Bất chấp vụ tấn công hồi đầu năm ngoái vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo, Pháp vẫn thu hút gần 85 triệu khách quốc tế năm 2015 và khẳng định vị trí đứng đầu thế giới.
Nhưng sau loạt vụ khủng bố từ cuối năm ngoái, nhiều số liệu không mấy lạc quan về lượng khách đến Pháp làm dấy lên lo ngại về triển vọng của ngành du lịch nước này.
Khi thị trưởng Lille, một trong những thành phố lớn ở phía Bắc Pháp, ngày 5/8 tuyên bố hủy bỏ phiên chợ đồ cũ thường niên lớn năm 2016 - một ngày hội văn hóa, du lịch - thu hút khoảng hai triệu người từ khắp châu Âu đổ về, không ít người đã tỏ ý tiếc nuối.
Lý do mà bà thị trưởng Martine Aubry đưa ra rất thuyết phục: chính quyền không thể bảo đảm an ninh cho sự kiện này.
Lille không phải là ngoại lệ, từ đầu tháng bảy, cao điểm của mùa du lịch, hàng chục lễ hội lớn tại Pháp đã buộc phải hủy bỏ sau vụ một phần tử Hồi giáo cực đoan dùng xe tải tấn công đám đông xem bắn pháo hoa mừng quốc khánh Pháp 14/7 làm 85 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Những sự kiện còn lại nếu được tổ chức đều được thắt chặt an ninh một cách nghiêm ngặt.
Nhà chức trách và các ban tổ chức cũng công bố hàng loạt khuyến cáo dành cho du khách tham dự.
Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian giải thích đất nước “đang trong tình trạng thời chiến” và rất cần “tôn trọng tuyệt đối các chuẩn mực an ninh trước mối đe dọa khủng bố.”
Cho dù chính phủ và các địa phương Pháp đã triển khai hàng loạt biện pháp phòng ngừa và tình hình an ninh nói chung không quá căng thẳng, theo quan sát và trải nghiệm của hầu hết những người đang có mặt tại nước Pháp thời điểm này, loạt vụ khủng bố từ đầu năm 2015 đến nay vẫn đè nặng lên cảm xúc và suy nghĩ của những người yêu mến đất nước của Victor Hugo.
Theo các số liệu thống kê, số ngày khách du lịch đến Paris và vùng phụ cận đã giảm tới 10% trong 6 tháng đầu năm 2016.
Khách sạn hạng sang là một trong những phân khúc bị ảnh hưởng đặc biệt, với tỷ lệ giữ chỗ rơi xuống chỉ còn 32% trong nửa cuối tháng Bảy tại Paris.
Tình thế cũng dự báo tương tự đối với vùng duyên hải Côtes d’Azur phía Nam, trung tâm du lịch lớn thứ hai của Pháp, do ảnh hưởng trực tiếp từ vụ khủng bố tại Nice ngày 14/7. Tỷ lệ phòng khách sạn có người đặt giảm từ 5-10%.
Theo công bố của công ty theo dõi thị trường ForwardKeys, chuyên phân tích giao dịch hàng không toàn cầu, số lượng hành khách đi máy bay nhập cảnh vào Pháp đã giảm 8,8% trong tuần thứ ba của tháng Bảy.
Tính chung từ tháng Một đến tháng Bảy, hành khách sử dụng máy bay tới Pháp đã giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2015.
“Vụ khủng bố Nice đã xóa sạch hiệu ứng được tạo ra bởi EURO 2016, một sự kiện được bảo đảm an ninh gần như hoàn hảo, tưởng chừng đã đánh bóng lại hình ảnh nước Pháp,” Frédéric Valletoux, Chủ tịch Ủy ban du lịch Paris và vùng thủ đô Ile-de-France (CRT), nhận xét.
Theo ông, việc kéo dài tình trạng khẩn cấp áp đặt từ sau vụ khủng bố Paris đầu năm 2015 không những không phát huy tác dụng, mà trái lại gây hiệu ứng xấu lên khách hàng châu Á và Mỹ.
Du khách châu Á là đối tượng đặc biệt nhạy cảm với vấn đề an ninh, vì thế không có gì ngạc nhiên khi số lượng đặt chỗ từ các nước này tới Pháp giảm mạnh.
Theo CRT, lượng khách Nhật tới Paris giảm tới 56%.
“Người Nhật là những khách hàng chi tiêu rộng rãi nhất,” Frédéric Valletoux, chủ tịch Ủy ban du lịch Paris và vùng thủ đô Ile-de-France (CRT) nói, đồng thời bày tỏ sự “thất vọng” trước việc khách Nhật Bản và Hàn Quốc xa lánh Paris.
Xu hướng tương tự cũng xảy ra với khách Trung Quốc. Từ nhiều năm nay, ngày càng nhiều người Trung Quốc đại lục đi ra nước ngoài, nhưng số khách đến Pháp đã giảm mạnh sau các vụ khủng bố gần đây.
Trong sáu tháng đầu năm, Đại sứ quán Pháp tại Bắc Kinh chỉ cấp 320.000 visa, thấp hơn 15% so với cùng kỳ năm trước.
Giám đốc một hãng lữ hành Trung Quốc nhận định vụ khủng bố tại Nice và Munich trong tháng Bảy sẽ làm trầm trọng thêm xu hướng này.
An ninh không phải là vấn đề bận tâm hàng đầu với người Mỹ hay châu Âu khi lựa chọn địa điểm cho kỳ nghỉ, nhưng trước những cảnh báo trầm trọng về nguy cơ khủng bố tại Pháp và cả châu Âu, không ít người đã phải nhíu mày.
Cơ quan xúc tiến du lịch Pháp Atout France ghi nhận lượng khách Mỹ đến Pháp trong tháng Bảy đã giảm nhẹ khoảng 6% so với năm trước.
Tuy vậy, bức tranh không hoàn toàn chỉ có gam màu xám.
Theo bộ trưởng Matthias Fekl, trái với ở nhiều nước khác du lịch thường bị đình trệ sau khi xảy ra khủng bố, du khách vẫn tiếp tục đến Pháp bất chấp các vụ khủng bố.
Đây không phải là điều ngạc nhiên đối với đất nước thu hút du lịch lớn nhất thế giới. Năm 2015 ghi nhận khoảng 85 triệu khách du lịch quốc tế kéo đến đất nước hình lục lăng, mặc dù vụ tấn công vào tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo đã làm giảm khoảng 0,9%, vượt xa điểm đến thứ hai đang nổi lên của châu Âu là Tây Ban Nha, với khoảng 65 triệu khách, hay Mỹ, đứng thứ hai thế giới với 75 triệu khách.
Ước tính, du lịch đóng góp khoảng 8% GDP và sử dụng gần 2 triệu nhân công Pháp. Riêng tại Paris, ngành công nghiệp không khói đóng góp 500.000 việc làm và tạo ra gần 21 tỷ euro doanh thu.
Hiện tượng suy giảm nhất thời chủ yếu ghi nhận ở vùng thủ đô Paris-Ile de France. “Mọi người vẫn muốn đến thăm Pháp, nhưng họ đang tránh Paris,” theo ông Frédéric Valletoux, mặc dù tại đây có hàng loạt địa chỉ mang tính biểu tượng cao cho văn hóa thế giới, như tháp Eiffeil, Nhà thờ Đức Bà Paris, Bảo tàng Louvre hay dòng sống Seine thơ mộng.
Bù lại, lượng khách tới các vùng khác tăng 2%, hạn chế bớt tác động tiêu cực.
Nhiều địa phương, nhiều loại hình lưu trú mới được nhìn nhận là an toàn hơn đã cân bằng cho sự suy giảm từ Paris. Trong số đó nổi lên các điểm đến ở ven bờ Đại Tây Dương, như vùng Bretagne, Poitou-Charentes hay một số vùng núi cao xung quanh dãy Pyrénées.
Thành công của một số lễ hội gần đây cho thấy điều đó. Hơn nữa, châu Á và Mỹ chỉ chiếm khoảng 20% lượng khách du lịch đến Pháp, số còn lại là từ châu Âu, nơi người dân không quá lo ngại về nguy cơ khủng bố.
“Rõ ràng càng ở xa, người ta càng có cái nhìn tiêu cực về nước Pháp," Sébastien Cron, chuyên gia của Forward Keys nhận xét.
Khủng bố không phải là nguyên nhân duy nhất làm nản lòng du khách. Từ làn sóng biểu tình kéo dài suốt nhiều tuần lễ phản đối dự luật lao động, thiếu nhiên liệu do các cảng dầu lửa bị phong tỏa cho tới các cuộc bãi công của nhân viên hãng hàng không Air France, rồi trận lụt lịch sử trên sông Seine, chưa bao giờ người nước ngoài cảm thấy lo ngại đến vậy khi tới Pháp.
Chưa kể, cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời bỏ Liên minh châu Âu đã đẩy đồng bảng xuống giá, làm cho Pháp đột nhiên trở nên đắt hơn so với trước đây.
Bất chấp các khó khăn, giới chức ngành du lịch vẫn đặt mục tiêu thu hút 100 triệu du khách từ nay đến năm 2020.
“Còn cả một chặng đường dài nữa mới lấy lại được niềm tin của khách du lịch nước ngoài,” ông Frédéric Valletoux thừa nhận. Hàng loạt biện pháp đã được cấp tốc đề ra. Thị trưởng Paris, bà Anne Hidalgo, và chủ tịch vùng thủ đô Ile de France, Valérie Pécresse, đã tới Tokyo gặp gỡ các nhà đầu tư và doanh nghiệp ngành du lịch để giới thiệu sức hấp dẫn của Paris.
"Tôi đã yêu cầu toàn thể mạng lưới ngoại giao vào cuộc để xúc tiến du lịch Pháp trên thế giới," Quốc vụ khanh Matthias Fekl cho biết.
Bộ Ngoại giao đã chi hơn 1 triệu euro để hỗ trợ quảng bá hình ảnh đất nước, nhất là đối với các nước châu Á và Mỹ, những đối tượng quan ngại nhất vấn đề an ninh.
“Không bao giờ không có rủi ro, ở Pháp, ở châu Âu hay bất cứ nơi nào khác trên thế giới,” ông Matthias Fekl nhấn mạnh. “Pháp vẫn là đất nước đáng sống, nơi mà khách du lịch khắp nơi trên thế giới vẫn yêu thích và muốn khám phá.”
Theo giới chuyên môn, chừng đó chưa đủ để lật ngược tình thế, nhưng cần thiết để hạn chế hậu quả đối với nền kinh tế đang phục hồi chậm chạp.
Từ năm 2014, du lịch đã được Tổng thống François Hollande coi là một ưu tiên quốc gia, sự giảm sút du khách nước ngoài có thể khiến cho tăng trưởng của Pháp giảm tới 0,1% GDP./.