Sửa đổi việc xử phạt khi đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Sửa đổi việc xử phạt khi đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài ảnh 1Đào tạo tu nghiệp sinh nghề cơ khí, hàn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 7/10, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau: “Điều 3 quy định về phạt tiền đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các Khoản 1,2 và 3 Điều 4, các Khoản 2, 4 và 6 Điều 9, Khoản 7 và Khoản 8 Điều 28 và các điều từ Điều 29 đến Điều 34 của Nghị định này.

Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Chương V của Nghị định này là thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức bằng 2 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.”

Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau: “Điều 4 vi phạm quy định về dịch vụ việc làm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có hành vi thông báo hoạt động dịch vụ việc làm không theo quy định của pháp luật; phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ làm việc có hành vi thu phí dịch vụ làm vượt quá mức quy định…"

Ngoài ra, Nghị định còn bổ sung, sửa đổi Điều 4a vi phạm về tuyển, quản lý lao động; Điều 5 vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động; Điều 6 vi phạm quy định về thử việc; Điều 8 vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động; Điều 13 vi phạm quy định về tiền lương; Điều 17 vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung Điều 22 vi phạm quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Điều 22a vi phạm quy định về tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; Điều 24 vi phạm quy định về đảm bảo thực hiện quyền công đoàn; Điều 24a vi phạm quy định về phân biệt đối xử vì lý do thành lập, gia nhập vào hoạt động công đoàn; Điều 24b vi phạm quy định về sử dụng các biện pháp kinh tế hoặc các biện pháp khác gây bất lợi đối với tổ chức và hoạt động công đoàn; Điều 24c vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn; Điều 27 vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và Điều 28 vi phạm các quy định khác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/11./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục