.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ mong muốn hơn 4,5 triệu đồng bào Việt Nam ở nước ngoài sẽ muôn người như một, cùng một niềm tin và nỗ lực hướng tới sự phát triển phồn thịnh của quê hương, chung tay cùng nhân dân cả nước xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh và có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.

Chủ tịch nước kêu gọi các chuyên gia, trí thức kiều bào, những người có điều kiện tiếp cận nhanh nhất với công nghệ tiên tiến và tri thức tiến bộ, tích cực đem trí tuệ và kinh nghiệm của mình đóng góp, hiến kế xây dựng quê hương; các doanh nhân kiều bào không chỉ về nước đầu tư, kinh doanh mà còn phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò cầu nối mang hàng hóa, thương hiệu Việt ra khắp thế giới.

Trong không khí sum họp gia đình đầm ấm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đánh trống khai hội chương trình Xuân quê hương 2017, dự khán chương trình nghệ thuật đặc sắc, gồm nhiều tiết mục ngợi ca đất nước, ca ngợi Bác Hồ, mừng Đảng, mừng Xuân.

Sự kiện trong nước tuần 16-22/1: Thí điểm cho người Việt chơi casino ảnh 8Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp gỡ thân mật bà con kiều bào chiều 20/1. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Xem thêm: Chủ tịch nước kêu gọi kiều bào chung sức xây đất nước giàu mạnh

Cục Hàng không: Không có hiện tượng tăng giá vé bay Tết vượt trần
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, trong trong tháng cao điểm Tết Nguyên đán 2017, số ghế cung ứng trên các chặng nội địa của các hãng hàng không vẫn còn nhiều bởi việc mở bán đa dạng hóa giá vé máy bay trên các đường bay nội địa, linh hoạt theo nhu cầu thị trường, cạnh tranh.

“Về mức giá, không có hiện tượng tăng giá vé bay Tết vượt trần,” lãnh đạo Cục Hàng không khẳng định.

Liên quan đến tình hình đặt, mua vé đi lại, đến thời điểm ngày 19/1 vừa qua, theo số liệu thống kê của Cục Hàng không số ghế cung ứng trên các chặng nội địa của các hãng hàng không vẫn còn nhiều, phụ thuộc vào nhu cầu của hành khách trên các đường bay.

Cụ thể, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) còn nhiều chỗ trên đường bay Thành phố Hồ Chí Minh-Phú Quốc/Nha Trang/Đà Lạt/Chu Lai.

Trên các đường bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Pleiku, Buôn Ma Thuột các ngày 21-26/1 (tức 24-29 tháng Chạp) và chiều quay lại từ các tỉnh, thành này về Thành phố Hồ Chí Minh từ 31/1 - 5/2 (tức mùng 4 đến mùng 9 Tết) do nhu cầu về quê ăn Tết cao nên lượng khách đặt chỗ đã chiếm 85-95% ghế cung ứng.

Hãng hàng không Vietjet Air cung ứng trên toàn mạng khoảng 1,3 triệu chỗ. Đối với giai đoạn trước Tết, từ 16-30 tháng Chạp Âm lịch, Vietjet cung cấp đến 655.000 chỗ. Tính đến sáng ngày 19/01 (tức 22 tháng Chạp Âm lịch), Vietjet đã lấp đầy được 91% các chuyến bay xuôi chiều cao điểm từ Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội, tương ứng với 298.000 hành khách.

Sự kiện trong nước tuần 16-22/1: Thí điểm cho người Việt chơi casino ảnh 9Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietjet Air cung cấp)

Xem thêm: Cục Hàng không: Không có hiện tượng tăng giá vé bay Tết vượt trần

Tạm cấp 1.680 tỷ đồng bồi thường sự cố môi trường biển đợt 2
1.680 tỷ đồng là số tiền Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo tạm cấp để bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung trong đợt 2.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, số tiền tạm cấp cho Hà Tĩnh là 560 tỷ đồng, Quảng Bình 760 tỷ đồng, Quảng Trị 160 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 200 tỷ đồng, từ khoản tiền Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh bồi thường để các tỉnh bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính trên cơ sở mức kinh phí tạm cấp và tiến độ giải ngân của các địa phương để chuyển tiền cho phù hợp, tránh để tiền tồn đọng ở địa phương.

Việc chi trả kinh phí phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng định mức tránh sai sót không thu hồi được kinh phí./.

Sự kiện trong nước tuần 16-22/1: Thí điểm cho người Việt chơi casino ảnh 10Người dân Hà Tĩnh làm thủ tục nhận tiền bồi thường đợt 1. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Xem thêm: Tạm cấp 1.680 tỷ đồng bồi thường sự cố môi trường biển đợt 2

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục